2.1. Những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Phú
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Về vị trí địa lý, Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi, nằm ở vị trí giữa 210 - 220 vĩbắc và 1050 kinh đông, có vị trí trung tâm vùng, là cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc), phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội; phía Tây giáp tỉnh Sơn La; phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình; phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang. Phú Thọ nằm ở trung tâm các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường sông từ các tỉnh thuộc Tây - Đông - Bắc đi Hà Nội, Hải Phòng và các nơi khác; là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Về đất đai, địa hình, diện tích tự nhiên là 3.532,5km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 97.610ha, đất rừng 195.000ha với 64.064ha rừng tự nhiên, đất mặt nước nuôi trồng thủy sản 10.000ha, các loại đất khác 19.299ha [47. tr15].
Kể từ sau ngày tái lập tỉnh (1-1-1997) đến nay, Phú Thọ có 13 đơn vị hành chính bao gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và 11 huyện: Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập; 227 đơn vị hành chính cấp xã. Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh.
Là một tỉnh miền núi, nhưng địa hình Phú Thọ vừa có tính chất miền núi, trung du, vừa có tính chất đồng bằng và được chia thành hai tiểu vùng chủ yếu. Tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Nam của Phú Thọ (miền hữu ngạn sông Hồng), chiếm tới hai phần ba diện tích toàn tỉnh. Tuy gặp một số khó khăn trong việc đi lại, giao lưu song vùng này có nhiều tiềm năng phát triển lâm nghiệp, khai thác khoáng
sản và phát triển kinh tế trang trại. Tiểu vùng gò, đồi thấp (miền tả ngạn sông Hồng) bị chia cắt nhiều, có nhiều đồi gò nối tiếp nhau san sát như bát úp, xen kẽ là đồng ruộng và dải đồng bằng ven các triền sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Vùng này có tiềm năng phát triển sản xuất cây lương thực, cây ăn quả, rau củ, các loại cây công nghiệp như chè, cây nguyên liệu giấy.
Về khí hậu, sông ngòi, Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa,
có một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C, số giờ nắng trung bình năm từ 1.300 đến 1.550 giờ, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.600mm đến 1.800mm. Độ ẩm trung bình trong năm tương đối lớn, khoảng 85 - 87%. Nhìn chung, khí hậu của Phú Thọ thuận lợi cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi đa dạng.
Phú Thọ nằm ở trung lưu của hệ thống sông Hồng, tiếp nhận nguồn nước của 3 sông lớn: sông Lô, sông Thao, sông Đà ngoài ra còn có các sông nhỏ, ngòi lớn như: sông Bứa, ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me chảy ra sông Thao: sông Chảy chảy ra sông Lô, ngòi Lạt chảy ra sông Đà. Với hệ thống sông lớn nhỏ như trên là nguồn cung cấp nước dồi dào cho sản xuất và đời sống đặc biệt là rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.
Điều kiện tự nhiên của Phú Thọ tuy không thuận lợi cho việc phát triển nền nông nghiệp với những vùng sản xuất quy mô lớn, nhưng lại tạo ra thế mạnh để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với những sản phẩm độc đáo do sự kết hợp giữa nhiều kiểu địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa, có khả năng cho hiệu quả kinh tế cao. Phát triển trồng rừng ở vùng núi, phát triển kinh tế trang trại, cây công nghiệp, cây ăn quả đặc sản ở vùng đồi, cây lương thực, rau quả ở vùng đồng bằng ven sông. Đó là một nền nông nghiệp đa dạng, hướng ra thị trường và bảo vệ môi trường.