1.3.1.1. Chính sách của các nước xuất nhập khẩu nông sản chủ yếu trên thế giới
Các nước xuất nhập khẩu nông sản chính trên thế giới là những nước có khả năng chi phối giá cả, cung – cầu thị trường nông sản thế giới. Những nước này có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với quốc gia trên lĩnh vực thương mại hàng nông sản, đặc biệt là những quốc gia có điều kiện tương đồng với hàng hóa xuất khẩu của quốc gia. Chính sách của các quốc gia này có tác động đến chính sách thương mại quốc gia. Do vậy, chính sách xuất khẩu nông sản phải bao gồm cả những biện pháp đối phó, cạnh tranh, hợp tác, tranh thủ, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những bài học về chính sách xuất khẩu nông sản của các quốc gia này.
1.3.1.2. Yêu cầu về chính sách thương mại đối với hàng nông sản của các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế mà quốc gia thamg gia
Tham gia các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế, quốc gia phải tuân thủ các quy định chung và những cam kết cụ thể về thương mại hàng nông sản trong các tổ chức này. Các yêu cầu thường liên quan đến các vấn đề chính gồm: tiếp cận thị trường, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất trong nước, các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn.
Với những quy định đối với hàng nông sản trong các Hiệp định thương mại tự do mà quốc gia tham gia đòi hỏi quốc gia phải xây dựng một chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản phù hơp, bảo đảm thực hiện những cam kết đó đúng hạn, đúng tiến độ. Đồng thời đảm bảo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản, bảo hộ hợp lý, có hiệu quả những nông sản có triển vọng phát triển.
Như vậy, những quy định của các tổ chức kinh tế khu vực về thương mại hàng nông sản đặt cơ sở cho việc xác định chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của quốc gia.
1.3.1.3. Đặc điểm thị trường nông sản thế giới
Để có chính sách thúc đẩy XKNS phù hợp, quốc gia cần phải căn cứ vào đặc điểm thị trường nông sản thế giới khi hoạch định chính sách XKNS của mình. Các yếu tố của thị trường nông sản thế giới mà có ảnh hưởng đến chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia gồm: (1) tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu nông sản trên thế giới; (2) xu hướng tăng lên về tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu chế biến trong tổng kim ngạch thương mại nông sản thế giới; (3) mức độ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trong nước và bảo hộ thị trường nông sản của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhập khẩu nông sản của quốc gia khác.
Những đặc điểm của thị trường nông sản thế giới cần được nghiên cứu, khảo sát và sử dụng làm căn cứ cho chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia. Ngoài ra, tình hình thị trường nông sản thế giới, tình hình kinh tế của các nước cũng là căn cứ để xây dựng chính sách thúc đẩy XKNS của quốc gia.