Công cụ quản lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đấu thầu mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bộ công an (Trang 30 - 33)

1.2. Mục tiêu và nội dung, phương pháp và công cụ quản lý nhà nước đối vớ

1.2.4. Công cụ quản lý

Công cụ quản lý nói chung là tất cả mọi phương tiện mà chủ thể quản lý sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu quản lý đề ra. Vai trò của công cụ quản lý thể hiện ở chỗ là nếu mục tiêu đề ra có chính xác và khả thi đến đâu đi nữa, nhưng nếu không có công cụ quản lý tương ứng thì cũng không thể thực hiện được.

Từ khái niệm chung nhất về công cụ quản lý, có thể có định nghĩa về công cụ quản lý Nhà nước về đấu thầu là tổng thể những phương tiện hữu hình và vô hình mà Nhà nước sử dụng để tác động lên mọi chủ thể trong hoạt động đấu thầu nhằm thực hiện mục tiêu quản lý.

Các công cụ quản lý nhà nước về đấu thầu:

Pháp luật

Pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung (quy phạm pháp luật) thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và cộng đồng xã hội, do Nhà nước đặt ra, thực thi và bảo vệ, nhằm mục tiêu bảo toàn và phát triển xã hội theo các đặc trưng đã định.

Chức năng chủ yếu của pháp luật là điều chỉnh, bảo vệ và giáo dục để đảm bảo các hoạt động diễn ra theo mục tiêu và phương hướng nhất định.

Hình thức biểu hiện của công cụ pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng quy phạm pháp luật.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu bao gồm:

- Luật Đấu thầu năm 2005;

- Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội và hướng dẫn thi hành việc lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội;

- Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014);

- Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;

- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (có hiệu lực từ ngày 15/8/2014);

- Thông tư số 21/2010/TT-BKH ngày 28/10/2010 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập Báo cáo thẩm định HSMT, HSYC;

- Thông tư số 08/2010/TT-BKH ngày 21/4/2010 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập Báo cáo Thẩm định kết quả đấu thầu.

- Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT ngày 04/01/2011 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết kiểm tra về công tác đấu thầu.

- Thông tư số 10/2010/TT-BKH ngày 13/5/2010 Bộ KH&ĐT quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo đấu thầu.

- Thông tư số 17/2010/TT-BKH ngày 22/7/2010 của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng.

- Thông tư liên tịch số 20/2010/TTLT-BKH-BTC ngày 21/9/2010 của liên Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính quy định chi tiết việc cung cấp thông tin về đấu thầu để đăng tải trên Báo Đấu thầu.

- Một số văn bản khác có liên quan về việc hướng dẫn đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và Báo Đấu thầu;

Kế hoạch

Kế hoạch theo nghĩa hẹp là phương án hành động trong tương lai. Theo nghĩa rộng, kế hoạch là quá trình xây dựng, chấp hành, giám sát và kiểm tra việc thực hiện phương án hành động trong tương lai.

Kế hoạch trung hạn (kế hoạch 3 năm, kế hoạch 5 năm): là phương tiện chủ yếu để cụ thể hóa các mục tiêu và các giải pháp đã được lựa chọn trong chiến lược. Kế hoạch trung hạn, trong đó có phân bổ chỉ tiêu cho từng năm, là hình thái chủ yếu của kế hoạch và là định hướng chung cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch hàng năm: là sự cụ thể hóa của Kế hoạch trung hạn nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch trung hạn. Kế hoạch hàng năm được xây dựng căn cứ vào mục tiêu và định hướng, vào phương pháp, nhiệm vụ của Kế hoạch trung hạn và vào kết quả phân tích tình huống.

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước. Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm:

- Tên gói thầu; - Giá gói thầu; - Nguồn vốn;

- Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; - Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu; - Loại hợp đồng;

- Thời gian thực hiện hợp đồng.

Với mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, Báo Đấu thầu là công cụ đặc biệt giúp quản lý Nhà nước về đấu thầu, đồng thời là cơ hội cho các nhà thầu trong và ngoài nước tiếp cận các thông tin đấu thầu đầy đủ và chân thực. Theo Luật Đấu thầu hiện hành, những nội dung liên quan đến việc chi tiêu và đầu tư phát triển từ nguồn vốn Nhà nước của Trung ương, địa phương, Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp đều phải công khai trên Tờ báo đấu thầu, từ thông báo mời thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu… đến những sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu. Với việc đăng tải các thông tin này, sự ra đời của Báo Đấu thầu đã tiết kiệm cho chủ đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đấu thầu mua sắm phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bộ công an (Trang 30 - 33)