Cấu kiện bêtông và bêtông cốt thép thường chế tạo ở nhà máy hàng loạt với những thiết bị cơ giới hoá và tự động hoá cao thì nó phải thoả mãn yêu cầu cơ bản sau :
− Thoả mãn yêu cầu của nhà nước về thiết kế và thi công
− Cấu kiện sản xuất hàng loạt cần điển hình hoá tiêu chuẩn hoá cao để áp dụng rộng rãi.
− Phải hoàn thiện ở mức độ cao bề mặt các cấu kiện trong nhà máy.
− Các cấu kiện BTCT không được có vết nứt, gồ ghề đặc biệt là hở cốt thép.
2. Phân loại
− Theo dạng cốt thép : BTCT thường, BTCT ứng lực trước.
− Theo loại bêtông : BT nặng, BT nhẹ
− Theo cấu tạo : BTCTđặc, BTCT rỗng − Theo công dụng : 4 nhóm chính :
+ Nhóm cấu kiện dùng cho các công trình công cộng : các bloc panen tường.
+ Nhóm cấu kiện dùng cho công trình công nghiệp.
+ Nhóm cấu kiện dùng cho công trình thuỷ công.
+ Nhóm cấu kiện dùng cho công trình giao thông.
5.6.4. Quá trình chế tạo kết cấu bêtông cốt thép
Các công đoạn chính của quá trình sản xuất các cấu kiện BTCT bao gồm : chuẩn bị hỗn hợp bêtông, chế tạo cốt thép (khung, lưới, thanh), đặt cốt thép và khuôn, đúc cấu kiện (đổ, đầm chặt) và bảo dưỡng bêtông (thường dùng phương pháp gia công nhiệt ẩm).
Cốt thép được chế tạo từ các loại thép khác nhau.
Tạo hình bêtông cốt thép có thể thực hiện bằng hai phương pháp : phương pháp khuôn di động và cố định.
− Phương pháp khuôn di động : tất cả các khâu (làm sạch và bôi dầu khuôn, đặt cốt thép, tạo hình và dưỡng hộ sản phẩm, tháo khuôn) đều được thực hiện tại các bệ riêng có bố trí những thiết bị theo một dây chuyền liên tục. Ván khuôn cùng với sản phẩm được di chuyển tuần tự từ bệ này sang bệ khác. Phương pháp khuôn di động lại có thể được chia làm hai loại : phương pháp di động theo nhóm máy và phương pháp di động trên xe.
+ Phương pháp di động theo nhóm máy : khuôn cùng sản phẩm được cần cẩu nhắc từ bệ này sang bệ khác với khoảng thời gian có thể là vài phút (ví dụ : bôi dầu khuôn) đến vài giờ (dưỡng hộ sản phẩm trong buồng chưng hơi), tuỳ thuộc vào yêu cầu của công việc tại vị trí đó. Phương pháp này thích hợp với nhà máy có công suất trung bình và đặc biệt là khi chế tạo nhiều loại sản phẩm.
+ Phương pháp di động trên xe dùng trong các nhà máy công suất lớn và chỉ sản xuất một loại sản phẩm. Khuôn cùng với sản phẩm được chuyển từ bệ này sang bệ khác trong khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành công đoạn lâu dài nhất.
− Phương pháp khuôn cố định (bệ) : sản phẩm được chế tạo tại các khuôn đặt tại chỗ. Sản phẩm nằm tại một chỗ cho đến khi bảo dưỡng, còn thiết bị dùng để hoàn thành từng công đoạn thì chuyển từ khuôn này sang khuôn khác. phương pháp khuôn cố định dùng để chế tạo các cấu kiện có kích thước lớn như giàn, dầm v.v… cho xây dựng nhà công nghệ, cầu và các công trình thuỷ lợi.