KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 3.1. Tình hình cơ bản tại khu vực nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cảnh quan môi trường
3.1.1.1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Vị trí địa lý
Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 110 km về phía Bắc. Có tọa độ địa lý như sau: Từ 22o 15’16" đến 22o 38’31" vĩ độ Bắc; từ 105o 14’15" đến 105o36’39" kinh độ Đông.
Hình 3.1: Vị trí địa lý huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang
+ Phía Bắc giáp huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng;
+ Phía Nam giáp huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang;
+ Phía Đông giáp huyện Pác Nặm, huyện Chợ Đồn và huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn;
+ Phía Tây giáp huyện Lâm Bình, của tỉnh Tuyên Quang.
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 86.353,7 ha, bao gồm 12 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 11 xã). Trên địa bàn huyện có tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 2C chạy qua tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Địa hình, địa mạo
Huyện Na Hang nằm trung tâm hạ lưu sông Gâm, độ cao trung bình 480m so với mặt nước biển. Địa hình của huyện bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau: Địa hình núi cao hiểm trở; địa hình núi thấp và đồi thoải lượn sóng xen kẽ với các thung lũng và các cánh đồng phù sa nhỏ hẹp. Địa mạo Castơ: Là dạng địa mạo đặc trưng cho vùng núi đá vôi, tập trung hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện.
- Khí hậu
Huyện Na Hang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc á - Trung Hoa và chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa hè nóng ẩm mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 9; mùa đông lạnh, khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Sau khi xây dựng Thủy điện Tuyên Quang chế độ thủy văn phụ thuộc nhiều vào sự điều tiết và vận hành của nhà máy. Ngoài ra, còn có suối Nặm Mường cùng nhiều suối nhỏ khác đều có tốc độ dòng chảy lớn nhưng đã được hạn chế bởi lưu vực lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang với diện tích trên 8.000 ha.
Hệ thống sông, suối, hồ của huyện Na Hang là nguồn cung cấp hàng tỷ m3/năm nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nguồn nước ngầm của huyện khá phong phú, có ở khắp địa bàn và có chất lượng đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Điều kiện khai thác dễ dàng đáp ứng yêu cầu khai thác đơn giản trong sinh hoạt của nhân dân và khai thác quy mô công nghiệp. Hạn chế lớn nhất của huyện là lượng nước mưa mùa khô thấp, tuy mức độ không đến mức trầm trọng và ở những tháng đầu mùa mưa chất lượng nước tầng nông không ổn định, độ đục lớn và có nhiều chất hữu cơ do quá trình rửa trôi các chất trên bề mặt lưu vực.
- Tài nguyên thiên nhiên
a) Tài nguyên đất
Năm 2012 huyện Na Hang đã được tiến hành điều tra xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/25.000 trên cơ sở điều tra 80.554 ha, kết quả thể hiện ở bảng sau: