Tình hình nghiên cứu vật liệu và pin mặt trời perovskite tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Nghiên cứu chế tạo và khảo sát đặc trưng của vật liệu Perovskite vô cơ – hữu cơ ứng dụng cho linh kiện pin mặt trời lai (Trang 57 - 59)

Vấn đề nghiên cứu và ứng dụng vật liệu Perovskite vô cơ – hữu cơ hiện còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Gần đây, đã có một số nhóm thực hiện các nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, trong đó, phải kể đến nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã báo cáo một số kết quả tổng hợp vật liệu Perovskite vô cơ – hữu cơ như CH3NH3PbI3-xBrx [106] hoặc CH3NH3SnBrxCl3-x [107]. Nhóm tác giả cũng đã bước đầu chế tạo được linh kiện pin mặt trời perovskite vô cơ - hữu cơ với cấu trúc Al/TTO/NTO/CH3NH3PbI3/CuSCN/Ag, đạt hiệu suất PCE là 0.007% [108]. Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Cường, Khoa vật lý kỹ thuật và công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với nhóm GS. Soonil Lee, Trường Đại học Ajou, Hàn Quốc đã nghiên cứu mô phỏng pin mặt trời perovskite CH3NH3PbI3 phẳng [109] [110]. Nhóm của TS. Dương Thanh Tùng, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu chế tạo màng mỏng perovskite CH3NH3PbI3 cho pin mặt trời perovskite bằng phương pháp phun phủ [111]. Nhìn chung, các công trình chủ yếu báo cáo về các nghiên cứu tổng hợp vật liệu perovskite CH3NH3PbI3 và bước đầu ứng dụng trong pin mặt trời perovskite. Số lượng các công trình nghiên cứu trong nước nhằm ứng dụng vật liệu Perovskite vô cơ – hữu cơ vốn rất đa dạng, phong phú cho pin mặt trời thế hệ mới vẫn còn tương đối ít ỏi trong khi khá nhiều vấn đề liên quan đến vật liệu perovskite ứng dụng trong pin mặt trời cần nghiên cứu cấp thiết. Đề tài luận án tập trung nghiên cứu chế tạo và khảo sát các đặc trưng tính chất của các vật liệu perovskite vô cơ – hữu cơ nhằm ứng dụng làm lớp thu năng lượng quang và các vật liệu thích hợp làm điện cực cho linh kiện pin mặt trời perovskite là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao.

Kết luận chương 1

1. Các thế hệ pin mặt trời đã được phát triển như là một trong những nguồn cung cấp năng lượng điện tái tạo cấp thiết nhất. Nó có nhiều ưu điểm so với các dạng năng lượng khác như nhiên liệu hóa thạch và dầu mỏ. Đây là một giải pháp thay thế hứa hẹn và phù hợp để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao của thế giới. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vật liệu Perovskite hữu cơ – vô cơ halogen bộc lộ nhiều đặc tính lý tưởng để làm vật liệu hấp thụ quang cho pin mặt trời như khả năng hấp thụ cực tốt năng lượng ánh sáng mặt trời, độ rộng vùng cấm có thể điều chỉnh phụ thuộc vào thành phần, độ linh động của cả điện tử (electron) và lỗ trống (hole) cao, thời gian sống của hạt tải cao, độ dài khuyếch tán hạt tải lớn, nguyên liệu giá thành rẻ, kỹ thuật chế tạo đơn giản bằng phương pháp phủ đi từ dung dịch ở nhiệt độ thấp; thậm chí là tại nhiệt độ phòng.

2. Các dạng cấu tạo pin mặt trời perovskite và phân loại các vật liệu được dùng trong pin mặt trời perovskite đã được cập nhật. Nguyên lý hoạt động trong pin mặt trời perovskite và các yếu tố ảnh hưởng như khuyết tật, sự tái hợp tại bề mặt tiếp xúc, độ bền cũng đã được tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục. Việc hiểu rõ vai trò và ảnh hưởng của các lớp vật liệu này sẽ quyết định đến việc chọn lựa được vật liệu có tính chất phù hợp để chế tạo pin mặt trời perovskite có hiệu suất cao hơn.

3. Việc nghiên cứu sâu hơn cách chế tạo và các tính chất của các vật liệu có cấu trúc perovskite lai hữu cơ – vô cơ cho phép nâng cao hiểu biết về nhóm vật liệu này. Từ đó có thể cải tiến công nghệ chế tạo nhằm hoàn thiện cấu trúc của vật liệu để nhận được các tính chất mong muốn, nâng cao hiệu suất, độ bền và hạ giá thành của linh kiện pin mặt trời perovskite.

Chương 2

CHẾ TẠO CÁC VẬT LIỆU CHO PIN MẶT TRỜI PEROVSKITE VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT TÍNH CHẤT VẬT LIỆU

Chương 2 trình bày các phương pháp thực nghiệm sử dụng trong luận án, trong đó mô tả các phương pháp chế tạo vật liệu thu năng lượng quang perovskite vô cơ – hữu cơ và vật liệu truyền điện tử (ETL) cụ thể là TiO2 và ZnO. Các phương pháp chế tạo màng mỏng như: phủ quay, phun phủ, phủ trải, phún xạ, bốc bay nhiệt, in lưới, lắng đọng điện hóa kết hợp thủy nhiệt đã được sử dụng. Các phương pháp nghiên cứu hình thái học (SEM), cấu trúc (XRD, EDX), nghiên cứu các quá trình quang điện tử trong vật liệu bằng các phương pháp quang phổ hấp thụ (UV-VIS) và phương pháp quang huỳnh quang (PL) và các phép đo quang điện hóa.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Nghiên cứu chế tạo và khảo sát đặc trưng của vật liệu Perovskite vô cơ – hữu cơ ứng dụng cho linh kiện pin mặt trời lai (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)