CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI VAI TRÒ CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 27 - 30)

TIẾP NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG

1.3.1. Điều kiện tự nhiên

Điều kiện tự nhiên bao gồm các yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, quy mô dân số… Đây là những yếu tố tác động quan trọng có ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các dự án đầu tư. Các yếu tố này thuận lợi sẽ cung cấp được các yếu tố đầu vào phong phú và giá rẻ cho các hoạt động đầu tư.

Trong lĩnh vực công nghiệp, thứ tự ưu tiên của nhà đầu tư là nguồn nguyên liệu, số lượng và chất lượng NNL, bởi vì thực chất của dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp nhờ có ưu thế về công nghệ hiện đại được chuyển giao từ công ty mẹ cho nên các dự án FDI thường chảy vào các quốc gia có nhiều tài nguyên phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chưa được khai thác nhiều, thêm vào đó là giá công nhân rẻ và có thuận lợi về vị trí cũng như thị trường.

Như vậy, các điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ tạo ra lợi thế tuyệt đối cho các địa phương cấp tỉnh thu hút và sử dụng FDI, từ đó tạo cơ sở cho tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với từng địa phương cấp tỉnh cũng cần chú ý rằng, trong số các điều kiện tự nhiên, có những lợi thế giảm dần trong quá trình khai thác sử dụng do không thể tái tạo. Vì vậy, sử dụng điều kiện tự nhiên mà đặc biệt là các nguồn tài nguyên thiên nhiên để thu hút FDI phải được tính toán kỹ càng, tránh tình trạng làm cho chúng nhanh chóng cạn kiệt và cùng với điều đó là sự mất cân bằng sinh thái, sự xuống cấp của môi trường.

1.3.2. Trình độ phát triển kinh tế

Trình độ phát triển kinh tế thể hiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội thông qua sự phát triển của các yếu tố cấu thành chúng cùng với những kết quả mà nền sản xuất xã hội đạt được.

Việc thu hút, sử dụng và phát huy vai trò của FDI trên địa bàn tỉnh không những phụ thuộc vào trình độ phát triển của nền kinh tế quốc gia nói chung thể hiện ở mức độ phát triển về quản lý kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ và tính cạnh tranh của thị trường, mà còn đặc biệt là chịu ảnh hưởng lớn từ trình độ phát triển kinh tế của địa phương nói riêng. Trình độ quản lý vĩ mô kém có thể dẫn tới mất ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, nợ nước ngoài lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, nạn tham nhũng phổ biến… đây là những nguyên nhân tiềm ẩn cho các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và làm tăng mức độ rủi ro cho hoạt động đầu tư, do đó có tác dụng làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Mặc dù cùng nằm trong môi trường vĩ mô chung của quốc gia, song trên địa bàn của từng tỉnh lại có những khả năng khác nhau về thu hút, sử dụng và phát huy vai trò của FDI. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi và giảm những chi phí phát sinh trong hoạt động đầu tư.

1.3.3. Đặc điểm văn hóa - xã hội

Đặc điểm văn hoá - xã hội bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán, trình độ dân trí, tinh thần dân tộc, thị hiếu… có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngôn ngữ là một trong những khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, sự khác nhau về ngôn ngữ làm khó khăn trong công tác kinh doanh, dễ gây ra sự hiểu nhầm dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Tín ảnh hưởng đến thái độ của nhà đầu tư như thói quen tiêu dùng và thuần phong mỹ tục có ảnh hưởng đến quy mô thị trường. Phong tục tập quán là nhân tố tinh thần, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, họ dễ dàng hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng nước sở tại hay không là phụ thuộc vào phong tục tập quán của nước chủ nhà. Mặt khác, sản phẩm của họ cũng phải tính đến vấn đề có được thị trường chấp nhận hay không từ đó sẽ có những thay đổi trong chiến lược kinh doanh của mình.

Trình độ dân trí là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các nhà đầu tư nước ngoài. Trình độ dân trí cao hay thấp sẽ tác động trực tiếp đến NNL mà đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào. Nhóm nhân tố này tạo ra sức hấp dẫn nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trình độ dân trí thấp đã trở thành lực cản cho sự phát triển của xã hội, hạn chế khả năng mở rộng kinh doanh của DN. Những tập quán sản xuất manh mún với tâm lý tiểu nông đã và đang cản trở sự hình thành tác phong công nghiệp cho nguồn lao động nước ta, gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động quản lý vi mô ở các DN nói chung và các DN FDI nói riêng.

1.3.4. Cơ chế chính sách về thu hút, sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài

Các hoạt động FDI không những chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách của nước chủ nhà quy định về lĩnh vực đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tiền tệ, thương mại… mà còn phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai thực hiện những cơ chế chính sách đó tại địa phương, trong đó có cấp tỉnh. Tính hợp lý của các chính sách này, đặc biệt thông qua triển khai thực hiện gắn với sự năng động sáng tạo của tỉnh sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, do đó sẽ có tác dụng trực tiếp đến các DN FDI.

Việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư chủ yếu là công việc của Chính phủ. Tuy nhiên, vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng trong việc thực thi và vận dụng sáng tạo, bằng cơ chế chính sách riêng trong khuôn khổ cho phép. Vấn đề là ưu đãi phải cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, đặc biệt là phải nhất quán và có xu hướng mở rộng theo hướng đồng bộ cho hoạt động FDI nói riêng cũng như cho sự vận hành của nền kinh tế nói chung.

Trích nguồn, Hà Quang Tiến, 2014. Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài

đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc. LATS Kinh tế. Học viện Chính trị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh vĩnh phúc (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)