II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
b) Lực lương của cách mạng giải phóng dân tộc
Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, trừ bọn tay sai bán nước, tất cả mọi giai tầng ở Việt Nam đều có khả năng tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh phân tích: “... dân tộc cách mạng thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”2.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Người khẳng định lực lượng cách mạng là bao gồm cả dân tộc.
Trong phạm vi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà đối tượng cần đánh đổ trước hết là bọn đế quốc và đại địa chủ phong kiến tay sai, Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị làm nô lệ trong một mặt trận dân tộc thống nhất nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Sách lược vắn tắt chỉ rõ “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt,.. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, chí ít là làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến) thì cần phải đánh đổ”3.
Trong lực lượng toàn dân tộc, Người luôn nhắc nhở không được quên cốt lõi của nó là công - nông. Phải nhớ: “Công nông là gốc cách mệnh, học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức, song không cực khổ bằng công nông, ba hạng ấy chỉ là bầu bạn của cách mệnh, của công nông thôi”4, và phải thực hiện theo đúng nguyên tắc: “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thoả hiệp”5.