Hồ Dầu Tiếng trước hết tự nó mang trên mình sứ mệnh là một công trình thuỷ lợi trọng yếu, điều hoà lượng nước tưới cho vùng đất nông nghiệp rộng lớn ở hạ lưu lòng hồ. Các hoạt đồng khác diễn tra xung quanh hồ và trên mặt hồ đều ít nhiều có tác động đến chức năng chính của hồ. Vì vậy tất cả các hoạt động diễn tra cần phải được kiểm soát chặt chẽ cả về quy mô cũng như tính chất nhằm bảo đảm chất lượng và khối lượng nước đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy một số vấn đề cần lưu tâm như sau:
-Thảm thực vật vùng đầu nguồn của hồ thuộc huyện Tân Châu là một thảm thực vật rừng phòng hộ bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Thảm thực vật này góp phần bảo vệ và cung cấp nguồn nước cho hồ. Các suối trên lưu vực hồ khá nhiều đổ một lượng nước khá lớn vào hồ. Để đảm bảo hồ chứa đủ nước thì phải bảo vệ hệ thống thảm thực vật thuộc khu vực này. Bên cạnh đó khu dân cư thuộc các địa phương như Đồng Kèn, Tà Dơ, Đồng Rùm đang ngày càng phát triển vô hình đã tạo áp lực lớn lên vùng hồ. Cư dân sinh sống chủ yếu là trồng hoa màu mà nổi bật nhất là khoai mì. Do vậy diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho đất nông nghiệp. Chất thải sinh hoạt, mất diện tích rừng là những áp lực rất lớn lên vùng hồ. Để hạn chế sự mất dần diện tích đất rừng thì quy mô sản xuất nông nghiệp ở vùng này cần phải được hạn chế và thay vào đó là các loại hình dịch vụ. Một khu du lịch sinh thái quy mô lớn ra đời sẽ giải quyết được vấn đề này. Bên cạnh đó thông qua các hoạt động du lịch sinh thái sẽ giáo dục cho cộng đồng địa phương biết cách quản lý các loại chất thải sinh hoạt và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giải toả áp lực lên vùng hồ.
-Trên mặt hồ hiện nay vẫn có một số các thuyền đánh cá nhỏ lẻ cùng một số ít các bè cá nuôi tồn tại. Tuy không gây ra những tác động quá lớn lên môi trường nước trong hồ nhưng có tác dụng như mô hình thúc đẩy làng cá bè hình thành. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước hồ. Xoá bỏ các bè cá là giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước hồ, là việc làm cần thiết nhưng lại gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư địa phương sinh sống bằng nghề cá. Biện pháp giải quyết là có thể chuyển cư dân lên đất liền và tạo điều kiện cho họ có đất đai canh tác hoặc hướng họ vào làm dịch vụ du lịch. Một bộ phận khác của cư dân trên mặt hồ có tiến hành trồng khoai mì trên vùng đất bán ngập, việc này cũng đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho cuộc sống từ trước đến nay. Khoai mì là loại cây ít sử dụng thuốc trừ sâu nhưng lại có nhu cầu về phân đạm cao, do đó có nhiều khả năng gây phú dưỡng hoá nguồn nước. Vì vậy cũng cần xem xét để tìm giải pháp giải quyết cho vấn đề này. Tuy vậy, việc lưu giữ một vài bè cá và một ít diện tích trồng trọt lại là một phần quan trọng trong trong các loại hình du lịch tham quan nghề cá, góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch sinh thái của hồ. Mặt khác cư dân thuộc các đảo Nhím và các cù lao đang sinh sống có thể chuyển sang làm dịch vụ du lịch nhưng thuộc sự quản lý của một hệ thống chung. Họ có thể sẽ tham gia vào các đội bảo vệ môi trường, quản lý chất thải sinh hoạt phát sinh từ du lịch hoặc các hoạt động phục vụ nhu cầu của khách du lịch như hướng dẫn tham quan, các loại hình vui chơi trên mặt nước. Nguồn lực tại chỗ là một thuận lợi lớn cho việc định hình và phát triển các khu du lịch mà không phí tổn hạ tầng cơ sở cho những người tham gia làm du lịch.
-Xung quanh hồ Dầu Tiếng hiện tại đã có đường giao thông. Tuy nhiên nhìn chung các cung đường này chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới vì phần lớn đã xuống cấp, một số đoạn nằm ngay dưới chân đê bao. Trong hoạt động du lịch nói chung thì tầm mắt của du khách là một yếu tố quan trọng. Do vậy một hệ thống đường bao quanh hồ và nằm trên mặt đê là một yêu tố cần thiết để hấp dẫn du khách. Đoạn hồ chạy trên mặt đê bao của hồ sẽ tạo ra cảnh quan du lịch và sẽ được thu hồi chi phí đầu tư bằng
vé tham quan của du khách là điều tương đối khả thi và cần phải có định hướng để thực hiện. Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) cũng đã và đang tiếp tục thực hiện cung đường giao thông bao quanh hồ. Họ đã sẵn sàng đầu tư một nguồn kinh phí lớn để mua tầm mắt cho du khách, và đó là điều cần suy nghĩ trong chiến lược phát triển du lịch tại hồ Dầu Tiếng.
-Hồ Dầu Tiếng có khu rừng tự nhiên ở phía Bắc thuộc Bà Chiêm – Huyện Tân Châu và các khu rừng trồng thuộc Đồng Rùm, Đồng Kèn, Tà Dơ và khu căn cứ cách mạng Đồng Rùm. Nếu được quan tâm tôn tạo đúng mức thì những khu vực này có thể sẽ trở thành địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn. Các loại hình tham quan rừng, dã ngoại, cắm trại ngoài trời, các khu nghỉ dưỡng dọc theo bờ hồ là một quần thể du lịch lý tưởng không quá khó để thực hiện. Khu rừng Keo lá Tràm trên đảo Nhím đang diễn ra một diễn thế vô cùng lý thú về mặt khoa học. Dưới tán Keo trồng là các loài cây ưa sáng thuộc rừng tự nhiên cổ xưa đang dần hồi phục, là nơi dành cho học sinh, sinh viên các ngành lâm nghiệp tham quan nghiên cứu.
-Diện tích mặt nước của hồ Dầu Tiếng rộng lớn, thích hợp cho các loại hình tham quan, chèo thuyền, canô dù, thả diều, trượt nước có canô kéo,…tạo ra sự đa dạng các loại hình du lịch mà đa số các khách du lịch đều ưa thích.
-Tiềm năng phát triển du lịch để kích cầu sự phát triển của kinh tế - xã hội của hồ Dầu Tiếng là rất lớn. Tuy nhiên, với vị trí là hồ đầu nguồn, có ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực hạ lưu khi có sự cố, nên việc bảo đảm an ninh – quốc phòng trong hoạt động du lịch tại khu vực hồ Dầu Tiếng cần phải hết sức quan tâm, phải có sự phối hợp bảo vệ từ các cơ quan an ninh, quốc phòng cũng như cơ quan quản lý các hoạt động du lịch.
-Trong bối cảnh hầu hết các khu du lịch trong cả nước đã quá quen thuộc với phần lớn du khách trong và ngoài nước. Một khu du lịch hoàn toàn mới mẽ với quy mô lớn bao trùm cả hai huyện Dương Minh Châu và Tân Châu của tỉnh Tây Ninh, với cảnh quan rừng, hồ chứa nước và đa dạng về các loại hình du lịch trên bờ hồ, trên các đảo, trên mặt nước thì khả năng thu hút du khách là rất lớn. Do vậy, với chiến lược thích hợp về nguồn đầu tư và thu hút nhiều tầng lớp đầu tư sẽ mở ra tương lai cho cả một vùng rộng lớn quanh
hồ Dầu Tiếng, nhưng vẫn đảm bảo sự bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và chức năng chính của hồ chứa.
Trên cơ sở hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, xác định các vấn đề cần giải quyết như: Phải tìm được mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn, có tính đặc trưng cao nhằm thu hút khách du lịch; Cần có biện pháp quản lý và tăng cường thu hút đầu tư vào trong khu vực dự án; Cần có biện pháp hợp lý để bảo vệ môi trường, cảnh quan trong quá trình triển khai và vận hành dự án.
4.2.2. Quy hoạch hoạt động du lịch núi Bà Đen
Theo thống kê của Ban QLDA khu du lịch núi Bà Đen, hàng năm có khoảng 1,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm (leo núi, vãng cảnh chùa). Thời điểm đông khách nhất là giai đoạn từ Tết Âm lịch đến Rằm tháng Giêng, bởi đó là thời điểm du khách thập phương đổ về đây để vừa du xuân, vừa xin lộc.
Nhằm tạo thêm sức hút của khu du lịch đối với du khách, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã quyết định đầu tư để trang bị tại đây một hệ thống cáp treo (dài 1,2 km; cao trung bình 225 m) và hệ thống máng trượt, đồng thời xây dựng 3 khu triển lãm - bảo tàng giới thiệu nhiều hiện vật, hình ảnh của Quân và dân Tây Ninh trong các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm trước đây. Du khách đi cáp treo, ngoài cảm giác bay bổng còn được dịp ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch với những thác nước óng ánh, các hang động kỳ bí, rừng cây hoang dã và nhiều cảnh quan sinh động khác.
Núi Bà Đen với lượng du khách ghé thăm đông đảo và ổn định hàng năm như vậy, có thể xem là một thuận lợi lớn trong việc thu hút khách du lịch trong các dịp lễ tết cho khu du lịch hồ Dầu Tiếng khi đi vào hoạt động. Du khách thập phương đến chùa du xuân, cầu lộc,… sẽ khó bỏ qua cơ hội được chiêm ngưỡng một cảnh quan du lịch sinh thái mới mẻ, sinh động và hấp dẫn như hồ Dầu Tiếng.
Cần tập trung khai thác thị trường khách du lịch tâm linh, lễ hội; mở rộng thị trường khách du lịch thể thao, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút thị trường khách quốc tế đến từ
Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác đi đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế của Tây Ninh; đẩy mạnh thu hút khách từ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, tập trung vào các phân khúc thị trường du lịch thể thao như đua xe, leo núi, nhảy dù lượn..., vui chơi giải trí, khám phá và tìm hiểu văn hóa dân tộc.
Huy động có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Núi Bà Đen, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; trong đó, ưu tiên thu hút các nguồn lực đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch; phần vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu.
4.2.3. Khai thác thế mạnh ẩm thực du lịch
Về phương diện ẩm thực thì từ các loại lương thực, thực phẩm đến cách chế biến sử dụng của người dân Tây Ninh không khác gì nhiều so với người Việt ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương đều có một số nét một số nét đặc trưng về lịch sử ăn uống, trong đó vừa bao hàm những yếu tố kế thừa nền văn hoá truyền thống lâu đời của tổ tiên, vừa mang sắc thái đặc thù của sản phẩm địa phương do điều kiện thiên nhiên và điều kiện sống tạo nên, vừa do sự giao thoa văn hoá giữa các nền văn hoá khác nhau.
Hiện nay, Tây Ninh có một số món ăn khá đặc sắc mà ở các nơi khác không có, được khá nhiều người biết đến. Đây có thể xem là một yếu tố có thể khai thác phục vụ du lịch, nhằm tăng thêm sự hấp dẫn của các chuyến đi, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu bản sắc Tây Ninh với bạn bè khắp nơi khi họ đến đây như Bánh tráng trảng Bàng, Bánh canh Trảng Bàng; Mắm chua
Món ăn chay: Một trong những yếu tố ẩm thực khá đặc sắc của tỉnh Tây Ninh là thức ăn chay. Cư dân Tây Ninh với đa số là người theo đạo Phật và đạo Cao Đài nên số lượng người ăn chay vì thế khá đông. Vào những ngày ăn chay, ở khu vực xung quanh Tòa Thánh Cao Đài hầu như chỉ bán toàn thức ăn
chay. Có rất nhiều gia đình ở Tây Ninh rất nổi tiếng với nghề nấu món chay được duy trì qua nhiều thế hệ.
Cũng như nhiều địa phương khác ở vùng Nam Bộ, món ăn chay ở Tây Ninh vẫn chủ yếu được chế biến từ các nguyên liệu như rau củ quả, tàu hủ, tàu hủ ky; nhưng về hình thức và cách thể hiện không khác nhiều so với các món ăn mặn như: Vịt tiềm, Heo quay, Chuột xào, Cá chiên. Ngoài ra, còn nhiều món chay khác cũng rất đặc sắc và hấp dẫn như: các loại gỏi; các loại chả; nem, bì,…Bánh kẹo cũng hết sức phong phú như: Bánh ú lá tre; Kẹo đậu phộng; Kẹo hạt điều; Ốc núi Tây Ninh; Mãng cầu Bà Đen.
Tóm lại, việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch với những nội dung
như đã phân tích ở trên, sẽ có thể đạt được các mục tiêu chính là:
i) Mở rộng quy mô, tăng doanh thu cho ngành du lịch của Tỉnh, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách địa phương.
ii)Khai thác tối đa tiềm năng du lịch sẵn có của Tỉnh như hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, ẩm thực mang dấu ấn Đặc sản Tây Ninh…
iii) Đa dạng hóa các loại hình du lịch và phát triển du lịch của Tỉnh theo hướng bền vững.
4.2.4. Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch Tây Ninh
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết vùng cho phép khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, nguồn lực con người… tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, có sức hút. Việc hợp tác, liên kết sẽ góp phần giải quyết thực trạng phát triển nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp, cũng như bổ sung, hỗ trợ các nguồn lực để phát triển du lịch ở các địa phương. Bởi vậy, có thể khẳng định, liên kết là một tất yếu trong du lịch. Vấn đề đặt ra là liên kết như thế nào để mang lại lợi ích lớn nhất.
Trước hết, cần có sự "bắt tay" giữa địa phương với nhau. Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù của mỗi địa phương, các Tây Ninh cần có sự liên kết với Long An, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp xây dựng các chương trình
du lịch chung của toàn vùng. Đồng thời, liên kết đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng cần được xây dựng trong chiến lược phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại một thực tế là việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch ở hầu hết các địa phương ở Tây Ninh còn dàn trải, thiếu tập trung để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Thiếu sự hợp tác giữa các địa phương nên dẫn đến sự trùng lặp về sản phẩm. Kết quả là gây lãng phí trong đầu tư và làm suy giảm sức hấp dẫn du lịch chung của toàn vùng cũng như làm gia tăng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Chính vì vậy, việc hợp tác trong nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, tránh sự trùng lặp về sản phẩm là hết sức cần thiết. Ngoài ra có thể tạo liên kết quốc tế. Ngoài các chương trình liên kết hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, cũng cần chú trọng phát triển liên kết hợp tác với các nước ASEAN…
Trong các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch ở hầu hết các vùng, các địa phương hiện nay, chủ yếu mới dừng lại ở mức hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, vai trò của doanh nghiệp du lịch chưa thực sự được đề cao, chưa có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong việc