Khái niệm và nội dung của FTA

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh kinh tế Á – Âu. (Trang 39 - 42)

1.2.1.1. Khái niệm FTA

Cho tới nay đã có rất nhiều các tổ chức và quốc gia khác nhau đưa ra các khái niệm về FTA khác nhau. Điều này thể hiện những quan điểm khác nhau về FTA cũng như sự phát triển đa dạng của các quốc gia. Trong số các khái niệm về FTA đã được đưa ra thì đa số các nước và các tổ chức trên thế giới chấp thuận một số khái niệm sau:

Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) tại điều XXIV điểm 8b ghi rõ: “Một khu vực mậu dịch tự do được hiểu là một nhóm gồm hai hoặc nhiều các lãnh thổ thuế quan. Trong đó, thuế và các quy định mang tính hạn chế về thương mại (ngoại trừ, trong chừng mực cần thiết, các hạn chế được phép theo quy định của các Điều XI, XII, XIII, XIV, XV và XX) sẽ bị dỡ bỏ đối với phần lớn các sản phẩm có xuất xứ từ các lãnh thổ đó và được trao đổi thương mại giữa các lãnh thổ lập thành khu vực mậu dịch tự do”.

Theo trang web chính thức của Chính phủ Nhật Bản về FTA: “FTA là những hiệp định chung có mục tiêu dỡ bỏ thuế quan, thực hiện tự do hoá thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nước và khu vực xác định. FTA là một trường hợp ngoại lệ của Hiệp định WTO và Quy chế Tối huệ quốc”.

Theo trang web chính thức của Chính phủ Singapore về FTA: “FTA là một thỏa thuận pháp lý ràng buộc giữa hai hoặc nhiều quốc gia để giảm hoặc loại bỏ các rào cản thương mại và tạo thuận lợi cho sự chuyển dịch hàng hóa và dịch vụ qua biên giới giữa các vùng lãnh thổ của các Bên”.

Theo trang web chính thức của Chính phủ Hoa kỳ về FTA: “FTA là sự đàm phán giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm cắt giảm tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại giữa các thị trường của các nước thành viên. Mỗi nước vẫn có thể áp dụng các rào cản thuế và rào cản thương mại khác đối với các quốc gia không tham gia ký kết hiệp định”.

Tóm lại, có thể định nghĩa FTA là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ) nhằm mục đích tự do hóa thương mại về một hoặc một số nhóm

mặt hàng nào đó bằng việc cắt giảm thuế quan, tạo lập các quy định tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và di chuyển vốn giữa các quốc gia thành viên. Đối với FTA thì mỗi nước vẫn có thể áp dụng các rào cản thuế và rào cản thương mại khác đối với các quốc gia không tham gia ký kết hiệp định. Ngày nay, FTA không chỉ giới hạn trong việc thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả xúc tiến và tự do hoá đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường.

Nếu dựa trên quy mô, số lượng các thành viên tham gia, FTA được chia thành FTA song phương, FTA khu vực và FTA hỗn hợp.

FTA song phương là loại FTA chỉ có hai nước tham gia ký kết, và hiệp định này cũng chỉ có giá trị ràng buộc đối với hai quốc gia này mà thôi. FTA song phương do đặc điểm chỉ gồm 2 thành viên nên quá trình đàm phán và việc đạt được thỏa thuận cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn so với các FTA khu vực hay FTA hỗn hợp. Trong làn sóng ký kết FTA toàn cầu hiện nay, FTA song phương là loại FTA được ký kết nhiều nhất, phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng cam kết.

FTA khu vực là hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của từ ba nước thành viên trở lên, thông thường các nước này có vị trí địa lý gần nhau. Những nước này tham gia FTA khu vực thường với mục đích tận dụng ưu thế về vị trí địa lý để tăng cường trao đổi thương mại, cũng như thắt chặt mối quan hệ láng giềng cũng như nâng cao vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Một số FTA khu vực điển hình nhất đó là Liên minh châu Âu (EC), Khu vực Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

FTA hỗn hợp là FTA được ký kết giữa một khu vực tự do thương mại (FTA khu vực) với một nước, một số nước hoặc một khu vực tự do thương mại khác. Bất chấp sự phức tạp trong việc đàm phán, hiện nay loại FTA này cũng đang phát triển và tăng lên nhanh chóng về mặt số lượng. Một số FTA hỗn hợp điển hình như: FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA EC - Mexico, FTA EC - Israel…

Có thể coi FTA hỗn hợp là một dạng FTA song phương đặc biệt vì đây là thỏa thuận tự do thương mại giữa một bên là một quốc gia và một bên là một khu vực mậu

dịch tự do (hoặc một liên minh thuế quan). Tuy nhiên, rõ ràng là để đạt được một FTA hỗn hợp sẽ khó khăn phức tạp hơn nhiều so với một FTA song phương, nhất là về khía cạnh đàm phán và hệ quả.

1.2.1.2. Nội dung của FTA

Tự do hóa thương mại hàng hóa: Trong các FTA, một nội dung không thể thiếu đó là cam kết dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế đối với hàng hóa. Các bên cam kết dần dần xóa bỏ thuế quan, áp dụng mức thuế suất 0% đối với hầu hết các mặt hàng và thường quy định cụ thể các danh mục như: danh mục hàng hóa bỏ thuế ngay, danh mục hàng hóa cắt giảm thuế dần dần với lộ trình cắt giảm thuế, danh mục hàng nhạy cảm, danh mục loại trừ không đưa vào cắt giảm. Hiện nay ngày càng có ít mặt hàng nằm trong danh sách loại trừ hơn, các mặt hàng trong danh sách loại trừ thường là nhóm hàng nông phẩm, những hàng hóa liên quan đến an ninh, văn hóa, phong tục tập quán của quốc gia. Còn lại hầu hết các mặt hàng thông thường đều nằm trong danh mục cắt giảm thuế.

Bên cạnh đưa ra các danh mục cắt giảm thuế cụ thể, FTA còn đưa ra lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cam kết trên của các nước thành viên. Lộ trình này được đàm phán dựa trên tiềm lực, khả năng tự do hóa của mỗi quốc gia và thậm chí là tính chất riêng của một số mặt hàng. Trong các FTA ngày nay, các cam kết không chỉ dừng lại ở việc quy định dỡ bỏ các hàng rào thuế mà còn quy định cả về các biện pháp hạn chế định lượng và các rào cản kỹ thuật thương mại khác.

Một FTA thường bao gồm quy chế về xuất xứ hàng hóa. Nội dung của quy chế này là quy định một hàm lượng nội địa nhất định. Hàng hóa nhập khẩu vào nước đối tác phải đáp ứng được tỷ lệ nội địa đó mới được hưởng những ưu đãi về thuế hơn so với hàng hóa từ nước thứ ba. Ngoài ra, FTA còn có thể có những quy định về mặt thủ tục hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, hài hòa với những tiêu chuẩn quốc tế và từ đó tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa. FTA còn có thể đưa ra điều khoản về thương mại không qua giấy tờ với mục đích khuyến khích phát triển thương mại điện tử giữa các bên.

Tự do hóa thương mại dịch vụ: FTA ngày nay thường bao gồm cả nội dung tự do hóa thương mại dịch vụ, có nghĩa là các nước tham gia hiệp định cam kết mở cửa

thị trường dịch vụ cho nhau, tuy nhiên phạm vi và mức độ mở cửa lớn hay nhỏ trong các FTA còn tùy thuộc vào quốc gia tham gia ký kết. Các nước đang phát triển ký kết với nhau thì mức độ tự do hóa trong thương mại dịch vụ thường không cao bằng trong thương mại hàng hóa. Nhưng nếu FTA có sự tham gia của Mỹ hay một số nước phát triển khác thì thường đòi hỏi mức độ tự do hóa dịch vụ rất cao, thậm chí là đòi hỏi mở cửa tuyệt đối.

Tự do hóa đầu tư: Các cam kết hướng tới tự do hóa đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều trong các FTA, đặc biệt là các FTA có sự tham gia của các nước phát triển. Nội dung của các cam kết này thường là quy định dỡ bỏ các rào cản đối với nhà đầu tư của nước đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ký kết đầu tư, ví dụ: bảo vệ các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư, áp dụng quy chế đối xử quốc gia đối với các chủ đầu tư và hoạt động đầu tư, cấm các biện pháp cản trở đầu tư, đảm bảo bồi thường thỏa đáng trong trường hợp quốc hữu hóa, đảm bảo tự do lưu chuyển thanh khoản.

Điều khoản về sở hữu trí tuệ cũng được đưa vào trong nhiều “FTA thế hệ mới”. Các bên thường cam kết tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu trí tuệ của họ một cách rộng rãi đối với công chúng và thuận lợi hóa quy trình cấp bằng sáng chế. Một số lĩnh vực hay được nhắc đến như: vấn đề tiếp cận thị trường dược phẩm, các sản phẩm sinh học, bí mật, bản quyền về việc tiếp cận thông tin, phát thanh truyền hình.

Ngoài ra, Mỹ hay một số nước phát triển khác còn đưa vào trong các FTA của mình các vấn đề như mua sắm chính phủ, cạnh tranh, môi trường và lao động. Đây là những FTA có phạm vi và mức độ cam kết tự do hóa rất sâu rộng và đòi hỏi mở cửa rất lớn thị trường nên các nước đang phát triển muốn tham gia các FTA này thường gặp khá nhiều khó khăn, bất lợi và thường phải chịu thiệt thòi.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Liên minh kinh tế Á – Âu. (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)