PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ NHỮNG ỨNG XỬ CỦA VIỆT NAM TRONG

Một phần của tài liệu Bài thảo luận chính sách kinh tế quốc tế Phân tích những ứng xử của Việt Nam trong quá trình tham gia vụ kiện chống phá giá và chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh (Trang 30 - 35)

QUÁ TRÌNH THAM GIA VỤ KIỆN CHỐNG PHÁ GIÁ VÀ CHỐNG TRỢ CẤP ĐỐI VỚI TÔM NƯỚC ẤM ĐÔNG LẠNH

3.1 Về sự chuẩn bị, tham gia tố tụng, những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, thương mại thế giới. Việc này cũng đồng nghĩa với sự tham gia ngày càng tích cực vào các tranh chấp thương mại quốc tế, xét cả từ phía doanh nghiệp cũng như từ phía Nhà nước. Trong bối cảnh đó, với tư cách là vụ kiện đầu tiên Việt Nam chủ động tiến hành và giành thắng lợi tại WTO, vụ kiện Tôm có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích thương mại cho Doanh nghiệp, lợi thế về ngoại giao kinh tế cho Nhà nước, vụ kiện tôm cũng có thể đem lại những kinh nghiệm hữu ích trong giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, ở nước ngoài cũng như tại WTO trong tương lai. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại toàn bộ sự việc, từ khâu chuẩn bị đến tiến hành, và kết thúc vụ kiện, có thể nhận thấy việc xác định phạm vi của vụ kiện và thời điểm khởi kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với kết quả của vụ kiện tôm của Việt Nam nói riêng cũng như các vụ kiện tại WTO nói chung. Có thể việc xác định phạm vi và thời gian khởi kiện chính là hai trong số những nhân tố tạo nên sự chưa trọn vẹn trong “thắng lợi” của Việt Nam tại vụ kiện này.

Trên thực tế, các nội dung mà Việt Nam khiếu kiện liên quan các biện pháp của Hoa Kỳ trong đợt điều tra lần đầu, trong các đợt rà soát hành chính và rà soát cuối kỳ của vụ kiện chống bán phá giá tôm của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vì đợt điều tra lần đầu và đợt rà soát hành chính thứ nhất đã hoàn toàn diễn ra trước khi Việt Nam gia nhập WTO, các biện pháp do Hoa Kỳ thực hiện vào thời gian đó không thể bị khiếu kiện và xem xét bởi Panel. Đối với đợt rà soát hành chính lần 4, 5 cũng như đợt rà soát cuối kỳ, vì vào thời điểm Việt Nam khởi kiện ra WTO đều chưa có kết quả cuối cùng, về nguyên tắc cũng không thuộc thẩm quyền xem xét của Panel. Với những lý do này, phạm vi khiếu kiện cũng như các kết luận của Panel chỉ liên quan đến các đợt rà soát hành chính lần 2 và 3 của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, việc có được phán quyết của WTO đối với cả các đợt rà soát thứ 4, 5 và đợt rà soát cuối kỳ mới thực sự có ý nghĩa đối với các Doanh nghiệp Việt Nam.

Một mặt, vì các quyết định giải quyết tranh chấp của WTO chỉ có giá trị hiệu lực cho tương lai, việc các Doanh nghiệp Việt Nam được giảm hoặc dỡ bỏ thuế bán phá giá trên cơ sở thực thi quyết định giải quyết tranh chấp chỉ có thể được thực hiện từ đợt rà soát lần 4. Mặt khác, theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, các DN Việt Nam sẽ được dỡ bỏ lệnh áp dụng thuế bán phá giá và thoát khỏi vụ kiện nếu trong ba lần rà soát hành chính liên tiếp biên độ bán phá giá của họ được xác định bằng không. Điều này chỉ có thể đạt được khi tính cả đợt rà soát hành chính lần 4.

Có lẽ xuất phát từ bối cảnh trên, Việt Nam đã xác định “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” của Hoa Kỳ là một trong những nội dung khiếu kiện, yêu cầu Panel giải quyết. Nếu có được thắng lợi về nội dung khiếu kiện này, thì các kết luận của Panel sẽ được áp dụng cả với các đợt rà soát hành chính lần 4, 5 cho dù vào thời điểm xem xét, kết quả cuối cùng của các đợt rà soát này chưa được công bố.

Có thể nhận thấy trong Báo cáo cuối cùng, Panel nhận định rằng trong Yêu cầu thành lập Panel của Việt Nam (Panel Request), Việt Nam đã không nêu một các rõ ràng “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” là một trong những nội dung khiếu kiện. Từ nhận định này, Panel đã từ chối giải quyết khiếu kiện của Việt Nam đối với nội dung này.

Từ các lập luận trên, có thể thấy, Vụ kiện rất có thể đã có kết quả trọn vẹn hơn đối với Việt Nam nếu thời điểm khởi kiện được thực hiện sau đợt rà soát hành chính lần 4 của Hoa Kỳ, hoặc Yêu cầu thành lập Panel đã nêu rõ “việc tiếp tục sử dụng các biện pháp bị khiếu kiện” là một trong những nội dung khiếu kiện.

3.2 Vấn đề về thuê Luật sư, công tác vận động hành lang trong và ngoài WTO30

Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong các vụ kiện chống bán phá giá. Trước hết, họ giúp các bên hiểu được luật pháp, các quy định cũng như quy trình khởi kiện. Họ cũng là những người chấp bút viết các các bản lập luận, là người đại diện cho các bên đọc các bản lập luận và trình bày lý lẽ trong các phiên tranh tụng và cũng là người tư vấn cho các bên trong các phiên tham vấn cho đến khi vụ kiện kết thúc. Trong Vụ kiện tôm, một vụ kiện được tiến hành bằng một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ chính thống của Việt Nam, khi các Luật sư của Việt Nam chưa đủ khả năng ngôn ngữ cũng

như am hiểu về luật pháp quốc tế để đại diện cho Nhà nước Việt Nam thực hiện vụ kiện, sự lựa chọn một đội ngũ Luật sư nước ngoài có trình độ, tận tâm đấu tranh cho quyền lợi của Việt Nam là vấn đề mang ý nghĩa sống còn. Vụ kiện cho thấy tính cấp bách của việc phải đào tạo một đội ngũ luật sư Việt Nam đủ ngôn ngữ, trình độ chuyên môn để có thể đại diện cho Việt Nam tham gia các vụ kiện trong tương lai.

Về thành phần Panel, Việt Nam đã đưa ra nhưng tiêu chí nhất định đối với thành phần Panel như “Ít nhất một thành viên Panel phải đến từ một nước đang phát triển, hay ít nhất một thành viên Panel đến từ một nước châu Á….” nhưng đã không thống nhất được với phía Hoa Kỳ. Do đó, Tổng giám đốc WTO đã chỉ định thành phần Panel. Không thống nhất được về thành phần Panel cũng là việc thường xuyên xảy ra trong các Vụ kiện tại WTO.

Vận động hành lang cũng là công tác xuyên suốt quá trình diễn ra vụ kiện. Mặc dù các tham vấn trước và trong quá trình diễn ra vụ kiện không đem lại nhiều kết quả, nhưng việc đàm phán với Hoa Kỳ rút ngắn thời gian thực hiện Phán quyết xuống 9 tháng là một thành công có sự đóng góp của vận động hành lang. Bên cạnh đó, phải nhắc đến công tác vận động hành lang đối với các bên thứ 3 của Vụ kiện. Vận động để được sự ủng hộ của bên thứ 3 đối với các nội dung khiếu kiện là rất quan trọng.

Đối với nội dung khiếu kiện về phương pháp Quy về không, sự ủng hộ rộng rãi của các bên thứ ba là một lợi thế đối với Việt Nam. Một sự ủng hộ như vậy về nguyên tắc cũng sẽ có lợi trong quá trình giám sát, thực thi phán quyết về sau này.

Tuy vậy, vụ kiện tôm cũng cho thấy, để đạt được phán quyết có lợi cho mình không nhất thiết phải được sự ủng hộ của nhiều bên thứ ba. Về việc Hoa Kỳ áp dụng thuế suất toàn quốc (country wide rate), trừ Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Việt Nam, tất cả các bên thứ ba nghiêng về phía Hoa Kỳ. Tại nội dung này, Panel đã kết luận ủng hộ quan điểm của Việt Nam và Trung Quốc.

3.3 Vấn đề quy chế kinh tế phi thị trường

“Mức độ chính phủ can thiệp vào nền kinh tế vẫn ở mức mà giá và chi phí không phải là công cụ chính để đánh giá giá trị. Đồng tiền Việt Nam, không hoàn toàn có khả năng chuyển đổi vì có những hạn chế cơ bản đối với việc sử dụng, chuyển tiền

và tỷ giá hối đoái. Đầu tư nước ngoài được khuyến khích, nhưng chính phủ vẫn tìm cách kiểm soát và điều chỉnh nó qua các quy định hành chính. Tương tự, dù rằng việc kiểm soát giá đã được xoá bỏ ở nhiều lĩnh vực, Uỷ ban Vật giá Chính phủ vẫn duy trì kiểm soát giá cả ở một số lĩnh vực được coi là độc quyền. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực ngân hàng vẫn chậm, do đó đã loại trừ lĩnh vực kinh tế tư nhân khỏi việc tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ khu vực nhà nước khỏi cạnh tranh. Cuối cùng, sở hữu đất tư nhân là không được phép và chính phủ không có một chương trình tư hữu hoá đất đai nào.” Trong vụ kiện tôm, DOC vẫn duy trì nhận định rằng Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường và do vậy, đương nhiên doanh nghiệp của ta bị chịu nhiều thiệt thòi cả về phương pháp tính thuế và thủ tục điều tra.

3.4. Đóng góp của các doanh nghiệp, Hiệp hội

Điểm đáng ghi nhận nhất trong vụ việc này là vai trò chủ động, tích cực của các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát hiện vấn đề cũng như tham gia vào quá trình chuẩn bị cho vụ việc. Vai trò của hiệp hội ngành hàng cực kỳ quan trọng trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong các vụ kiện tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đã hỗ trợ hiệu quả DN trong việc tập hợp lực lượng, huy động được sự đoàn kết, thống nhất cao trong cộng đồng các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam để đối phó và thực hiện các công việc giải quyết vấn đề kiện tụng. VASEP có vai trò quan trọng trong điều hòa lợi ích của các DN, đại diện và bảo vệ lợi ích của cộng đồng DN; hỗ trợ giúp đỡ các DN chuẩn bị tài liệu, hồ sơ chứng minh, trả lời số lượng lớn và phức tạp các câu hỏi của DOC và ITC trong thời gian ngắn; giải quyết các vấn đề khó khăn, mâu thuẫn nảy sinh cũng như hợp tác đầy đủ với luật sư trong quá trình vụ kiện. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành:

- Chủ động nghiên cứu nghiêm túc vấn đề từ góc độ của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đưa đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam cần khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO; - Trong khi các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn đang lúng túng bởi chưa có tiêu chí hay cơ chế nội bộ nào cho việc quyết định có khởi kiện hay không, đã có những lập luận thuyết phục và chặt chẽ với các cơ quan liên quan cũng như những hình thức

tuyên truyền thích hợp nhằm tạo sự ủng hộ của công chúng, góp phần vào quá trình ra quyết định khởi kiện của Chính phủ;

- Tham gia tích cực và hiệu quả vào việc lựa chọn luật sư tư vấn cho vụ việc và với việc giới thiệu luật sư giỏi, nhiều kinh nghiệm và có kết nối từ vụ việc gốc ở Hoa Kỳ và tranh chấp trong WTO, có thể nói hai Hiệp hội đã cùng góp phần vào thành công trong kết quả của vụ việc.

Mặc dù các Hiệp hội liên quan đã có đóng góp rất tích cực và phối hợp tốt với các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn đầu, vẫn còn những vấn đề tồn tại trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp này, chủ yếu trong giai đoạn sau đó. Cụ thể:

- Sau khi vụ việc được bắt đầu, các Hiệp hội không được thông tin về diễn tiến cũng như những nội dung liên quan của vụ việc cũng như không có cơ hội phối hợp, sát cánh cùng các cơ quan Nhà nước liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc; - Các Hiệp hội cũng không được tham gia hay tiếp cận các báo cáo về vụ việc của phía Việt Nam và những kinh nghiệm từ vụ việc tranh chấp đầu tiên trong WTO này. Vụ tranh chấp đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ WTO chỉ là một trong số hơn 400 vụ tranh chấp giữa các nước thành viên mà WTO đã chứng kiến từ ngày thành lập năm 1995 đến nay, vì thế nó có thể không đặc biệt lắm với thế giới. Nhưng rõ ràng với Việt Nam đây lại là bước ngoặt có ý nghĩa, với nhiều bài học lớn cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng.

3.5. Một số vấn đề khác

Vụ kiện Tôm cho thấy, thái độ chủ động chuẩn bị, tích cực tham gia cả từ phía các Doanh nghiệp lẫn từ phía các cơ quan nhà nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giải quyết các tranh chấp. Điều này cũng nhấn mạnh đến nhu cầu tạo dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý phù hợp cho sự liên kết, phối hợp giữa các Doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của các Doanh nghiệp, hiệp hội Doanh nghiệp nói riêng cũng như của các tổ chức xã hội nói chung cùng với các cơ quan nhà nước phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Vụ kiện Tôm cũng cho thấy, để có thể sử dụng tốt cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO nhằm bảo vệ những chính sách thương mại quốc gia, đối phó hiệu quả với những chính sách, biện pháp bảo hộ của nước ngoài, việc việc nắm vững và sử dụng linh hoạt các cơ chế tố tụng tại WTO là điều hết sức quan trọng. Về điểm này, cần đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng các án lệ và thực tiễn của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.

Một phần của tài liệu Bài thảo luận chính sách kinh tế quốc tế Phân tích những ứng xử của Việt Nam trong quá trình tham gia vụ kiện chống phá giá và chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(42 trang)
w