Xuất giải pháp đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Một phần của tài liệu 1. FTU-Tran Huy Duc-KTQT-Luan an tien si (Trang 122 - 126)

3.2.2.1. Các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Liên bang Nga

Thứ nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên bang Nga cần xây dựng kế hoạch tiếp cận thị trường cụ thể, nâng cao chất lượng của các hoạt động thu thập thông tin thị trường. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về tiếp cận thị trường, thu thập và xử lý thông tin về tình hình cung cầu của các mặt hàng xuất khẩu khác nhau ở thị trường trong và ngoài nước, thông tin về các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp, thông tin về giá cả, thông tin về chính sách của nhà nước và của nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu. Khi có đầy đủ thông tin thì các quyết định kinh doanh nói chung và xuất khẩu nói riêng của doanh nghiệp sẽ chính xác hơn, đồng thời là cơ sở để doanh nghiệp có thể nghiên cứu và áp dụng marketing mix phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

Một trong những khó khăn từ phía doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên bang Nga là khả năng hiểu biết thị trường Liên bang Nga còn hạn chế. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, đặc biệt là một số vấn đề cơ bản như: hệ thống chính trị, luật pháp, luật thương mại; có như vậy chúng ta mới nắm vững những đặc điểm khác biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Một nội dung khác mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thời gian và kinh phí để tìm hiểu sâu hơn, đó là nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Nga, làm cơ sở để có được nhận định, đánh giá có tính chính xác hơn về triển vọng và định hướng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Các doanh nghiệp cần phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu, tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại. Bí quyết bảo đảm sức mạnh kinh doanh của doanh nghiệp trước hết là thông tin. Thông tin chính là tiền đề cho sự phát triển, cho khả năng chi phối thị trường và cho thành công của doanh nghiệp. Cả thị trường trong nước và thị trường thế giới đều tác động trực tiếp đến hoạt động của mỗi doanh nghiệp.

Có thể thấy, ngoài vấn đề về thuế quan và hàng rào phi thuế quan, việc thiếu thông tin và tâm lý e ngại, thiếu chủ động là một trong những nguyên nhân khiến

quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga chưa xứng với tiềm năng thực sự của cả hai bên. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung ổn định tại thị trường Liên bang Nga. Việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại thị trường này cũng còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam có văn phòng đại diện tại Nga chưa nhiều sẽ dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc theo dõi, nắm vững những biến đổi nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp.

Nhìn chung các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm, chiến lược thâm nhập thị trường và các chiến lược marketing khác một cách hiệu quả, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo vị thế vững chắc trên thị trường Liên bang Nga.

Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Liên bang Nga cần tận dụng triệt để hơn nữa các ưu đãi mà FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu mang lại.

Để tận dụng những cơ hội trong bối cảnh FTA Việt Nam –Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực, bên cạnh việc nắm bắt cơ hội và hoạt động từ phía chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động đi vào thị trường Liên bang Nga, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng. Ngoài ra, khi nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần lưu ý phân biệt sở thích tiêu dùng ở các vùng miền khác nhau của mỗi quốc gia để định vị sản phẩm xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng trưởng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm và tìm kiếm đối tác nhập khẩu để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga. Tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua Tham tán thương mại, Hiệp hội thương mại, các nhà bán buôn…, chú trọng ứng dụng thương mại điện tử trong tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại như sử dụng website tiếng bản địa để quảng bá sản phẩm, mua bán qua mạng để tận dụng cơ hội giới thiệu sản phẩm, tiết kiệm chi phí giao dịch.

3.2.2.2. Các giải pháp nâng cao thị phần hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Liên bang Nga

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa của mình để tránh những tác động không mong muốn từ việc các nguồn cung hàng hóa nhập khẩu vào Liên bang Nga sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Mặc dù Liên bang Nga là thị trường không quá khó tính như thị trường Mỹ, EU hay Nhật Bản nhưng đối thủ cạnh tranh thì rất nhiều và mạnh, nếu chủ quan không nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa thì việc bị đẩy ra khỏi thị trường là rất dễ hiểu. Ngoài chất lượng hàng hóa còn có rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng tới sức cạnh tranh đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam như mẫu mã, kiểu dáng, giá cả … Vì thế, các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thị trường tiêu thụ này, không ngừng cải tiến và nâng cao cạnh tranh cho hàng hóa của mình.

Trước hết, về giá cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga, từ khi FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực, giá cả hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này sẽ giảm tương đối nhiều do thuế nhập khẩu được cắt giảm khá mạnh. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển lớn đẩy giá hàng hóa lên cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp với các dịch vụ vận tải, tìm cách giảm thiểu chi phí trung gian và thời gian vận chuyển hàng hóa. Phương tiện vận chuyển hàng hóa cần được tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay, hàng hóa chủ yếu được chuyên chở bằng container khá thuận tiện nhưng chi phí tương đối cao, để giảm chi phí, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc áp dụng vận tải đa phương thức, liên kết thành lập công ty vận tải biển chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn sang Liên bang Nga cũng như vận chuyển hàng hóa theo chiều ngược lại, tạo điều kiện đẩy mạnh thương mại hai chiều.

Tiếp đó, về bao bì đóng gói, các doanh nghiệp lớn phân phối sản phẩm ở Liên bang Nga chỉ yêu cầu các sản phẩm có đóng gói rất đơn giản, nhưng phải cung cấp đúng, đủ và kịp thời. Tuy nhiên, để đảm bảo tính cạnh tranh, các doanh nghiệp khi tiến hành đóng gói sản phẩm, bao bì nên có màu sắc bắt mắt và tiện dụng (trên đó phải có phần hướng dẫn bằng tiếng địa phương, thể hiện những thông tin rõ ràng, cụ

thể về giá trị dinh dưỡng, lợi ích của sản phẩm). Đặc biệt, các doanh nghiệp nên chú ý vấn đề nhãn hiệu, bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình khi vào thị trường này để tránh những thiệt hại đáng tiếc nếu bị mất thương hiệu.

Sau cùng, doanh nghiệp cần triển khai áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các sản phẩm xuất khẩu: đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đối với hàng hóa xuất khẩu. Xây dựng năng lực của tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu. Doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, năng lực xử lý và tác nghiệp các tình huống kinh doanh. 3.2.2.3. Các giải pháp chuyển dịch cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị

trường Liên bang Nga

Đầu tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục tập trung đầu tư vào các ngành hàng, mặt hàng có lợi thế cạnh tranh và được hưởng nhiều ưu đãi từ FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu. Các ngành hàng có nhiều lợi thế ưu đãi, đặc biệt là các lợi thế sẵn có về tài nguyên, chi phí lao động, hàm lượng lao động như nông sản, dệt may, giày dép. Việc tiếp tục tập trung vào các ngành hàng này một mặt sẽ giữ vững đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu nhưng bên cạnh đó cũng là giai đoạn tích lũy vốn để chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu trong các giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, phát triển và tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào toàn bộ quá trình sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Các chính sách thúc đẩy đầu tư và ứng dụng công nghệ cần nhắm vào hai mục tiêu: Một là cải thiện năng lực công nghệ từ phía cung, có thể do bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư cải tiến, hoặc tiếp nhận từ các cơ sở chuyên nghiên cứu và phát triển, hoặc nhận chuyển giao công nghệ; và hai là nâng cao khả năng hấp thụ của các doanh nghiệp xuất khẩu ứng dụng công nghệ.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu: Thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung tạo ra giá trị gia tăng và sự khác biệt cho sản phẩm, tránh việc sản xuất đại trà các mặt hàng có giá trị thấp; chủ động tận dụng các chính sách ưu đãi, lợi thế cạnh tranh do FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu mang lại, đồng thời phải có chiến lược tiếp cận các tập đoàn xuyên quốc gia, tập đoàn đa quốc gia để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đó.

Một phần của tài liệu 1. FTU-Tran Huy Duc-KTQT-Luan an tien si (Trang 122 - 126)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w