‐Nguồn nhân lực hiện nay của Công ty về cơ bản không cần thiết phải tăng cường số
lượng, chủ yếu nhất là nâng cao chất lượng. Để có được nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng
được yêu cầu về kiến thức và sức khỏe có thể làm việc tốt trong môi trường làm việc, một mặt Công ty phải chú trọng khâu tuyển chọn ban đầu với yêu cầu bắt buộc cơ bản phù hợp. Đồng thời bố trí sử dụng nguồn nhân lực vào các phòng ban chuyên môn theo đúng ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực của họ.
‐Công ty phải thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nhân viên. Đối với nhân viên mới vừa giúp họ làm quen với môi trường làm việc, vừa giúp họ có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Còn đối với nhân viên cũ mục đích là để nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ của họ và lấy đó làm cơ sở để thuyên chuyển nhân viên. Qua quá trình đào tạo, nhân viên có thể trao đổi, học hỏi trình độ chuyên môn, kinh nghiệm lẫn nhau hoặc qua các chuyên gia giúp hoàn thiện kỹ năng, bổ sung kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ.
‐Đồng thời phải thiết lập chương trình đào tạo cho từng bộ phận, thường xuyên tập huấn cho các bộ phận nhằm nâng cao năng lực quản lý và làm chủ các trang thiết bị. Công ty cần có quy trình đào tạo cụ thể, tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng ngắn hạn cho các nhân viên về các kỹ thuật mới, tiếp cận công nghệ mới, máy móc hiện đại …để họ bắt kịp với sự phát triển chung.
‐Việc đào tạo cũng có thể tổ chức thường xuyên tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế công việc và không nhất thiết phải là những buổi học mà đơn giản có thể chỉ là một buổi trao đổi kinh nghiệm hoặc thảo luận về một vấn đề thực tế, một tình huống xảy ra trong quá trình làm việc. Công ty nên lập kế hoạch theo dõi quá trình phát triển chuyên môn, kỹ năng làm việc của từng nhân viên trong bộ phận để từ đó lập ra yêu cầu đào tạo tổng hợp cho toàn bộ nhân viên, đây cũng là cơ sở cho việc hoạch định tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng.
‐Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cũng như kiến thức của mình. Khuyến khích và có chế độ chính sách động viên nhân viên trong việc học tập nâng cao trình độ, như: tiêu chuẩn xét nâng lương, xét các tiêu chuẩn thi đua hàng năm...
‐Cần có chính sách đãi ngộ nhân sự thỏa đáng hơn: Mục đích làm việc đầu tiên của bất kỳ người lao động nào cũng là tiền lương vì đây là yếu tố giúp họ tái sản xuất sức lao động. Chính vì thế người lao động rất quan tâm xem những cống hiến của họ cho sự phát triển của Công ty được đánh giá như thế nào thông qua chính sách đãi ngộ nhân sự như tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, phụ cấp,...
‐Nguyên tắc của việc trả công lao động là phải căn cứ vào số lượng và chất lượng lao động. Số lượng phụ thuộc vào công việc người lao động được phân công, thời gian và số lượng công việc họ hoàn thành, trong ngày, số ngày họ làm việc trong tháng v.v... Chất lượng lao động phụ thuộc vào độ phức tạp của công việc, yêu cầu về trình độ chuyên môn, tay nghề...và hiệu quả công việc thể hiện ở năng suất lao động, ở sự đánh giá của khách hàng về phong cách, thái độ, chất lượng phục vụ. Cụ thể Công ty có thể xếp hệ số lương trả cho nhân viên như: bậc nghề hay bậc lương, số ngày làm việc trong tháng, loại công việc đảm nhiệm, trình độ nghiệp vụ hay ngoại ngữ, việc thực hiện nội quy, sự đánh giá của khách hàng...
‐Bên cạnh việc chăm lo tốt đời sống vật chất, Công ty cũng phải quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động. Có những chính sách khuyến khích, khen thưởng, hoạt động tập thể để khích lệ nhân viên hăng say làm việc, tích cực đóng góp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề nghiệp, uy tín của công ty, nâng cao tính đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp trong công việc giữa các nhân viên.
‐Kịp thời có chế độ đãi ngộ, khen thưởng đối với những cá nhân xuất sắc, để gia tăng sự gắn bó của người lao động với Công ty.
‐Việc bổ nhiệm cán bộ phải theo nguyên tắc công khai, minh bạch dựa trên năng lực thực tế, đảm bảo có sự cạnh tranh công bằng và tạo điều kiện cho nhân viên thăng tiến trong công việc.
‐Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên: Đạo đức nghề nghiệp là lòng yêu nghề, sự hăng say công việc, trung thực, tận tụy với nghề, là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách thái độ phục vụ khách, là sự cư xử với đồng nghiệp, là sự kết hợp hài hoà giữa lợi ích cá nhân, tập thể,… Do đó, ngoài các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên, Ban giám đốc Công ty nên thường xuyên gặp gỡ nhân viên trong toàn Công ty, có các buổi nói chuyện với nhân viên về vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ, nhấn mạnh cho nhân viên thấy rằng đây là yếu tố quyết định đến sự sống còn của Công ty.
‐Ban lãnh đạo cần động viên, khuyến khích nhân viên dần áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vào trong công việc. Trong từng bộ phận có thể thành lập các nhóm chất lượng với nhiệm vụ tuyên truyền đến từng nhân viên ý nghĩa của công tác nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nội dung nâng cao chất lượng dịch vụ.
‐Công ty nhắc nhở và khuyến khích nhân viên làm việc hết mình, luôn coi khách hàng là “thượng đế”, vui vẻ, tận tụy với khách hàng. Đặc biệt là phải biết cách ứng xử khéo léo, không hằn học hay tranh cãi với khách hàng trong bất cứ trường hợp nào.
‐Bên cạnh việc quảng cáo để đưa sản phẩm của Công ty TNHH xây dựng Bảo Duy ra thị trường còn có những hình thức khuyến mại phù hợp nhằm kích thích khách hàng để tăng thị phần cho sản phẩm của Công ty như chiết khấu, thực hiện giảm giá khi khách hàng xây lắp với số lượng lớn và thanh toán trước hạn, hợp đồng áp dụng nhiều hình thức thanh toán tạo sự thuận tiện trong giao dịch.
‐Khách hàng sẽ được hưởng chiết khấu thanh toán 0.5%/giá thanh toán nếu khách hàng thanh toán tiền hàng trước thời hạn. Hình thức thực hiện bằng tiền mặt hoặc trừ vào số tiền cần thanh toán.
‐Giải quyết vấn đề của khách hàng nhanh chóng, chuyên nghiệp. Để nâng cao mức độ cảm nhận của khách hàng về mặt này, cần đào tạo kỹ năng cho nhân viên, như sau:
+ Lắng nghe kỹ lời góp ý của khách hàng. Tuyệt đối nhân viên không tranh luận với khách hàng hay có thái độ thờ ơ, coi thường họ. Nếu khách hàng phàn nàn thì trước tiên phải xin lỗi khách hàng.
+ Tìm hiểu kỹ sự việc và nêu ra các câu hỏi để khách hàng có cơ hội giải thích, nói rõ sự việc.
+ Ghi chép lại vấn đề và chuyển ngay cho các bộ phận khác giải quyết để khách nhận thấy vấn đề của họ đã được quan tâm.
+ Hỏi khách hàng hướng giải quyết trước hoặc đưa ra các phương án giải quyết để khách hàng lựa chọn.
+ Thông báo cho khách hàng biết những vấn đề được giải quyết và thời gian cụ thể vấn đề được giải quyết xong.
+ Giải quyết vấn đề ngay lập tức (nếu có thể). + Kiểm tra xem khách hàng đã hài lòng hay chưa.
+ Cảm ơn khách hàng đã nói ra những lời góp ý. Với những khách hàng quan trọng, sau khi khách hàng rời khỏi Công ty, có thể viết thư, gọi điện xin lỗi và cảm ơn khách hàng.