I. CÁC GIẢI PHÁP Ở CẤP VĨ MÔ
I.3. HỖ TRỢ VỀ TÀI CHÍNH
Hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước là biện pháp mang tính quyết định nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa nước ta với các nước Bắc Phi nói riêng và Châu Phi. Đặc biệt trong giai đoạn đầu có tính khai phá thị trường như hiện nay, điều kiện yếu kém về tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam càng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước với tư cách là “người mở đường” và người “bảo trợ”.
Quỹ hỗ trợ phát triển (HTPT) là đơn vị đang được Chính phủ giao thực hiện tín dụng hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hỗ trợ của Quỹ trong việc xuất khẩu sang Châu Phi, Quỹ cần có quy định riêng ưu tiên cho các hợp đồng xuất khẩu sang Châu Phi giống như quy định đã có dành cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đồng thời Quỹ cũng cần có các hình thức hỗ trợ khác mà nhiều nước vẫn làm như cung cấp tín dụng cho người mua,
bảo đảm rủi ro thanh toán… đặc biệt trong hoàn cảnh doanh nghiệp các nước Châu Phi thanh toán chủ yếu bằng hình thức trả chậm.
Ngoài ra, bên cạnh những mặt hàng được hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nằm trong danh mục mà Bộ Thương mại xây dựng cho từng năm, cần bổ sung thêm những mặt hàng được hỗ trợ xuất khẩu dành riêng cho thị trường Châu Phi, chẳng hạn dệt may, đồ gỗ gia dụng, đồ gia vị…
Trong tương lai gần, Chính phủ dự kiến sẽ thành lập Ngân hàng hỗ trợ phát triển quốc gia thay thế Quỹ HTPT. Đây là một bước đi rất cần thiết nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ đầu tư, xuất khẩu. Trong hoạt động của Ngân hàng này, cần có các cơ chế ưu tiên nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc đầu tư vào Châu Phi.
Đối với thưởng xuất khẩu, quy định năm 2003 là chỉ thưởng đối với các doanh nghiệp có sản phẩm mới, thị trường mới và các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của mặt hàng đó. Tuy nhiên trong những năm tới đây khi doanh nghiệp xuất khẩu sang Châu Phi, cần nghiên cứu có những quy định riêng về thưởng xuất khẩu sau:
- không chỉ thưởng xuất khẩu đối với thị trường mới, mặt hàng mới mà với cả mặt hàng và thị trường cũ nhưng duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân của mặt hàng đó;
- không chỉ thưởng khi doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Châu Phi mà có thể thưởng cả khi xuất khẩu qua trung gian;
- mức thưởng (đồng/USD giá trị xuất khẩu) đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Châu Phi cao hơn mức thưởng xuất khẩu mặt hàng cùng loại sang những thị trường lớn hoặc thị trường truyền thống;
Chính phủ có thể thành lập Quỹ hỗ trợ đặc biệt có nhiệm vụ hỗ trợ riêng cho các hoạt động xúc tiến, thâm nhập và phát triển quan hệ thương mại và hợp tác với Châu Phi. Về cách thức, tùy theo từng hoạt động cụ thể mà quỹ có thể hỗ trợ 100% hay chỉ ở một mức độ nhất định. Ví dụ: Đối với hoạt động viện trợ (dưới hình thức tài trợ dự án) hay hoạt động đào tạo (gửi lưu học sinh đi học tại các nước này) thì hỗ trợ 100%; đối với hoạt động xuất nhập khẩu thì có thể hỗ trợ vốn và lãi suất với mức ưu đãi cao hơn quy định của cơ chế hỗ trợ xuất khẩu hiện nay; với hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp thì hỗ trợ từ 30-70% tùy theo từng hoạt động và từng nước, phần còn lại do doanh nghiệp tự thu xếp; với hoạt động nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp (doanh nghiệp cử cán bộ sang nghiên cứu tại chỗ) thì hỗ trợ thêm kinh phí ăn ở và đi lại v.v...
Đặc biệt, việc thành lập kho ngoại quan ở các nước Bắc Phi có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy bán hàng tại chỗ và sang các nước Châu Phi khác. Mặc dù việc lập và duy trì hoạt động của kho ngoại quan phụ thuộc vào doanh nghiệp, nhưng Quỹ hỗ trợ đặc biệt này cần hỗ trợ chi phí thành lập và chi phí hoạt động trong một thời gian ban đầu (1 năm, 2 năm, hoặc 5 năm... tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể).
Về mặt tổ chức, Quỹ hỗ trợ đặc biệt nêu trên có thể chỉ là một đơn vị, một bộ phận trực thuộc Quỹ hỗ trợ phát triển, và cũng có thể chỉ dưới dạng một “tài khoản đặc biệt” tồn tại trong giai đoạn xúc tiến thâm nhập thị trường các nước Châu Phi.
(Cần lưu ý là các hình thức hỗ trợ tài chính nói trên không áp dụng một cách lâu dài, vì khi nước ta gia nhập WTO thì những hình thức hỗ trợ tài chính này sẽ chịu ràng buộc bởi các quy định của WTO và sẽ dần bị thu hẹp lại).
Đối với nhập khẩu, cũng cần tạo ra những hình thức hỗ trợ tài chính cho việc nhập khẩu từ Châu Phi, chẳng hạn như cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhập khẩu từ Châu Phi, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đi khảo sát nguồn hàng nhập khẩu từ Châu Phi… nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên liệu và khoáng sản phục vụ sản xuất.