Trong quan hệ đất đai nói chung và quan hệ pháp luật thuê đất nói riêng, Nhà nước tham gia với tư cách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất để thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, đồng thời cũng là bên cho thuê trong quan hệ thuê tài sản.
Với cả hai tư cách như vậy, Nhà nước có quyền quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có quyền ban hành các quy định về quản lý và sử dụng đất, quyền chuyển giao đất cho các chủ
thể khác cũng như thu hồi lại, quyết định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất là việc Nhà nước sắp xếp, phân bổ lại các diện tích đất theo những mục đích sử dụng nhất định nhằm bảo đảm cho việc khai thác sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất. Trên cơ sở mục đích sử dụng đất đã được Nhà nước tính toán và xác định, người sử dụng phải sử dụng đất đúng mục đích đó.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có nghĩa vụ bảo đảm cho người sử dụng đất trong quan hệ pháp luật thuê đất. Những bảo đảm này được quy định tại Điều 10 Luật đất đai 2003. Bảo đảm đầu tiên là Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người thuê đất. Đây là quyền quan trọng nhất của họ và cũng là nghĩa vụ trước nhất mà Nhà nước phải thực hiện khi họ nhận bàn giao đất trên thực địa. Chỉ khi Nhà nước thực hiện nghĩa vụ này thì các quyền phái sinh từ quyền sử dụng đất của họ mới được xác lập, cụ thể khi đó họ mới được phép thực hiện các giao dịch như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất...Bảo đảm thứ hai của Nhà nước đối với người thuê đất là có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối có đất để sản xuất; đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bảo đảm thứ ba là Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm này của Nhà nước được thể hiện bằng các quy định công nhận quyền sử dụng đất ổn định của các chủ thể trong luật đất đai, tạo sự yên tâm và ổn định trong
tâm lý của người sử dụng đất. Do Việt Nam đã từng trải qua những biến động chính trị, có những khác biệt trong chính sách đất đai của Nhà nước cũ và Nhà nước mới. Bên cạnh đó, bản thân Nhà nước của Chính phủ cách mạng thì ở mỗi thời kỳ, tương ứng với những sứ mạng lịch sử khác nhau, Nhà nước có những chính sách đất đai khác nhau. Nếu Nhà nước thừa nhận việc đòi lại đất cũ thì quyền sử dụng đất hiện tại của người thuê đất không được bảo đảm. Do vậy, với tư cách là bên cho thuê trong quan hệ pháp luật thuê đất, Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng đất ổn định của người thuê đất.