Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của Ninh Bình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ninh bình (Trang 43 - 47)

2.1 Giới thiệu chung về lao động nông thôn ở Ninh Bình

2.1.1 Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội của Ninh Bình

- Tự nhiên:

Tỉnh Ninh Bình nằm ở vùng cực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Tây giáp 2 tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp tỉnh Nam Định, phía Nam giáp biển Đông.

Ninh Bình có diện tích tự nhiên hơn 1.400 km², với bờ biển dài hơn 15 km. Toàn tỉnh có 67.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đất canh tác 55.000 ha; đất lâm nghiệp 13.000 ha; rừng tự nhiên 10.400 ha và trên 20.000 ha diện tích núi đá với trữ lượng hàng chục tỷ m³ đá vôi; rừng núi chiếm 22% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

- Kinh tế - xã hội

Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10; 12A; 12B và đường sắt Bắc Nam chạy qua cùng hệ thống sông ngòi dày đặc như: sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Càn, sông Vạc, Sông Vân...tạo thành mạng lưới giao thông thuỷ, bộ rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Những năm qua, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, quân dân Ninh Bình đã đoàn kết, vượt mọi khó khăn, triển khai thực hiện thắng lợi tương đối toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và XIV đề ra với kết quả năm sau cao hơn năm trước. Năm 2002 so với năm 1992 (tái lập tỉnh) nhịp độ tăng trưởng GDP gấp 2,4 lần, bình quân tăng 10,4%/ năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp 2 lần; công nghiệp tăng gấp 3 lần; thu ngân sách tăng gấp 6 lần; vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng 40 lần.

Về nông nghiệp: tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển được gần 9.000 ha đất nông nghiệp trồng cây có giá trị thấp sang nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao như: nuôi tôm sú, trồng cói ở Kim Sơn, nuôi tôm càng xanh, trồng dứa ở Tam Điệp, Nho Quan, nuôi thả cá chim trắng ở Gia Viễn, Hoa Lư, cấy các giồng lúa đặc sản: tám, nếp, dự... ở Kim Sơn, Yên Khánh.... Năm 2002 năng suất lúa toàn tỉnh đạt 110 tạ/ha; tổng sản lượng thóc đạt 47,1 vạn tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 518 kg. Cả tỉnh có 294 trang trại mỗi năm doanh thu bình quân từ 20 triệu đồng trở lên.

Về công nghiệp: tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 22 khu công nghiệp, cụm công nghiệp với diện tích 880 ha trong đó có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn như: khu công nghiệp Tam Điệp, khu công nghiệp Ninh Phúc, cụm công nghiệp Gián Khẩu.... Ninh Bình đã ban hành các cơ chế, chính sách như: chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch; chính sách khuyến khích tài năng thu hút nhân tài; quỹ khuyến công; quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển. Tỉnh đã tổ chức gặp mặt các doanh nhân trong và ngoài tỉnh để kêu gọi đầu tư. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2003, tỉnh đã chấp thuận 31 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.400 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh. Sản xuất công nghiệp năm 2002 tăng 23%, năm 2003 tăng 30%. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn năm 2002 đạt gần 2.200 tỷ đồng; năm 2003 đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Trong hai năm (2002-2003) trên địa bàn tỉnh đã khởi công nhiều công trình lớn về giao thông, thuỷ lợi, du lịch, thể thao như: hồ Yên Thắng; dự án phân lũ, chậm lũ Nho Quan và Gia Viễn; sân vận động, Nhà thi đấu trung tâm; Nhà máy cán thép Tam Điệp công suất 36 vạn tấn/ năm; Nhà máy xi măng Tam Điệp công suất 1,4 triệu tấn/ năm....Các công trình đầu tư trên lần lượt đưa vào hoạt động đã tạo ra bước chuyển biến mạnh trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, tín dụng, du lịch... đều đạt mức tăng trưởng bình quân trên 25%/ năm. Thu ngân sách tăng bình quân trên 20%/ năm; năm 2003 thu được trên 200 tỷ đồng.

Về văn hoá xã hội: tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ tháng 12/2002; có 7/8 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo

dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trường học cao tầng, kiên cố; 3 trường mầm non, 106 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; có 49,7% trạm y tế có bác sỹ. 1622/1622 thôn, bản, phố xây dựng được hương ước, quy ước; có 4.192 gia đình văn hóa, 130 làng văn hoá và 90 cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hoá. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, có 17% dân số tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; 12% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, có 320 câu lạc bộ TDTT hoạt động thường xuyên; tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV, đoàn vận động viên của Ninh Bình được xếp thứ 24/64 đoàn tham gia. Việc thực hiện các chính sách xã hội đã có nhiều cố gắng, trong 2 năm (2002-2003), tỉnh đã đào tạo, truyền nghề cho 58.000 người; giải quyết việc làm cho 38.625 lượt người, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm được 1,8%.

Tuy nhiên, Ninh Bình vẫn còn là một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển, cơ cấu kinh tế lạc hậu, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của một tỉnh đồng bằng có điều kiện phát triển kinh tế toàn diện. Mục tiêu của tỉnh từ năm 2005 đến năm 2010 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10%/ năm; năm 2005 bình quân GDP đầu người tăng 1,4 lần; Đến năm 2010 tăng 2 lần so với năm 2000. Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu là: Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ cao hơn các thời kỳ trước. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. Tạo bước chuyển biến mới và vững chắc về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu lao động và thu hút đầu tư. Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, xã hội; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân

dân; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tăng cường quốc phòng- an ninh. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Đối với nông nghiệp: triển khai xây dựng nhiều mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha; phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha là 24 triệu đồng/năm; hoàn thành công tác "dồn điền đổi thửa" trong năm 2004. Tập trung xây dựng các vùng chuyên canh hàng hoá, trọng tâm là vùng trồng dứa, vùng trồng cói, vùng nuôi tôm sú, nuôi cá nước ngọt và nuôi lợn siêu nạc ở các huyện, thị xã.

Đối với công nghiệp: tập trung phát triển công nghiệp, xây dựng cơ bản tạo sự chuyển biến mạnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong hai năm 2003- 2004 hoàn thành việc san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Ninh Phúc, Tam Điệp, cụm công nghiệp Gián Khẩu đồng thời xây dựng ở mỗi huyện, thị xã ít nhất một cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư, tạo sự tăng trưởng đột phá về công nghiệp vào năm 2005 khi Nhà máy cán thép Tam Điệp ổn định công suất và Nhà máy xi măng Tam Điệp có sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh, phấn đấu mỗi năm thu hút vốn đầu tư khoảng trên 2.000 tỷ đồng.

Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có khả năng thu hồi vốn nhanh. Củng cố năng lực Công ty xuất nhập khẩu Ninh Bình đảm bảo vai trò làm đầu mối để xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu lao động. Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác các điểm du lịch; tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của du lịch Ninh Bình; mở rộng và khai thác các tuyến du lịch và các loại hình dịch vụ mới phục vụ khách du lịch. Triển khai các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tăng thu ngân sách.

Tập trung giải quyết để đạt được bước chuyển biến quan trọng, có ý nghĩa về các vấn đề xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá và nâng cao chất

lượng hoạt động trên các lĩnh vực: văn hoá, giáo dục- đào tạo, y tế, dân số- gia đình và trẻ em, xoá đói giảm nghèo.... Tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động đấu tranh kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm; đẩy lùi tệ nạn ma tuý, mại dâm và tai nạn giao thông. Nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, không để xảy ra khiếu tố đông người vượt cấp, hạn chế tái khiếu, tái tố. Giữ vững ổn định chính trị, tập trung phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ cao hơn các thời kỳ trước. Phấn đấu đến năm 2015, Ninh Bình sẽ đạt mức thu nhập bình quân tương đương với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ninh bình (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)