4.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Đại Sơn là xã thuộc loại xã biên giới nằm ở phía Đông Bắc của huyện Phục Hòa. Cách trung tâm huyện 10 km, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng 76 km về phía Tây Bắc; địa giới hành chính xã được xác định có các phía tiếp giáp như sau:
- Phía Đông giáp với Trung Quốc
- Phía Tây giáp với Thị trấn Hòa Thuận và xã Lương Thiện. - Phía Nam giáp với Thị trấn Tà Lùng và Thị trấn Hòa Thuận. - Phía Bắc giáp với xã Cách Linh.
Xã Đại Sơn được chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng thấp và vùng cao. Vùng thấp có địa hình tương đối bằng phằng, có 1 con sông lớn chảy qua (Sông Bắc Vọng) có rất nhiều sông suối nhỏ và 1 kênh mương thủy lợi Hồng Đại rất thuận tiện cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản.
Vùng cao gồm khu vực núi cao thuận tiện cho trồng rừng.
4.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Đại Sơn là xã có địa hình phổ biến là đồi, núi đá, xen kẽ giữa đồi núi là các thung lũng nhỏ hẹp, nên có độ cao thấp biến đổi đa dạng.
Với địa hình đặc trưng của vùng núi, Đại Sơn có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đa dạng nhất là phát triển chăn nuôi đại gia súc và kinh tế rừng.
4.1.1.3. Khí hậu, thủy văn - Khí hậu:
+ Khí hậu mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền núi Đông Bắc, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ cao nhất là 32 - 350; mùa đông lạnh, khô hanh, nhiệt độ thấp nhất từ 2 - 40;
+ Chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính: Gió mùa Đông - Bắc thổi vào mùa lạnh và gió Đông – Nam thổi vào mùa nóng;
+ Thời tiết được chia làm hai mùa rõ rệt. Mưa chủ yếu vào mùa hè, tập trung từ tháng 6 đến tháng 9 chiếm khoảng 80% lượng mưa trong năm. Về mùa đông không khí hanh khô; ít mưa, thậm trí không có mưa.
Điều kiện khí hậu vùng cao rất phù hợp trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như: Nhãn, Vải, Bưởi, mác mật…Vùng thấp phù hợp trồng các loại cây ăn quả như Cam, Quýt, Mít, Chanh…
-Thuỷ văn:
Sông suối của xã có tốc độ dòng chảy lớn, ít nước vào mùa khô, lòng sông nhiều thác ghềnh nên ít có giá trị giao thông vận tải. Hàng năm vào mùa mưa lượng nước dồn ở sông chính tạo nên dòng chảy lớn và xiết cuốn trôi một lượng phù sa đáng kể, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm sạt lở bờ sông. Vào mùa khô dòng chảy cạn kiệt mực nước lòng sông thấp.
Tuy nguồn nước khá dồi dào nhưng do điều kiện địa hình dốc, đất canh tác có địa thế khá cao so với mực nước sông, diện tích đất canh tác nhỏ, hẹp nên việc sử dụng nước sông phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện nay xã đang quản lý các hệ thống nhánh kênh mương thuỷ lợi được xây dựng kiên cố, còn lại mương đất là do nhân dân tự đào, đắp để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
4.1.1.4. Các nguồn tài nguyên - Tài nguyên đất:
Theo kết quả kiểm kê đất đai, tính đến thời điểm 31/12/2015, xã Đại Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.801,86 ha. Trong đó:
Tổng diện tích tự nhiên 3.801,86 ha. Trong đó đất nông nghiệp 3.569,06 ha, đất lâm nghiệp 2.400,39 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản 2,12 ha; đất phi nông nghiệp 232,80 ha, đất chưa sử dụng 15.85 ha.
- Tài nguyên rừng:
Theo thống kê , diện tích rừng của xã Đại Sơn là 2286,63 ha. Trong đó đất rừng sản xuất 205,01 ha, đất rừng phòng hộ 2081,62 ha.
Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng luôn được quan tâm, luôn bám nắm địa bàn, xây dựng triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm rừng. Các Tổ bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ở các xóm đã được thành lập, đã xây dựng được phương án phòng chống cháy rừng.