Đường cong tăng trưởng của quần thể

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHÁI NIỆM CẤP ĐỘ TỔ CHỨC SỐNG QUẦN THỂ TRONG DẠY HỌC SINH HỌC 12 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 42 - 44)

+ Tăng trưởng theo tiềm năng sinh học: trong điều kiện môi trường hoàn toàn thuận lợi như: nguồn sống của môi trường rất dồi dào và hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của các cá thể, không gian cư trú của các cá thể không giới hạn, mọi điều kiện ngoại cảnh và khả năng sinh học của các cá thể đều thuận lợi cho sự sinh sản của quần thể thì quần thể tăng trưởng theo tiềm năng sinh học (đường cong tăng trưởng theo hình chữ J).

+ Tăng trưởng thực tế: tăng trưởng của quần thể trong thực tế thường bị giới hạn bởi nhiều nguyên nhân như: điều kiện sống không hoàn toàn thuận lợi, hạn chế về khả năng sinh sản của loài, sự biến động số lượng cá thể do xuất cư theo mùa,... thì quần thể tăng trưởng theo hình chữ S [8, tr168], [9].

Trong tự nhiên, điều kiện môi trường sống luôn thay đổi dẫn tới số lượng cá thể của quần thể sinh vật luôn thay đổi. Do đó, nhiều quần thể sinh vật không tăng trưởng theo tiềm năng sinh học.

Quần thể người là một dạng quần thể sinh vật đặc biệt, có ảnh hưởng lớn tới môi trường sống và các quần thể sinh vật khác. Quần thể người cũng có các đặc điểm SH giống với các quần thể sinh vật khác. Tuy nhiên, do loài người là một loài sinh vật tiến hóa nhất, có lao động, có tư duy nên quần thể người còn có các đặc

trưng kinh tế- xã hội mà các quần thể sinh vật khác không có được. Từ đó, con người có khả năng tự điều chỉnh các đặc điểm sinh thái trong quần thể, đồng thời cải tạo thiên nhiên.

2.2.2.6. Sự phân bố cá thể

Sự phân bố cá thể trong không gian sống của quần thể dựa vào sự phân bố nguồn sống của môi trường và mật độ các cá thể trong quần thể, từ đó có các kiểu phân bố chính: phân bố theo nhóm, phân bố đồng đều và phân bố ngẫu nhiên. Sự phân bố các cá thể hợp lí giúp quần thể tận dụng tối đa nguồn sống và không gian sống của quần thể.

2.2.2.7. Khả năng thích ứng của quần thể

Là khả năng thích nghi của các cá thể trong quần thể với môi trường sống. Yếu tố này chính là điều kiện đủ để phân biệt giữa quần thể sinh vật và tập hợp ngẫu nhiên các cá thể. Quần thể sinh vật có được khả năng thích ứng là nhờ các mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố cấu trúc của nó, giúp cho CĐTCS quần thể như là một hệ mở toàn vẹn tương tác với môi trường. Khả năng thích ứng của quần thể là tính linh hoạt hay mềm dẻo về kiểu hình của vốn gen của quần thể, dựa trên sự thích ứng của từng cá thể đối với điều kiện môi trường. Khả năng thích ứng của quần thể phụ thuộc vào loại tác nhân và tính linh hoạt về mặt di truyền của quần thể.

Phản ứng của quần thể trước những tác động từ môi trường bên ngoài (thức ăn, địch hại, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, các sinh vật khác trong quần xã ...) hoặc từ môi trường bên trong (mật độ, tỉ lệ đực cái, ...) đều gây ra những biến đổi trong quần thể.

Như vậy, quá trình tương tác giữa các yếu tố cấu trúc của quần thể và giữa quần thể với môi trường bên ngoài giúp tạo nên quần thể thích nghi hơn hoặc cũng có thể làm cho quần thể bị tiêu diệt. Biết được khả năng thích ứng của quần thể cho phép chúng ta dự đoán xu hướng vận động của quần thể và có biện pháp tác động hợp lí giúp quần thể phát triển tốt hơn.

Một phần của tài liệu HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KHÁI NIỆM CẤP ĐỘ TỔ CHỨC SỐNG QUẦN THỂ TRONG DẠY HỌC SINH HỌC 12 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(143 trang)
w