Đãi ngộ nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Quản trị nhân lực các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 39)

Có thể nói mục đích cuối cùng của người lao động là mưu sinh cho cuộc sống, cụ thể hơn là kiếm tiền, là mong muốn có được cuộc sống ấm no đầy đủ và hơn thế nữa. Do đó, động cơ thúc đẩy làm việc của họ xuất phát từ chính những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Vì vậy, để khuyến khích tạo động lực cho họ làm việc tốt hơn, cũng như để thu hút và giữ chân những nhân tài cho doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp không những phải đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản của họ, mà còn phải có chế độ lương, thưởng, chế độ ưu đãi hấp dẫn đối với nhân viên.

Thực tiễn hiện nay, chế độ chính sách đối với người lao động ở nhiều doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước. Điều này trước hết thể hiện ở mức lương của nhân viên trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước, mức lương cho người lao động chỉ từ 500 đến 800 nghìn đòng/tháng. Ngay cả những lao động đã qua đào tạo, như các sinh viên mới ra trường, mức lương bình quân mà họ nhận được cũng chỉ từ 700 đến 900 nghìn đồng/tháng. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, giá cả của mọi hàng hoá đều ở mức "cắt cổ" thì với mức lương đó làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu đời sống hàng ngày của người lao động. Ngay cả những nhu cầu tối thiểu còn khó, huống chi là những nhu cầu cao sang của cuộc sống hiện đại. Chính điều này mà nhiều doanh nghiệp, mằ đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đã không thu hút cũng như không giữ chân được các nhân viên giỏi, những người thực sự cần thiết cho doanh nghiệp. Điều đó làm cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã yếu kém lại càng yếu kém hơn.

Trong khi đó, các công ty liên doanh, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, do nắm bắt được đặc điểm này, nên đã không ngừng đưa ra những mức lương hấp dẫn, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp Nhà nước. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng, hầu hết những người giỏi, có trình độ cao đều sẵn sàng dời bỏ doanh nghiệp Nhà nước để chuyển sang doanh

nghiệp liên doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để làm việc. Do đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn đã phát triển lại càng phát triển hơn, và từ đó lợi nhuận chuyển ra nước ngoài cũng nhiều hơn. Rút cục, thiệt hại lại do chính nền kinh tế đất nước phải gánh chịu.

Như vậy, chế độ chính sách đối với người lao động là rất quan trọng, không chỉ đối với người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Quản trị nhân lực các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 39)