Bên cạnh các nhân tố bên ngoài là một số nhân tố bên trong như:
+ Ổn định kinh tế trong vùng. Đây là điều kiện tiên quyết đối với các nhà đầu
tư, điều này đặc biệt quan trọng đối với việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ĐTNN. Thông thường các nhà đầu tư sẽ chọn những địa phương có sự ổn định về kinh tế, đây phải là nơi an toàn cho sự vận động của vốn đầu tư, và là nơi có khả năng sinh lợi cao hơn các nơi khác. Sự an toàn ở đây chính là môi trường vĩ mô ổn định và được đánh giá qua tiêu chí chống lạm phát và ổn định tiền tệ.
+ Môi trường chính trị, an ninh trong vùng ổn định. Khi tình hình chính trị - xã hội không ổn định, Nhà nước không đủ khả năng kiểm soát mọi hoạt động của các nhà ĐTNN vì thế các hoạt động đầu tư sẽ không theo định hướng chiến lược phát triển KT-XH của nước tiếp nhận đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI.
+ Điều kiện tự nhiên của vùng kinh tế. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên của
vùng mà có thể tác động vào động cơ của nhà ĐTNN trong thu hút nguồn vốn FDI. Ở những địa phương thu hút FDI nếu có sẵn các lợi thế về vị trí địa lý, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thuận tiện, có hệ thống vận tải, cảng biển… sẽ là những lợi thế so sánh ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút nguồn vốn FDI.
+ Quy hoạch phát triển và cơ chế phát triển của các địa phương trong vùng.
Nếu quy hoạch và chính sách phát triển vùng kinh tế của chính phủ cùng hướng với động cơ của các nhà ĐTNN thì khả năng sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI hơn và ngược lại.
+ Công tác quản lý, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Hoạt động ĐTNN vào các nước thu hút đầu tư có liên quan rất nhiều đến các tổ chức, các cá nhân của nước tiếp nhận đầu tư, trong một khoảng thời gian dài. Vì vậy, các nhà ĐTNN rất cần có các cam kết về pháp lý của chính quyền địa phương để họ có thể yên tâm làm ăn lâu dài. Các nước tiếp nhận đầu tư cần có một hệ thống chính sách, quy định rõ ràng và minh bạch, tiếp cận với thông lệ quốc tế. Cần có những ưu đãi về chính sách tiền
tệ, chính sách thương mại, chính sách đất đai, chính sách thuế phù hợp và tùy vào từng lĩnh vực, ngành nghề đầu tư mà có các ưu đãi đặc biệt về thuế. Đồng thời, xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ sản xuất kinh doanh.
+ Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội của vùng. Kết cấu hạ tầng
kỹ thuật của nước tiếp nhận đầu tư là một trong những yếu tố cơ bản để thu hút nguồn vốn FDI và cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động FDI phát triển, các yếu tố này có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cảu DN và hiệu quả thu hút, quản lý đầu tư.
+ Chất lượng nguồn nhân lực (NNL) của vùng kinh tế nói chung. Trong đó bao gồm cả chất lượng lao động và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước. Khi thực hiện các dự án FDI nhu cầu đối với nhân lực ở nước sở tại là tất yếu. Để tối đa hóa lợi nhuận vốn, các nhà ĐTNN thường nhằm vào lợi thế của nước đầu tư với đầu vào của yếu tố rẻ hơn (so với nước đi đầu tư hoặc nước sở tại khác). Chi phí lao động thường được coi là yếu tố quan trọng, đặc biệt là trong lao động sản xuất.
Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, họ được coi là hạt nhân của hoạt động quản lý, có vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý về đầu tư. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý cần được đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu cho sự nghiệp phát triển đất nước.
+ Chất lượng dịch vụ công trong vùng kinh tế. Các hoạt động hỗ trợ cho đầu
tư và các dịch vụ tạo thuận lợi cho đầu tư bao gồm hỗ trợ trong việc nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư; hỗ trợ trong việc lập hồ sơ dự án và xin phép đầu tư; hỗ trợ trong quá trình triển khai dự án; hỗ trợ trong suốt quá trình hoạt động của dự án và hỗ trợ khi dự án làm thủ tục để chuẩn bị chấm dứt hoạt động… Với cơ chế một cửa, nhiều quốc gia đã hỗ trợ các nhà ĐTNN về mọi mặt trong suốt quá trình từ khi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư cho đến khi chấm dứt hoạt động đầu tư giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và chi phí.
+ Liên kết vùng. Hiện nay có rất nhiều kiểu liên kết vùng, bao gồm các hình
thức liên kết tự nhiên của quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là kiểu liên kết mang tính lan tỏa, dạng liên kết này diễn ra một cách tự nhiên, khách quan trong quá trình phát triển.