a. Nghiên cứu quản lý lập địa
Việt Nam là một hiện trường nghiên cứu của chương trình nghiên cứu quản lý lập địa và năng suất rừng của CIFOR, và loài cây nghiên cứu là Keo lá tràm trồng tại Bình Phước. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về việc để lại vật liệu hữu cơ sau khai thác (VLHCSK) cho luân kỳ sau, đã có được những số liệu cơ bản về sinh trưởng rừng và diễn biến độ phì đất. Sau 4 năm, Vũ Đình Hưởng và cộng tác viên (2008) kết luận trữ lượng rừng tăng từ 7-10% tỷ lệ
thuận với mức độ để lại VLHCSKT và hàm lượng dinh dưỡng trong đất. Từ những kết quả ban đầu này, Phạm Thế Dũng và cs (2012) đã tiếp tục nghiên cứu cho chu kỳ 3 đối với cây keo lá tràm tại Bình Phước và mở rộng ở chu kỳ 2 cho Keo lai (ở miền Trung) và Bạch đàn Urophylla (ở miền Bắc). Kết quả cho thấy, đối với rừng Keo lá tràm, giữ lại VLHCSKT sau 4 năm làm tăng năng suất gần 3 m3/ha/năm, tăng 11,24 % carbon và 8,3% đạm tổng số, tăng 7% đạm và 3,4% lân dễ tiêu trong đất so với không giữ lại. Đối với rừng Keo lai, sau 3 năm, giữ lại VLHCSKT đã làm tăng 2,53 m3/ha/năm, tăng khoảng 3% carbon và 18,2% đạm tổng số trong đất. Đối với rừng Bạch đàn urophylla, sau 4 năm giữ lại VLHCSKT tăng năng suất khoảng 2,66 m3/ha/năm so với không giữ lại và tăng 6,46 m3/ha/năm so với đốt thực bì, 13,1% carbon tổng số và 14,3 - 15,3 % lân dễ tiêu (Phạm Thế Dũng et al., 2012). Các kết quả triển vọng này là cơ sở để khảo nghiệm ra nhiều vùng sinh thái cho các loài keo và bạch đàn khác trong toàn quốc. Tuy nhiên, hiện trường các thí nghiệm này hầu hết được thực hiện trên đất bằng, trong khi đó diện tích đất lâm nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là đất dốc. Ảnh hưởng của độ dốc đến xói mòn và suy thoái lập địa là rất lớn, đặc biệt với điều kiện khí hậu mưa mùa tập trung ở nước ta. Do đó, nghiên cứu bổ sung về quản lý lập địa trên đất dốc là rất cần thiết.
b. Nghiên cứu về quản lý thực vật cạnh tranh dưới tán rừng
Biện pháp xử lý thực bì trước khi trồng rừng ở Việt Nam thường là phát trắng và đốt. Sau khi trồng, rừng được chăm sóc bằng cách phát dọn thực bì trong 3 năm đầu. Việc sử dụng chất diệt cỏ để khống chế thảm tươi cây bụi cũng mới được áp dụng trong những năm gần đây, tuy nhiên ở một số địa phương việc áp dụng cũng chưa đựơc sự đồng thuận cao bởi lo ngại các vấn đề về môi trường. Phạm Thế Dũng và cộng tác (2005) khi nghiên cứu kỹ thuật thâm canh rừng keo lai tại Bình Phước cho thấy, dùng thuốc diệt cỏ phối hợp với cày lấp cỏ cho gia tăng 9,7 % trữ lượng so với không phun thuốc không cày đất. Cũng theo tác giả, nếu chăm sóc 3 lần/năm trong 2 năm đầu sẽ tăng 3,5% trữ lượng so với chỉ chăm sóc 2 lần/năm. Tuy nhiên, cày chăm sóc ảnh hưởng nhiều đến một số tích chất hóa lý của đất và sự phát triển hệ rẽ của cây trồng, cần phải hạn chế
(Nambiar and Harwood, 2014). Cũng nghiên cứu về vấn đề này, Vũ Đình Hưởng và cs (2006) cho rằng sử dụng thuốc diệt cỏ để kiểm soát cỏ dại có ảnh hưởng rõ rệt tới sinh trưởng của keo lá tràm tại Bình Phước. Tuy nhiên, không có sự khác biệt rõ rệt giữa phun thuốc theo băng và phun toàn diện, do đó, phun thuốc diệt cỏ theo băng sẽ giảm chi phí hơn. Nghiên cứu của Phạm Thế Dũng và cs (2012) cho thấy, đối với Keo lai, sau 3 năm, phun thuốc toàn diện 2 lần /năm cho năng suất vượt 4,7 m3/ha/năm so đối chứng và 2,0 m3/ha/năm so với phun theo băng. Về độ phì đất, đạm tổng số, lân dễ tiêu và chất hữu cơ có tăng nhẹ tầng 0-10 cm. Đối với Bạch đàn, sau 3 năm, phun thuốc toàn diện 2 lần/năm năng suất rừng vượt đối chứng 3,2 m3/ha/năm; hay phun 1 lần /năm cũng vượt đối chứng 1,6 m3/ha/năm. Về độ phì đất, chất hữu cơ, đạm tổng số và lân dễ tiêu đất đều tăng ở tầng 0 - 10 cm. Đối với cây keo lá tràm, các biện pháp phun thuốc diệt cỏ chưa có ảnh hưởng rõ rệt. Các kết quả này là cơ sở để mở rộng cho các vùng sinh thái khác và các loài keo và bạch đàn khác.
c. Nghiên cứu bón phân
Đất rừng nhiệt đới nghèo dinh dưỡng nên việc bón phân cho rừng là cần thiết. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy bón phân không làm tăng năng suất của rừng cho toàn chu kỳ, mà chỉ ở giai đoạn đầu. Ví dụ, Phạm Thế Dũng và cs. (2005) thí nghiệm bón thúc cho các dòng keo lai TB05 và TB12 cho thấy không gây ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng cây. Nguyễn Huy Sơn và Hoàng Minh Tâm (2012) nghiên cứu ở Quảng Trị cho thấy bón lót và bón thúc NPK phối hợp với phân vi sinh sông Gianh ở các liều lượng khác nhau chưa thấy sự ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng 9,5 tuổi, ngoại trừ năm thứ hai có sự sai khác về đường kính. Điều này có liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng của cây và thời điểm bón phân. Các loài cây keo và bạch đàn có thể chịu được đất nghèo xấu do đó đối với đất tương đối tốt, hàm lượng dinh dưỡng có sẵn trong đất đã có thể đáp ứng được nhu cầu của cây vì vậy việc bón thêm phân ít phát huy tác dụng. Hơn nữa, sinh trưởng của cây trồng phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là ánh sáng, nước và dinh dưỡng. Do đó, khi rừng còn nhỏ, tính cạnh tranh về nước và ánh sáng chưa cao, vì vậy hàm lượng dinh dưỡng trong đất cao tác động tốt đến sinh
trưởng. Khi rừng khép tán, cạnh tranh về ánh sáng và nước xảy ra, vì vậy bón phân ở thời điểm này không có tác dụng thúc đẩy sinh trưởng do bị hạn chế bởi ánh sáng và nước. Đặng Văn Thuyết (2012) cho thấy bón 150 g NPK + 150 g phân vi sinh /cây cho rừng tỉa thưa chuyển hóa tạo gỗ lớn có năng suất tăng rõ rệt, điều đó là do rừng đã tỉa thưa giảm cạnh tranh ánh sáng và nước.
Yêu cầu loại phân bón của cây trồng cũng khác nhau. Đối với các loài cây cố định đạm như Keo nhu cầu lân cao để các vi khuẩn cộng sinh sử dụng cho quá trình cố định đạm. Nghiên cứu của Phạm Thế Dũng (2012) cho thấy, đối với cây keo lá tràm, bón lân cho năng suất vượt từ 2,3 - 5,1 m3/ha/năm so không bón. Sử dụng công thức bón thấp nhất là 50 Kg P/ha là phù hợp. Về độ phì đất, đạm tổng số (Nts,%), lân dễ tiêu (Pdt, mg/kg) và chất hữu cơ (C,%) có xu hướng tăng theo liều lượng bón lân, nhưng không có sự thay đổi về Lân (Pts,%) và Kali (Kts,%) tổng số. Đối với cây Keo lai, sau 3 năm, bón lân đã làm tăng từ 1 - 3 m3/ha/năm tùy theo nghiệm thức. Về độ phì đất, đạm tổng số và chất hữu cơ tăng nhỏ theo mức bón lân ở tầng 10 - 20 cm. Đối với Bạch đàn, sinh trưởng có quan hệ rõ rệt với phân đạm. Nghiên cứu của Phạm Thế Dũng (2012) cho thấy, sau 3 năm bón đạm làm tăng từ 2 - 8 m3/ha/năm, cao nhất là khi bón 240 kg N + 60 kg P/ha, trữ lượng vượt tới hơn 1,5 lần so đối chứng. Vượt ít nhất cũng đạt 14,2% khi chỉ bón 120 kg N. Hiệu quả bón phân cũng thấy rõ khi bón kết hợp đạm và lân. Về độ phì đất, tăng của cả 5 chỉ tiêu giữa nhóm nghiệm thức có bón phối hợp đạm và lân từ F3 đến F6. Điều này có thể đem lại sinh trưởng tốt hơn cho Bạch đàn nếu được trồng xen với keo do keo là cây cố định đạm.
Phạm Thế Dũng 2012 kết luận về các nghiên cứu bón phân cho rừng trồng ở Việt Nam như sau: Trên thực tế, kỹ thuật bón phân còn có một số tồn tại như việc xác định loại phân bón thường là “cảm tính” mà chưa làm rõ sự thiếu hụt dinh dưỡng trong đất là nguyên tố nào so với nhu cầu của cây qua phân tích hàm lượng dinh dưỡng. Do đó, sử dụng phân thường ít hiệu quả, đôi khi lại có tác dụng ngược. Còn có rất ít các nghiên cứu về cơ sở khoa học để xác định loại phân và liều lượng bón phân cho trồng rừng của hai loài keo và bạch đàn.
d. Nghiên cứu sản xuất và bón chế phẩm vi sinh vật cho rừng trồng
Từ năm 2006 đến năm 2010, Viện Khoa học Lâm ghiệp đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật hỗn hợp dạng viên nén cho bạch đàn và thông trên các lập địa thoái hoá, nghèo chất dinh dưỡng” do PGS. TS. Phạm Quang Thu chủ nhiệm. Đề tài đã tuyển chọn được 10 chủng nấm cộng sinh với thông và bạch đàn, 15 chủng VSV phân giải lân (có khả năng phân giải lân cao so với đối chứng, gấp từ 5,8 đến 11,3 lần), 5 chủng VSV đối kháng nấm gây bệnh cháy lá bạch đàn và 5 chủng VSV đối kháng nấm gây bệnh đốm lá bạch đàn (có đường kính ức chế đối với các loài nấm gây bệnh từ 21 đến 29 mm). Các chủng này có thể tồn tại cùng với nhau và không có hiện tượng thực khuẩn. Hoạt tính sinh học của các chủng VSV sau khi tập hợp chủng vẫn bảo tồn được khả năng phân giải lân khó tan và đối kháng với các loại nấm bệnh nên đã được chế biến ở dạng viên nén tổng hợp để bón cho rừng trồng. Ảnh hưởng của chế phẩm đối với bạch đàn camal và bạch đàn nâu ở vườn ươm sau 4 tháng cho thấy nghiệm thức tốt nhất (bón 7g chế phẩm/cây) cho chiều cao trung bình cao hơn gấp 1,4 lần, tỷ lệ bị bệnh của các công thức bón chế phẩm giảm từ 88 đến 93% và tỷ lệ cộng sinh đạt từ 80,83% đến 93,3% so với đối chứng. Đối với rừng trồng Bạch đàn urophylla PN14 sau 24 tháng tuổi làm tăng sinh trưởng về chiều cao 28,7%, đường kính là 38,2% và giảm tỷ lệ cây bị bệnh là 83,06% % so với đối chứng. Ảnh hưởng đối với dòng bạch đàn U6 tại rừng trồng thí nghiệm sau 20 tháng tuổi làm tăng sinh trưởng về chiều cao 55,2%, đường kính là 38,9%, và giảm tỷ lệ cây bị bệnh là 85,09 % So với đối chứng. Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng cũng đã phân lập được một số chủng có khả năng cố định đạm cao cho các loài keo.
e. Nghiên cứu các biện pháp lâm sinh trong trồng rừng gỗ lớn
Khái niệm gỗ lớn từ rừng trồng keo và bạch đàn ở Việt Nam có thể hiểu là gỗ có thể sử dụng được để xẻ đóng đồ mộc và bao bì, do đó kích thước không yêu cầu quá lớn, thông thường có cỡ đường kính đầu nhỏ >15 cm. Do đó, các
rừng trồng keo và bạch đàn chu kỳ ngắn cũng có thể tạo ra được một lượng gỗ lớn nhất định. Nhiều đề tài trong nước tập trung nghiên cứu làm tăng tỷ lệ này thông qua các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như trồng mật độ thấp và tỉa thưa định kỳ để thúc đầy sinh trưởng đường kính. Nghiên cứu của Đặng Văn Thuyết cho thấy, đối với Keo tai tượng, mật độ trồng 1.100 cho sinh trưởng đường kính nhanh nhất, nhưng tăng trưởng trữ lượng bình quân năm thấp nhất. Tuy nhiên, mật độ ban đầu không nên dưới 1.000 cây/ha để đảm bảo cây lên thẳng và có đoạn thân dưới cành tốt (Beadle, ACIAR project FST/2006/087, 2007). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mật độ 1.111 cây/ha cho sinh trưởng và tỷ lệ sống cao nhất (Nguyễn Huy Sơn và cs., 2005; Phạm Thế Dũng và Phạm Viết Tùng, 2004, Kiều Thanh Tịnh, 2002). Tuy nhiên, sinh trưởng và tỷ lệ sống chưa đủ để đánh giá chất lượng rừng, đặc biệt là rừng sản xuất gỗ lớn yêu cầu đoạn thân dưới cành thẳng, đẹp, ít khuyết tật. Mật độ trồng thưa thường dẫn đến sinh trưởng cành lá nhiều và cành to tạo ra khuyết tật gỗ. Tỉa cành thường được áp dụng để giảm tỷ lệ khuyết tật, nhưng tỉa cành rất dễ gây xâm nhiễm của bệnh, nhất là đối với Keo tai tượng và Keo lai. Do đó, biện pháp kỹ thuật tốt nhất là trồng mật độ khá cao trong những năm đầu tạo cạnh tranh để ép cây sinh trưởng chiều cao và tỉa cành tự nhiên tốt, và tiến hành tỉa thưa khi rừng khép tán.
Các biện pháp tỉa thưa thường được áp dụng đối với rừng sản xuất gỗ lớn. Một số kết qủa như của Đặng Văn Thuyết (2012), nghiên cứu tỉa thưa với Keo lai tại Quảng Trị, cho thấy tỉa thưa rừng ở tuổi 5, sau 4 năm tỉa, trữ lượng rừng ở mật độ giữ lại 1.000 – 1.200 cây/ha cao hơn so với để lại 600 hoặc 800 cây/ha. Tuy nhiên, sản phẩm phù hợp với gỗ nhỏ, theo tác gỉa khuyến cáo, ở tuổi 5 giữ lại mật độ 800 – 1.000 cây/ha là phù hợp, còn ở tuổi 8 - 9 nên giữ lại 500 - 700 cây/ha là phù hợp cho kinh doanh gỗ lớn. Phạm Thế Dũng và cộng sự (2012) nghiên cứu cho tỉa thưa keo lai kết hợp với bón phân tại Bình Phước cho thấy, tỉa thưa để lại 600 cây/ha có tổng tiết diện ngang thân cây lớn gần bằng so đối chứng (không tỉa), nhưng tăng trưởng đường kính cao hơn khoảng 3,5 cm so với đối chứng. Đối với Keo lai tại Tân Phú, Đồng Nai và Tây Sơn, Bình Định tỉa thưa cho sinh trưởng đường kính vượt từ 4,5 % đến 22,55 % và chiều cao vượt
từ 0,6% đến 16,13% so với không tỉa. Nếu tính cả trữ lượng đã tỉa thưa thì tổng trữ lượng các nghiệm thức tỉa thưa đã cao hơn nhiều so không tỉa. Đối với cây Bạch đàn Uro, sau 3 năm tỉa thưa, đường kính tăng ở các nghiệm thức tỉa thưa so đối chứng từ 9,4 - 16,9 % và chiều cao tăng 2,3 - 6,3 %. Cả ba loài cây, tăng trữ lượng rừng sau 3 năm tỉa chưa bù đắp được lượng cây lấy đi khi tỉa, nhưng do sinh trưởng đường kính và chiều cao vượt trội so không tỉa nên trữ lượng rừng sẽ lớn hơn trong thời gian tới và cho chắc chắn có chất lượng gỗ tốt hơn.
f. Thực trạng trồng rừng keo và bạch đàn ở Việt Nam
Đến năm 2013, cả nước có khoảng 1,1 triệu ha rừng Keo và 0,2 triệu ha rừng Bạch đàn (Nambiar và Harwood, 2014). Đối với diện tích rừng Keo, Keo tai tượng chiếm khoảng 50%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một phần ở Bắc và Nam Trung bộ. Keo lai chiếm khoảng 40% chủ yếu ở Bắc và Nam Trung bộ và một phần ở Đông Nam bộ và phía Bắc. Keo lá tràm chủ yếu từ rừng trồng của các dự án 661, trồng hỗn giao với cây bản địa. Bạch đàn chủ yếu là Bạch đàn urophylla được trồng chủ yếu ở phía Bắc và một phần ở Nam Trung bộ. Phần lớn diện tích này đã trải qua một vài chu kỳ khai thác và đã bộc lộ một số hạn chế như bệnh xốp ruột ở Keo lai và Keo tai tượng, đổ gãy do gió bão đối với Keo lai ở miền Trung, suy thoái lập địa rừng trồng bạch đàn dẫn đến năng suất và chất lượng rừng suy giảm. Vì vậy, hầu hết các sản phẩm rừng trồng keo và bạch đàn trong nước chỉ làm nguyên liệu gỗ dăm, và một phần gỗ xẻ và ván lạng. Việt Nam chiếm 38% tỷ lệ xuất khẩu gỗ dăm của thị trường Châu Á và hiện là nước đứng đầu trong khu vực (Hội thảo Quốc tế về Keo tại Huế, 2014). Tuy nhiên, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ xẻ, trong đó có gỗ Keo tai tượng và Bạch đàn, để đóng đồ mộc xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ năm 2013 lên đến 5,5 tỷ đô la. Hội thảo quốc tế IUFRO Quản lý bền vững rừng keo trong tương lai tổ chức Tháng 3 năm 2014 tại Huế có cùng những nhận định như trên và định hướng phát triển bền vừng rừng trồng keo