đều có thể được sử dụng để đánh giá tình hình phát triển. Đối với tiêu chí về quy mô và tính thanh khoản, 2 thước đo này sẽ so sánh và đưa ra vị trí của Việt Nam so với các khu vực, ngoài ra còn phản ánh được tiềm năng và dư địa phát triển của thị trường trong tương lai. Đối với cơ cấu kỳ hạn, cơ sở nhà phát hành và nhà đầu tư cho biết đặc trưng tạm thời và nhu cầu hiện tại của thị trường, từ đó có thể đưa ra các gợi ý về chính sách cũng như cơ chế để điều hướng thị trường phát triển một cách hiệu quả và bền vững. Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường, Việt Nam còn nhiều hạn chế dẫn đến việc đi sau khu vực trong việc tiếp cận tới nguồn vốn ngoại, đây cũng là điểm mấu chốt để phát triển về quy mô và tính thanh khoản của thị trường.
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường trái phiếudoanh nghiệp doanh nghiệp
Môi trường kinh tế - tài chính vĩ mô
Dưới khía cạnh tổng quát, môi trường kinh tế vĩ mô luôn luôn có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động trong nền kinh tế. Trong giai đoạn môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế phát lạm, lạm phát được kiềm chế thì việc thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu sẽ dễ dàng hơn.
Đối với doanh nghiệp phát hành, khi được hoạt động trong một môi trường kinh tế tài chính thuận lợi và ổn định, tất nhiên là doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng hoạt động kinh doanh của mình. Các chính sách về quản lý kinh tế tài chính vĩ mô đều tác động tới chiến lược kinh doanh của các công ty từng thời kỳ. Vì thế mà môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là yếu tố cộng hưởng đối với kết quả hoạt động kinh doanh mà các doanh nghiệp đạt được. Hệ quả tất yếu là uy tín của doanh nghiệp tăng cao, khả năng thanh khoản các chứng khoán doanh nghiệp phát hành tốt hơn,
tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành.
Đối với nhà đầu tư, một khi môi trường kinh tế tài chính thuận lợi, nền kinh tế phát triển ổn định đồng nghĩa với thu nhập của xã hội sẽ tăng lên. Khi đó sẽ nảy sinh nhu cầu đầu tư nhằm tối đa hóa lợi nhuận từ dòng tiền nhàn rỗi, dẫn đến sự sôi động trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Đối với chính thị trường chứng khoán, một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lành mạnh và phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế sẽ là nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ và tạo đà cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhờ đó, các hoạt động trao đổi, mua bán giao dịch chứng khoán diễn ra sôi động, an toàn, thuận lợi và tạo ra sức hút cho thị trường.
Môi trường pháp lý
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể phát triển thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, có tính thống nhất, toàn diện và phải đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia thị trường, hướng thị trường hoạt động theo những nguyên tắc, mục tiêu đã định ra.
Môi trường pháp lý quản lý thị trường bao gồm một hệ thống các văn bản quy định pháp luật, hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan kiểm soát. Theo đó, hệ thống các văn bản pháp luật sẽ điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính, thông qua các nội dung quy định về hoạt động đầu tư, quản lý, kiểm soát hay điều tiết thị trường dưới dạng Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn thực hiện... Hệ thống các văn bản kể trên tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân, các bên có liên quan tham gia hoạt động trên thị trường nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Hệ thống sẽ được xây dựng một cách hợp lý nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia vào thị trường, tuy nhiên nếu không phù hợp, hệ thống này ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Việc thực thi các văn bản pháp luật cũng có sức ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán nói chung. Nếu thực thi một cách nghiêm ngặt, chặt chẽ sẽ hạn chế được các hành vi gian lận, gây thiệt hại đến lợi ích các bên tham gia thị trường
và từ đó góp phần giúp cho thị trường hoạt động một cách an toàn và hiệu quả, tạo ra sự công khai minh bạch thúc đẩy đầu tư và phát triển.
Sự phát triển của các định chế tài chính trung gian và tiềm lực vốn của các nhà đầu tư
Đầu tiên, khi nhắc đến đầu tư thì sẽ nhắc đến vốn, đến tiềm lực tài chính của các bên tham gia bỏ vốn đầu tư vào thị trường thông qua các hình thức như là mua các trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp tiềm lực vốn của các nhà đầu tư dù là cá nhân hay tổ chức đủ mạnh, việc đầu tư vào thị trường trái phiếu sẽ vững chắc và ổn định hơn. Nhà đầu tư nào có nguồn vốn dồi dào sẽ có đủ khả năng đối mặt với các rủi ro có thể phát sinh từ thị trường, đồng thời có thể mở rộng quy mô đầu tư, tạo sự đa dạng và sôi nổi trong hoạt động mua bán trao đổi các loại trái phiếu trên thị trường.
Các định chế tài chính trung gian là các chủ thể tham gia thị trường, đồng thời họ tham gia với nhiều tư cách khác nhau như Nhà tạo lập thị trường, môi giới, nhà đầu tư, thậm chí là tổ chức phát hành. Là một hạt nhân quan trọng có mặt trong mọi khâu của thị trường, khi các tổ chức này có đầy đủ năng lực hoạt động một cách hiệu quả sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tương tự thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu nhất là trái phiếu doanh nghiệp cần có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo phục vụ cho hoạt động của thị trường như hệ thống lưu ký, hệ thống giao dịch hay thanh toán bù trừ... Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu là yếu tố quan trọng thúc đẩy các hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hoạt động quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Sự đầu tư và đồng bộ về cơ sở hạ tầng là rất cần thiết và là tiền đề để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển.
Hệ thống các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm trái phiếu
Đây là hoạt động nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm của các tổ chức phát hành, xếp hạng chúng theo một bản quy chuẩn về mức độ rủi ro, khả năng không thể thanh toán của tổ chức phát hành để giúp các nhà đầu tư có được những thông tin
làm cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp. Các trái chủ hay người chủ nợ có thể gặp rủi ro khi bên vay mất khả năng thanh toán hay rơi vào tình trạng vỡ nợ. Khi trái phiếu lần đầu được đưa ra thị trường, có khả năng phần lớn các nhà đầu tư không nắm được thông tin tình hình tài chính hay tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức phát hành. Vì thế, với mục đích hạn chế rủi ro cho những nhà đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, thị trường sẽ cần tới các tổ chức đứng ra cung cấp thông tin khách quan và đánh giá mức độ rủi ro đối với trái phiếu của chủ thể phát hành. Hành động đánh giá mức độ rủi ro tín dụng thường được xác định bằng một hệ số tín nhiệm. Hệ số tín nhiệm phản ánh sự đánh giá về năng lực thanh toán gốc và lãi trái phiếu theo kỳ hạn đã cam kết của tổ chức phát hành. Tại nhiều quốc gia đã hình thành các tổ chức chuyên nghiệp phân tích và đánh giá hệ số tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành.
Việc sử dụng hệ thống xếp hạng tín nhiệm và hệ số tín nhiệm đã trở thành thông lệ ở nhiều nước cũng như các trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Tại một số quốc gia, việc đánh giá hệ số tín nhiệm còn trở thành thủ tục bắt buộc về mặt pháp lý khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các vai trò của hệ số tín nhiệm chủ yếu bao gồm:
Hệ số tín nhiệm sẽ cung cấp thông tin cần thiết cho nhà đầu tư về tình trạng tài chính và hoạt động của chủ thể phát hành, giúp họ lựa chọn trái phiếu để đầu tư một cách phù hợp.
Hệ số tín nhiệm tạo điều kiện cho việc huy động vốn một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Khi có hệ số đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ yên tâm một phần nào, mang đến sự tin tưởng nhất định khi đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp đó phát hành. Điều này cũng tương đương với việc các tổ chức phát hành dễ tiếp cận với các nguồn tài trợ hơn và có thể thực hiện huy động với quy mô lớn, phạm vi rộng.
Hệ số tín nhiệm góp phần quan trọng trong việc giảm bớt chi phí sử dụng vốn cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Khi một tổ chức phát hành trái phiếu mà có mức độ uy tín cao thì hệ số tín nhiệm sẽ giúp cho việc huy động vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu trở nên dễ dàng hơn. Với chủ thể phát hành trái phiếu doanh
nghiệp có hệ số tín nhiệm cao sẽ giúp doanh nghiệp đó phát hành trái phiếu với mức lãi suất thấp mà vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Hệ số tín nhiệm thúc đẩy các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với các nhà đầu tư, các trái chủ tiềm năng. Hoạt động đánh giá hệ số tín nhiệm liên quan chặt chẽ đến uy tín của tổ chức phát hành trái phiếu, vì vậy doanh nghiệp luôn mong muốn giữ được mức độ uy tín cao cũng như duy trì được hệ số tín nhiệm. Khi thực hiện tốt các cam kết đối với các trái chủ nhất là việc đảm bảo việc thanh toán gốc và lãi trái phiếu, doanh nghiệp sẽ đạt được mong muốn đó của mình.