Trong nền kinh tế thị trường phát triển có sự canh tranh gay gắt giữa các ngân hàng với nhau, để đứng vững được trên thị trường, các ngân hàng phải không ngừng phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, và phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng là một trong những điều cần thực hiện.
trước hết cần phải làm rõ khái niệm phát triển. Theo từ điển Tiếng Việt, phát triển được hiểu là quá trình vận động, tiến triển theo hướng tăng lên, ví dụ như phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội,... Hay nói cách khác, phát triển là sự thay đổi về quy mô, đối tượng, phạm vi, phương thức theo hướng tích cực. Sự phát triển này không chỉ phát triển về số lượng mà còn phải gắn kết với cả chất lượng.
Phát triển cho vay tiêu dùng là một khái niệm khá trừu tượng, tuỳ theo mục đích nghiên cứu và tuỳ theo những quan điểm khác nhau mà có những khái niệm khác nhau về phát triển CVTD. Tiếp cận theo quy mô thì phát triển CVTD được thể hiện là doanh số cho vay cao, dư nợ cao, số lượng KH lớn và tăng lên trong từng thời kỳ. Theo cách tiếp cận về chất lượng thì phát triển cho vay tiêu dùng yêu cầu đáp ứng đầy đủ nhu cầu của KH, sản phẩm phải hài hòa, phù hợp, dư nợ quá hạn, nợ xấu thấp, lợi nhuận mang lại cao, KH hài lòng.
Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, phát triển cho vay tiêu dùng tạm hiểu là phát triển cả về số lượng và chất lượng của các khoản cho vay tiêu dùng.
- Phát triển cho vay tiêu dùng về số lượng: Mở rộng thị trường cho vay, tăng số lượng khách hàng vay, tăng quy mô từng khoản vay, tăng doanh số cho vay,…
- Phát triển cho vay tiêu dùng về chất lượng: Các khoản cho vay được khách hàng sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, thông qua đó các TCTD thu hồi được gốc và lãi, còn khách hàng có thể trả được nợ, bù đắp chi phí và thoả mãn nhu cầu.
Tóm lại, phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng được hiểu là sự gia tăng về quy mô và chất lượng hoạt động CVTD được thể hiện dưới hình thức là gia tăng dư nợ, gia tăng về thị phần, là sự hoàn thiện về quy trình cho vay, chính sách cho vay, hoạt động quản lý tín dụng của NH, đảm bảo không để phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu. (theo bài viết của TS Vũ Văn Thực tạp chí phát triển& hội nhập)