I. Thực trạng phát triển của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam từ năm
3. Về sản phẩm của ngành
3.1. Chủng loại sản phẩm
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong thời gian qua các doanh nghiệp trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát không ngừng cố gắng đưa ra các sản phẩm mới, có thể nói sản phẩm của ngành khá phong phú về chủng loại và mẫu mã.
Sản phẩm bia có các loại bia lon, bia chai, bia hơi, bia tươi. Bên cạnh các nhãn hiệu bia của Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn
(SABECO) và Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (HABECO) như Sài Gòn, 333, SaiGon Special, SaiGon Export, Hà Nội…còn có các nhãn hiệu bia địa phương như Huda, Festival, Việt Hà, Nada, Bến Thành…
Về rượu có các loại vodka, rượu vang, rượu champagne, rượu Liquor…; Rượu do các doanh nghiệp trong nước sản xuất được người tiêu dùng biết đến với các nhãn hiệu Lúa mới, Nếp mới, Vodka, Nàng Hương, Bình Tây, Napoleon, John Sài Gòn, Vina Vodka, vang Thăng Long, vang Đà Lạt…
Một số làng nghề có truyền thống nấu rượu độc đáo, lâu đời và những lợi thế về điều kiện khí hậu, nguồn nước, bánh men đã sản xuất ra các sản phẩm đặc sản có hương vị riêng đặc trưng cho từng địa phương như rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn), rượu San Lùng (Lào Cai), rượu Làng Vân (Bắc Giang), rượu Bầu Đá (Bình Định)…
Nước giải khát cũng rất phong phú về chủng loại, có loại có gaz, loại không gaz, nước hương liệu pha chế, nước ép trái cây, nước tinh lọc, nước khoáng với hàng trăm nhãn mác, kiểu dáng khác nhau. Có thể liệt kê một số sản phẩm như sau: Nước ngọt có gaz có Coca-Cola, Pepsi, 7-up, Everest, Sting, Twister do Công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam và PepsiCo Việt Nam sản xuất. Các doanh nghiệp trong nước có các sản phẩm Cola Number One, Cream Soda Number One (của Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát), sá xị, soda (Công ty CP NGK Chương Dương)…
Nước ngọt không có gaz cũng có nhiều loại. Công ty Cổ Phần Nước giải khát Sài Gòn Tribeco có trên 30 loại sản phẩm nước giải khát không gaz thuộc dòng nước uống bổ dưỡng giàu vitamin, với các nhãn hiệu như Tribeco sữa đậu nành, TriO (các loại nước ép trái cây), Somilk (sữa đậu nành bổ sung canxi), Tromilk, trà bí đao, nước yến ngân nhĩ, nước nha đam…
Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát sản xuất sữa đậu nành Number One, trà bí đao O0, trà xanh O0, trà Barley O 0…
Sản phẩm nước giải khát của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế (Interfood) đa dạng, phong phú với trà bí đao, nước yến ngân nhĩ, nước trái cây đóng lon (nước nha đam, mãng cầu, vải, sữa dừa), cà phê đóng lon, nước sâm cao ly, nước sương sâm, nước sương sáo…
Công ty TP & NGK Dona NEWTOWER sản xuất các loại sản phẩm mang nhãn hiệu Nature@. Nature@ được mọi người biết đến như một sản phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Nước tinh lọc và nước khoáng được người tiêu dùng biết đến với các nhãn hiệu như Lavie, Joy, Aquafina, A&B, Number One, Đakai, Vital, Vĩnh Hảo, Tiền Hải, Thạch Bích, Đảnh Thạnh, Kim Bôi, Suối Mơ…
Khá đa dạng về chủng loại, cơ cấu sản phẩm của ngành trong thời gian qua cũng có nhiều thay đổi và phần nào phản ánh được nhu cầu của thị trường.
Bảng 2.7. Cơ cấu và chyển dịch cơ cấu sản phẩm
Đơn vị tính: %
Sản phẩm 2000 2005 2006 2007
1. Sản lượng bia 100,00 100,00 100,00 100,00
- Bia chai 56,43 56,50 55,60 55,11
- Bia hơi 33,27 28,27 28,95 27,81 2. Sản lượng rượu 100,00 100,00 100,00 100,00 - Rượu trắng có độ cồn từ 25o trở lên 3,76 5,93 11,58 11,90 - Rượu mầu có độ cồn từ 25o trở lên 2,85 0,96 1,60 1,40
- Rượu champagne các loại 0,24 0,13 0,17 0,16
- Rượu vang từ hoa quả tươi 5,08 3,91 4,22 4,3
- Rượu dân tự nấu 88,07 89,07 82,43 82,25
3. Sản lượng nước giải khát 100,00 100,00 100,00 100,00
- Nước uống có gaz 42,30 29,53 22,33 20,46
- Các loại đồ uống không gaz 27,12 9,02 7,47 5,93
- Nước quả các loại 0,75 5,52 4,75 5,20
- Nước tinh lọc 4,08 31,45 46,97 49,82
- Nước khoáng 25,76 24,49 18,47 18,59
Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu, IPSI, 2008
Trong cơ cấu sản phẩm bia, bia chai chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 55%) còn bia lon chiếm tỷ trọng thấp nhất ở tất cả các năm. Dường như có sự chuyển dịch cơ cấu giữa sản phẩm bia lon và bia hơi. Tỷ trọng bia lon đang có xu hướng tăng lên trong khi bia hơi lại có xu hướng giảm dần.
Về sản phẩm rượu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại rượu là rượu dân tự nấu, tỷ trọng của loại rượu này luôn ở mức cao trên 82%. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2007, tỷ trọng rượu dân tự nấu đang có xu hướng giảm nhưng còn chậm. Đến năm 2007, rượu tự nấu vẫn còn chiếm tới 82,25% trong các sản phẩm của ngành rượu. Bên cạnh đó, rượu vang từ hoa quả tươi có điều kiện để phát triển nhưng lại có xu hướng giảm trong giai đoạn 2000-2005 (năm 2000 chiếm 5,08%, đến năm 2005 còn 3,91%) và tăng chậm trong giai đoạn 2005-2007.
Về cơ cấu nước giải khát, tỷ trọng nước uống có gaz và các loại nước không gaz pha chế từ hương liệu giảm nhanh, trong đó, nước uống có gaz giảm
từ 42,30% năm 2000 xuống còn 20,46% năm 2007; nước hương liệu tương ứng giảm từ 27,12% xuống còn 5,93%. Trong khi đó tỷ trọng nước tinh lọc lại tăng mạnh, năm 2000 mới chỉ chiếm hơn 4% nhưng đến năm 2007 đã lên tới gần 50%. Về nước khoáng và nước quả các loại mặc dù có nhu cầu tăng lên nhưng trong thời gian qua, tỷ trọng nước khoáng lại đang giảm xuống còn nước hoa quả lại đang chiếm tỷ trọng quá nhỏ: năm 2000 là 0,75%, đến năm 2007 vẫn chỉ mới chiếm 5,2% (nhỏ nhất trong các loại nước giải khát), trong khi đây được xem là xu hướng tiêu dùng chính về nước giải khát trong thời gian tới.