1.4.2.1. Chỉ tiêu định tính
Cảm giác an tâm của khách hàng khi đến giao dịch với Ngân hàng nếu Ngân hàng có bảo vệ, có bãi gửi xe, có nhân viên trông xe không thu lệ phí thì Ngân hàng sẽ tạo được một ấn tượng đầu tiên rất tốt đẹp trong lòng khách hàng.
Nếu ngân hàng có sơ đồ làm việc của các phòng ban sẽ giúp khách hàng không bị bỡ ngỡ và đỡ tốn thời gian. Từ đó khách hàng sẽ có ấn tượng tốt về Ngân hàng. Cách bố trí sắp sếp trong phòng làm việc của ngân hàng, trang phục của nhân viên, đặc biệt là thái độ của cán bộ tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng tín dụng của ngân hàng. Ngân hàng có được một đội ngũ cán bộ lành nghề, hăng say với công việc cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng. Do đó, ngân hàng không thể bằng lòng với khả năng phục vụ hiện tại mà phải thường xuyên củng cố phong cách làm việc, đào tạo cán bộ xây dựng cơ sở vật chất phục vụ. Nếu chất lượng tín dụng cao thì chắc chắn Ngân hàng sẽ có nhiều khách hàng mới.
Uy tín của ngân hàng cũng góp phần làm nên chất lượng tín dụng của Ngân hàng. Các Ngân hàng nước ngoài, ngân hàng cổ phần trong nước vào Việt Nam không lâu nhưng phong cách làm việc, thái độ phục vụ khách hàng của họ là rất tốt. Trong số
này có thể kể đến ngân hàng ANZ, là một ngân hàng của úc mới vào Việt Nam từ năm 1992. Khách hàng khi đến giao dịch với ANZ bao giờ cũng rất yên tâm và thoải mái bởi ở đây có một đội ngũ nhân viên bảo vệ rất chuyên nghiệp, một ban lễ tân niềm nở và hướng dẫn khách hàng tận tình, chu đáo, một không khí làm việc nghiêm túc. Tất cả những điều đó đã góp phần tạo nên uy tín của ngân hàng ANZ ở Việt Nam.
Như vậy, dựa vào các chỉ tiêu định tính có thể đánh giá được phần nào chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại
1.4.2.2. Chỉ tiêu định lượng
Có nhiều chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chất lượng tín dụng ngân hàng, trong đó có các chỉ tiêu cơ bản sau:
Chỉ tiêu tỷ lệ nợ xấu:
Theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ban hành ngày 22/04/2005 của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu (hay nợ có vấn đề, nợ không lành mạnh, nợ khó đòi, nợ không thể đòi,…) được định nghĩa là các khoản nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5 quy định tại điều 6 hoặc điều 7 của Quy định này.
Nợ xấu mang các đặc trưng sau:
Khách hàng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng khi các cam kết này đã hết hạn.
Tình hình tài chính của khách hàng đang và có chiều hướng xấu dẫn đến có khả năng ngân hàng không thu hồi được cả gốc lẫn lãi.
Tài sản đảm bảo (thế chấp, cầm cố, bảo lãnh) được đánh giá là giá trị phát mãi không đủ trang trải nợ gốc và lãi.
Thông thường về thời gian là các khoản nợ quá hạn ít nhất là 90 ngày. Cụ thể, các khoản nợ xấu bao gồm:
- Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) - Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4)
- Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5)
Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ phần trăm giữa nợ xấu và tổng dư nợ của ngân hàng thương mại tại một thời điểm nhất định, thường là cuối tháng, cuối quý, cuối năm. Chỉ tiêu này được tính như sau:
Tỷ lệ nợ xấu = Dư nợ xấu X 100% Tổng dư nợ cho vay
Cũng theo quy định này, các ngân hàng có thể chọn phân loại nợ theo phương pháp định lượng hay phương pháp định tính với các cách xếp loại khác nhau như sau: Theo Quyết định 493 phân loại nợ thành năm nhóm, bao gồm:
Nhóm 1: nợ đủ tiêu chuẩn, bao gồm nợ trong hạn được đánh giá có khả năng thu hồi đủ gốc và lãi đúng hạn và các khoản nợ có thể phát sinh trong tương lai như các khoản bảo lãnh, cam kết cho vay, chấp nhận thanh toán
Nhóm 2: nợ cần chú ý, bao gồm nợ quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Nhóm 3: nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày
Nhóm 4: nợ nghi ngờ, bao gồm nợ quá hạn từ 180 ngày đến 360 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày
Nhóm 5: nợ có khả năng mất vốn, bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 180 ngày và nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý
Theo phương pháp này, mặc dù có tiêu chí thời gian quá hạn trả nợ cụ thể để phân loại nợ như trên nhưng tổ chức tín dụng vẫn có quyền chủ động tự quyết định phân loại bất kỳ khoản nợ nào vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro cao nếu đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm.
-Tỷ lệ nợ quá hạn:
Bên cạnh tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ quá hạn cũng góp phần phản ánh chất lượng tín dụng ngân hàng, tuy với mức độ thấp hơn.
Nợ quá hạn là khoản nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá hạn. Một cách tiếp cận khác, nợ quá hạn là những khoản tín dụng không hoàn trả đúng hạn, không được phép và không đủ điều kiện gia hạn nợ. Các khoản nợ quá hạn bao gồm:
- Nợ cần chú ý
- Nợ dưới tiêu chuẩn. - Nợ nghi ngờ
- Nợ có khả năng mất vốn Chỉ tiêu này được tính như sau:
Tỷ lệ nợ quá hạn = Dư nợ quá hạn x 100%
Chỉ tiêu này cho biết việc khách hàng không thực hiện được việc trả nợ đúng hạn theo cam kết. Cũng như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ nợ quá hạn cao phản ánh tình hình tín dụng của ngân hàng có chất lượng thấp. Một tỷ lệ nợ quá hạn được coi là chấp nhận được là dưới 3%.
Các khoản nợ quá hạn phát sinh có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan (trình độ quản lý của doanh nghiệp còn yếu kém, công nghệ sản xuất lạc hâu, doanh nghiệp không thích nghi được với thị trường, doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất…) và nguyên nhân khách quan (rủi ro trong kinh doanh do thiên tai, chiến tranh, có các khoản nợ do bị chậm thanh toán tiền hàng…). Trong thực tế, rủi ro trong hoạt động kinh doanh là không thể tránh khỏi, do đó, các ngân hàng thương mại phải tùy thuộc vào đối tượng khách hàng của mình mà thiết lập mức giới hạn tỷ lệ nợ quá hạn nhất định.
∗ Hiệu suất sử dụng vốn:
Đây là chỉ tiêu dùng để so sánh khả năng cho vay của ngân hàng với khả năng huy động vốn của ngân hàng đó tại một thời điểm, đồng thời, xác định hiệu quả của một đồng vốn huy động. Chỉ tiêu này được tính như sau:
Hiệu suất sử dụng vốn
= Tổng dư nợ x 100%
Tổng vốn huy động
Thông thường, nếu nhìn vào cách tính, ta sẽ thấy chỉ tiêu này càng lớn chứng tỏ ngân hàng sử dụng nhiều vốn huy động và hoạt động của ngân hàng sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã đúng. Thực ra, ta chưa thể khẳng định được hiệu suất sử dụng vốn cao thì chất lượng tín dụng cùa ngân hàng là tốt và ngược lại, bởi tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động lớn song có thể tỷ lệ nợ đủ tiêu chuẩn vẫn ở tỷ lệ thấp, làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng. Ngoài ra, ta có thể thấy rằng ngân hàng có hiệu suất sử dụng vốn cao chưa hẳn đã tốt hoặc ngược lại, do nếu chỉ tiêu này có giá trị lớn (càng lớn hơn 1, tức tổng số tiền huy động ít hơn tổng số tiền cho vay) thì ngân hàng phải tìm kiếm nguồn vốn khác có chi phí cao hơn; đồng thời, nếu hiệu suất sử dụng vốn thấp (có giá trị càng nhỏ hơn 1, tức tổng số tiền huy động được nhiều hơn tổng số tiền cho vay) thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng thừa vốn. Do đó, chỉ tiêu này chỉ mang tính tương đối giúp so sánh khả năng cho vay và
huy động vốn của ngân hàng. Vì vậy, khi xem xét ảnh hưởng của chỉ tiêu này tới chất lượng tín dụng của ngân hàng, chúng ta phải xem xét một cách tổng hợp chỉ tiêu này trong mối quan hệ với các chỉ tiêu khác.
∗ Chỉ tiêu vòng quay vốn tín dụng:
Chỉ tiêu này đo lường tốc độ luân chuyển vốn tín dụng của ngân hàng trong một thời gian nhất định (thường là một năm), phản ánh thời gian thu hồi nợ của ngân hàng là nhanh hay chậm và được xác định như sau:
Vòng quay vốn tín dụng
= Doanh số thu nợ Dư nợ bình quân
Chỉ tiêu này càng tăng thì tính tổ chức, quản lý tín dụng càng tốt, chất lượng tín dụng càng cao. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chỉ phản ánh một cách tương đối, vì lượng vốn do các doanh nghiệp sản xuất vay chiếm tỷ trọng lớn dư nợ thì chỉ tiêu này của ngân hàng sẽ thấp hơn (vốn quay vòng chậm hơn) so với lượng vốn do các doanh nghiệp thương mại vay chiếm tỷ trọng lớn dư nợ. Do vậy, để có sự chính xác trong xem xét chất lượng tín dụng thông qua chỉ tiêu này thì các tiêu thức tính toán phải thống nhất, vòng quay vốn tín dụng phải tính toán cho từng loại vay, thời hạn vay và từng đối tượng vay cụ thể.
∗ Chỉ tiêu lợi nhuận :
Chỉ tiêu này được xác định như sau: Tỷ suất lợi nhuận của
hoạt động tín dụng =
Lợi nhuận từ hoạt động
tín dụng x 100%
Tổng dư nợ tín dụng
Chỉ tiêu này cho biết khả năng sinh lời của các khoản tín dụng, một khoản tín dụng ngắn hạ hay dài hạn không thể xem là có chất lượng cao nếu nó không đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Chỉ tiêu này có giá trị lớn chứng tỏ các khoản vay của ngân hàng sinh lời và ngược lại. Đánh giá chất lượng tín dụng thông qua chỉ tiêu này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì chỉ tiêu này cũng phụ thuộc khá nhiều vào
chính sách lãi suất. Chẳng hạn trường hợp khách hàng được vay một khoản tín dụng, cam kết trả nợ theo niên kim cố định và đã trả nợ đầy đủ qua các kỳ đầu, nhưng đến kỳ cuối cùng, do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khách hàng này không trả được nợ đúng hạn, lúc này khoản vay có sinh lời nhưng vẫn tồn tại một khoản nợ quá hạn là một phần trong dư nợ gốc ban đầu nên cũng không thể khẳng định đây là một khoản tín dụng có chất lượng tốt. Ngoài ra, khi so sánh chất lượng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại, không thể kết luận được chất lượng tín dụng của ngân hàng này cao hơn ngân hàng khác do có tỷ suất lợi nhuận của hoạt động tín dụng cao hơn, nguyên nhân cũng bởi do sự khác nhau trong chính sách lãi suất của từng ngân hàng. Vì vậy, chỉ tiêu này cũng nên được xem xét một cách tương đối trong mối quan hệ với các chỉ tiêu và yếu tố quan trọng khác làm ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng.