1.1.2.1. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá
Kim ngạch xuất khẩu được hiểu là tổng giá trị mà hàng hóa được xuất đi hay lượng tiền mà thu về được của nước xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu thường được tính trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là theo tháng, quý hay theo năm và được quy đổi đồng bộ ra một loại tổ chức tiền tệ nhất định (Hanan Khazragui, 2011). Kim ngạch xuất khẩu được xác định bằng công thức sau:
Kim ngạch xuất khẩu = Giá xuất khẩu sản phẩm x Số lượng sản phẩm xuất khẩu trong một giai đoạn, thời kỳ nhất định.
Chỉ tiêu này có ưu điểm là phản ánh được toàn bộ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, có thể dùng để so sánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giữa các kì kinh doanh với nhau. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là phụ thuộc vào yếu tố giá cả và thị trường là yếu tố quyết định giá trị hàng hoá xuất khẩu.
Trong quá trình đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa của một quốc gia sang một quốc gia khác, ngoài việc đánh giá thông qua sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bằng con số cụ thể còn có thể đánh giá thông qua chỉ số tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu. Việc so sánh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu giữa các quốc gia xuất khẩu vào cùng một quốc gia thị trường mục tiêu có thể cho thấy thị phần của hàng hóa xuất khẩu của quốc gia đó tại quốc gia thị trường mục tiêu.
1.1.2.2. Thị phần sản phẩm xuất khẩu hàng hoá
Thị phần sản phẩm xuất khẩu được đo bằng tỷ lệ phần trăm giữa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của một nước xuất khẩu với tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của thị trường nước nhập khẩu.
Thị phần sản phẩm xuất khẩu được xác định bằng công thức sau: Nx=( Mx/M)x100%.
Trong đó, Nx là thị phần sản phẩm X xuất khẩu; Mx là kim ngạch xuất khẩu sản phẩm X vào thị trường nhập khẩu mục tiêu; M là tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm X của thị trường nhập khẩu mục tiêu.
Chỉ tiêu này sẽ cho biết sản phẩm nào có thị phần xuất khẩu càng lớn thì càng có khả năng xuất khẩu cao. Ngược lại, một sản phẩm có thị phần nhỏ hay giảm sút trên thị trường thì sản phẩm đó có khả năng xuất khẩu yếu, khả năng ảnh hưởng của sản phẩm đối với thị trường nước nhập khẩu là thấp.
1.1.2.3. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
Cơ cấu xuất khẩu là tổng thể các bộ phận giá trị hàng hoá xuất khẩu hợp thành tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia cùng với những mối quan hệ ổn định và phát triển giữa các bộ phận hợp thành đó trong một điều kiện kinh tế - xã hội cho trước tương ứng với một thời kỳ xác định (Leonidou, 2011). Nền kinh tế như thế nào thì cơ cấu xuất khẩu như thế và ngược lại, một cơ cấu xuất khẩu phản ánh trình độ phát triển kinh tế tương ứng của một quốc gia. Cơ cấu xuất khẩu bao giờ cũng thể hiện qua hai thông số: số lượng và chất lượng. Số lượng thể hiện thông qua tỷ trọng của từng bộ phận trong tổng thể và là hình thức biểu hiện bên ngoài của một cơ cấu xuất khẩu. Còn chất lượng phản ánh nội dung bên trong, không chỉ của tổng thể kim
ngạch xuất khẩu mà còn của cả nền kinh tế (Zornitsa, 2015). Do những đặc trưng như vậy nên cơ cấu xuất khẩu là một đối tượng của công tác kế hoạch hoá phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những tiêu thức quan trọng để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia.