6. Kết cấu của luận văn
1.1.3. Các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán và phát hành thẻ
Hoạt động thanh toán và phát hành thẻ ngân hàng trong nước có sự tham gia chặt chẽ của 4 thành phần cơ bản là: ngân hàng phát hành thẻ, ngân hàng thanh toán thẻ, chủ thẻ và các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT). Đối với thẻ quốc tế còn thêm một thành phần nữa là các Tổ chức thẻ quốc tế. Mỗi chủ thể đóng vai trò quan trọng khác nhau trong việc phát huy tối đa tính năng phương tiện thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt của thẻ ngân hàng.
1.1.3.1. Chủ thẻ
Là những cá nhân hoặc người được uỷ quyền (nếu là thẻ do công ty uỷ quyền sử dụng) được ngân hàng phát hành thẻ cho phép sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ thay tiền mặt hoặc rút tiền tại các máy rút tiền tự động hoặc tại các ngân hàng đaị lý theo những điều khoản, điều kiện ngân hàng quy định. Mỗi chủ thẻ chính có thể phát hành thêm thẻ phụ, cả thẻ chính và thẻ phụ cùng chi tiêu chung một tài khoản.
Chủ thẻ chính là người đứng tên xin cấp thẻ và được Ngân hàng cấp thẻ để sử dụng.
Chủ thẻ phụ là người được cấp thẻ theo đề nghị của chủ thẻ chính, chủ thẻ phụ cũng có trách nhiệm thanh toán các khoản phát sinh trong kỳ nhưng chủ thẻ chính là người có trách nhiệm thanh toán cuối cùng đối với ngân hàng.
* Quyền hạn:
- Chủ thẻ sử dụng thẻ để thanh toán hàng hoá, dịch vụ tại các ĐVCNT, ứng tiền tại các điểm ứng tiền mặt thuộc hệ thống ngân hàng, thực hiện các giao dịch tại các máy tính tiền tự động ATM.
- Khiếu nại với Ngân hàng nếu thấy có sai sót hoặc nghi ngờ sai sót trong bảng kê các giao dịch do ngân hàng lập và gửi định kỳ hoặc ĐVCNT thẻ từ chối thanh toán thẻ, tự ý nâng giá hàng hóa dịch vụ hoặc thu thêm phí do thanh toán bằng thẻ.
- Các quyền khác theo hợp đồng. * Nghĩa vụ:
- Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết theo yêu cầu của Ngân hàng phát hành khi xin sử dụng thẻ và trong quá trình sử dụng thẻ.
- Thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho ngân hàng các khoản vay, lãi và phí phát sinh do việc sử dụng thẻ theo quy định của ngân hàng.
- Các nghĩa vụ khác theo hợp đồng.
1.1.3.2.Tổ chức thẻ quốc tế
Là Hiệp hội các tổ chức tài chính, tín dụng hoặc công ty phát hành và thanh toán thẻ quốc tế, hiện tại bao gồm: tổ chức thẻ Visa International, MasterCard
Incoprated, công ty thẻ American Express, công ty thẻ JCB, công ty thẻ Diners Club. Đây là những đơn vị đứng đầu quản lý mọi hoạt động và thanh toán thẻ trong mạng lưới của mình, có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn thế giới. Tổ chức thẻ quốc tế là tổ chức đứng ra liên kết các thành viên với nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp một mạng lưới viễn thông toàn cầu phục vụ cho quy trình thanh toán, cấp phép của các Ngân hàng thành viên. Đưa ra những quy định cơ bản về hoạt động phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ mang tính chất toàn cầu, đóng vai trò trung gian giữa các tổ chức và các công ty thành viên trong việc điều chỉnh giải quyết các tranh chấp khiếu mại giữa các thành viên.
1.1.3.3. Ngân hàng phát hành thẻ
Là các tổ chức tài chính, tín dụng thực hiện việc phát hành thẻ cho chủ thẻ sử dụng một cách hợp pháp. Ngân hàng phát hành ra những tấm thẻ mang thương hiệu riêng hoặc được tổ chức thẻ quốc tế, công ty thẻ trao quyền phát hành thẻ mang thương hiệu của những tổ chức và công ty này. Ngân hàng phát hành là ngân hàng có tên in trên thẻ do ngân hàng đó phát hành thể hiện đó là sản phẩm của mình. Ví dụ như ngân hàng Ngoại thương Việt Nam phát hành thẻ nội địa Connect 24 và phát hành các loại thẻ quốc tế có tên Vietcombank Visa, Vietcombank MasterCard và Vietcombank American Express, Vietcombank JCB, Vietcombank UnionPay.
* Trách nhiệm:
- Ngân hàng phát hành quy định các điều khoản, điều kiện sử dụng thẻ đối với khách hàng.
- Thẩm định khả năng pháp lý và khả năng tài chính khách hàng. - Phát hành thẻ cho các khách hàng có kết quả thẩm định đạt yêu cầu. - Tạo sao kê cho chủ thẻ và quyết toán với chủ thẻ.
- Yêu cầu ngân hàng thanh toán và đơn vị chấp nhận thẻ cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ.
* Nghĩa vụ:
- Thanh toán đầy đủ kịp thời cho Ngân hàng thanh toán thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ đối với các giao dịch theo đúng hợp đồng, hướng dẫn họ thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ trong thanh toán thẻ đảm bảo an toàn cho khách hàng và ngân hàng.
- Giải quyết thấu đáo các thắc mắc của khách hàng.
1.1.3.4. Ngân hàng thanh toán thẻ
Là ngân hàng chấp nhận các loại thẻ như một phương tiện thanh toán thông qua việc ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ với các điểm cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.
* Trách nhiệm:
- Ngân hàng thanh toán cung cấp các thiết bị phục vụ cho việc thanh toán thẻ và hướng dẫn các ĐVCNT cách thức vận hành.
- Chấp nhận thanh toán thẻ cũng như quản lý và xử lý những giao dịch thẻ tại các đơn vị này. Thông thường ngân hàng thanh toán sẽ thu từ các ĐVCNT một mức phí chiết khấu cho việc chấp nhận thanh toán thẻ của đơn vị, có thể tính phần trăm trên giá trị mỗi giao dịch hoặc tính theo tổng giá trị giao dịch thẻ. Mức chiết khấu cao hay thấp phụ thuộc vào từng ngân hàng và vào mối quan hệ chiến lược của ngân hàng với ĐVCNT. Đồng thời cung cấp các dịch vụ khác như thu chi, xử lý tổng kết, giải quyết khiếu nại, thắc mắc cho các ĐVCNT.
Trên thực tế rất nhiều ngân hàng vừa là ngân hàng phát hành, vừa là ngân hàng thanh toán thẻ. Với tư cách là ngân hàng phát hành, khách hàng của họ là chủ thẻ, còn với tư cách là ngân hàng thanh toán, khách hàng là các đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ có ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ.
* Quyền hạn:
- Yêu cầu NHPH thanh toán đầy đủ, kịp thời đối với các giao dịch thẻ được thực hiện theo đúng hợp đồng sử dụng thẻ.
- Yêu cầu ĐVCNT hoàn trả lại tiền đối với các giao dịch thực hiện không đúng hợp đồng thanh toán thẻ, thu giữ thẻ không hợp lệ.
- Yêu cầu ĐVCNT cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đễn các giao dịch thẻ của chủ thẻ tại ĐVCNT.
- Các quyền khác theo hợp đồng thanh toán thẻ.
1.1.3.5. Đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT)
Là các đơn vị cung ứng hàng hoá, dịch vụ ký kết hợp đồng chấp nhận thẻ như một phương tiện thanh toán được gọi là đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT). Các ngành kinh doanh của các ĐVCNT trải rộng từ những cửa hiệu bán lẻ đến các nhà hàng ăn uống, khách sạn, sân bay.... Tại nhiều nước trên thế giới, khi thẻ ngân hàng đã trở thành một phương thức thanh toán thông dụng, chúng ta có thể nhìn thấy những logo của thẻ xuất hiện rộng rãi tại các cửa hàng. Ở Việt Nam, các ĐVCNT tập trung chủ yếu tại các ngành hàng, dịch vụ phục vụ cho người nước ngoài như hàng thủ công mỹ nghê, nhà hàng, khách sạn, du lịch, các đại lý bán vé máy bay. Mặc dù phải trả cho ngân hàng thanh toán một tỷ lệ phí chiết khấu nhất định nhưng bù lại các ĐVCNT thông qua đó thu hút được một khối lượng khách hàng lớn, bán được nhiều hàng hơn, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như lợi nhuận của đơn vị.
Để trở thành ĐVCNT của một ngân hàng, nhất thiết đơn vị đó phải có tình hình tài chính tốt và có năng lực kinh doanh. Cũng như các ngân hàng phát hành thẩm định khách hàng trước khi phát hành thẻ, ngân hàng thanh toán cũng tiến hành đánh giá lựa chọn ĐVCNT. Chỉ có những đơn vị có hiệu quả kinh doanh cao, có khả năng thu hút được nhiều giao dịch thanh toán thẻ thì ngân hàng mới có thể thu hồi được vốn đầu tư cho các đơn vị đó và có lãi.
* Trách nhiệm:
- Yêu cầu NHPH thẻ và NHTT thẻ đầy đủ, kịp thời đối với các giao dịch thẻ được thực hiện theo đúng hợp đồng.
- Kiểm tra thẻ theo đúng quy định và từ chối chấp nhận các thẻ không đúng tiêu chuẩn quy định.
* Nghĩa vụ:
- Giữ bí mật các thông tin liên quan đến thẻ và chủ thẻ trừ các trường hợp đã quy định
- Thực hiện đầy đủ các quy trình nghiệp vụ kỹ thuật liên quan đến các giao dịch của thẻ
- Các nghĩa vụ khác.