Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh savannakhet, lào (Trang 39 - 41)

Thứ nhất, chủ đầu tư FDI là chủ sở hữu, là một bộ phận của hình thức chu chuyển vốn quốc tế trong đó chủ đầu tư có quốc tịch nước ngoài, tiến hành đầu tư tại một nước khác vì vậy nhà đầu tư nước ngoài phải chấp hành luật pháp của nước tiếp nhận đầu tư. Chủ sở hữu vốn đầu tư trực tiếp tham gia quản lý, điều hành quá trình sử dụng vốn, có nghĩa vụ và quyền lợi từ hoạt động sản xuất kinh doanh tương ứng với phần vốn góp đó. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dưới hình thức 100% vốn thì có toàn quyền quyết định, nếu góp vốn thì quyền này phụ thuộc vào mức độ góp vốn. Thu nhập từ hoạt động đầu tư này phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ lãi được chia theo tỷ lệ góp vốn của các bên, nếu bị lỗ thì trách nhiệm của các bên cũng tương ứng với phần góp vốn đó.

Thứ hai, FDI không chỉ bao gồm vốn đầu tư ban đầu của chủ đầu tư nước ngoài dưới hình thức vốn điều lệ hoặc vốn pháp định mà nó còn bao gồm cả vốn vay của các nhà đầu tư để triển khai và mở rộng dự án cũng như vốn đầu tư được trích lại từ lợi nhuận sau thuế từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nước sở tại phải có chính sách về tài chính phù hợp tránh trường hợp một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng chỉ đưa một lượng vốn nhỏ vào còn sau đó tiến hành vay vốn tại nước sở tại

để thực hiện đầu tư, mở rộng kinh doanh làm ảnh hưởng đến mục đích thu hút đầu tư nước ngoài của nước sở tại.

Thứ ba, FDI là vốn đầu tư phát triển dài hạn, trực tiếp từ bên nước ngoài vì vậy đối với nước tiếp nhận đầu tư thì đây chính là nguồn vốn dài hạn bổ sung hết sức cần thiết trong nền kinh tế. Vốn FDI là dòng vốn quốc tế gắn liền với việc xây dựng các công trình, nhà máy, chi nhánh sản xuất vì thế thời gian đầu tư dài, lượng vốn đầu tư lớn, có tính ổn định cao tại nước nhận đầu tư. Khác với đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI), là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư đến các nước khác nhưng không nắm quyền quản lý, điều hành thông qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu… Đặc điểm của đầu tư nước ngoài gián tiếp là có thời gian hoạt động ngắn, biến động bất thường hơn vì đây là hình thức mà nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Do tính chất trực tiếp của hình thức đầu tư này nên FDI ít chịu sự chi phối, ràng buộc của chính phủ so với các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài khác, lĩnh vực mà FDI thường hướng tới là những lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, FDI là hình thức đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài, họ mang vốn đến nước khác để đầu tư. Vì vậy, khác với các nguồn vốn vay, vốn FDI tại nước sở tại không phải hoàn trả nợ và cũng không tạo gánh nặng nợ quốc gia, đây là một ưu điểm so với các hình thức đầu tư nước ngoài khác. Việc mang vốn từ bên ngoài vào đầu tư tại nước sở tại sẽ tạo thêm nhiều vốn cho đầu tư, nhất là những nước đang phát triển và vốn này không phải là khoản nợ của quốc gia, sẽ đảm bảo an ninh tài chính cho quốc gia tiếp nhận vốn tốt hơn nhiều so với các khoản vốn vay quốc gia khác. Để được gọi là doanh nghiệp FDI thì phía nhà đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỷ lệ nhất định, tùy theo quy định của từng nước và được thay đổi thay đổi theo thời gian.

Thứ năm, FDI là hình thức xuất khẩu tư bản nhằm thu lợi nhuận cao và các nhà đầu tư nước ngoài quyết định về quy mô và sử dụng vốn FDI. Do các nhà đầu tư nước ngoài luôn hướng tới mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao nên có thể gây ra nhiều thiệt thòi, tổn thất ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và mục tiêu thu hút vốn của nước nhận đầu tư.

Thứ sáu, FDI có tính hai chiều. Tức là một nước có thể vừa nhận đầu tư vừa thực hiện đầu tư ra nước ngoài nhằm tận dụng lợi thế so sánh giữa các nước, do vậy bao gồm cả vốn di chuyển vào một nước và dòng vốn di chuyển ra khỏi nền kinh tế của nước đó.

Thứ bảy, FDI không đơn thuần chỉ là vốn mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lí tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, thị trường mới…cho nước tiếp nhận đầu tư. So với hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hình thức đầu tư mà nhà đầu tư không dễ dàng rút vốn ra khỏi nước tiếp nhận đầu tư.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) hiệu ứng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại tỉnh savannakhet, lào (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)