Promotion trong chiến lược 7P là xúc tiến- truyền thông, hay còn gọi là quảng bá, bao gồm các hoạt động giúp gia tăng doanh số bán hàng, làm cho khách hàng nhận diện thương hiệu một cách nhanh chóng nhất để dẫn đến hành động.
Hoạt động marketing dịch vụ ngân hàng là những hoạt động của ngân hàng nhằm mục đích chính thay đổi lượng cầu bằng các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị hiếu và tâm lý của khách hàng. Mục đích chính của chính sách xúc tiến- truyền thông là tạo dựng hình ảnh và những nhận thức tốt của khách hàng với ngân hàng. Xúc tiến- truyền thông là một công cụ quan trọng của marketing, được sử dụng để tác động trực tiếp vào thị trường. Nó tập hợp các hoạt động nhằm khuyến khích việc sử dụng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, đồng thời làm tăng mức độ trung thành của khách hàng hiện tại, thu hút khách hàng tương lai, tạo điều kiện cho khách hàng tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ, qua đó nhằm gia tăng uy tín, độ tin cậy của hình ảnh ngân hàng trên thị trường; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Vai trò của chính sách xúc tiến- truyền thông có ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và định hướng phát triển của ngân hàng.
Trong marketing dịch vụ ngân hàng, người làm marketing thường kết hợp 5 yếu tố xúc tiến, bao gồm: Quảng cáo, Quan hệ công chúng, Marketing trực tiếp, Chương trình khuyến mại và Bán hàng cá nhân để triển khai chính sách xúc tiến- truyền thông của mình nhằm chiêu thị khách hàng:
Quảng cáo (Advertising): Quảng cáo chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi độ bao phủ của nó rộng rãi, đồng thời thị trường mục tiêu cũng phải chú ý tới chiến dịch này. Ngân hàng cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm dịch vụ định vị thị trường theo cách thuyết phục nhằm tác động tới hành vi và thói quen của khách hàng. Hình thức
quảng cáo rất đa dạng như báo chí, truyền hình, truyền thanh, băng rôn, áp phích, mạng internet, hoạt động tài trợ, hoạt động xã hội, … để tạo dựng hiệu ứng lan truyền cao nhất.
Quan hệ công chúng (Public relations): Đối với quan hệ công chúng, các ngân hàng chia sẻ thông điệp thông qua các kênh hiện có- thường là báo chí- bằng cách chia sẻ thông tin đáng tin cậy mà sau đó kênh sẽ chia sẻ với khán giả của họ. “Các công cụ quan hệ công chúng bao gồm từ các thông cáo báo chí đến các chiến dịch Marketing du kích, các sự kiện đặc biệt hoặc tài trợ. Ngân hàng tạo ra các kích thích gián tiếp, làm tăng giá trị và nhận diện sản phẩm dịch vụ để nhiều người người biết đến ngân hàng và dịch vụ của ngân hàng.”
Marketing trực tiếp (Direct Marketing): Là quá trình giao tiếp trực tiếp giữa người bán và khách hàng, thông tin trong bán hàng cá nhân khác với hai hình thức trên, thông tin trong bán hàng cá nhân là thông tin hai chiều. Giống như tên gọi, Marketing trực tiếp sẽ tiếp thị trực diện tới một đối tượng. Bằng việc kết nối tới một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng, các ngân hàng sẽ quảng bá thông qua điện thoại, email, hay tờ rơi, ấn phẩm quảng cáo cầm tay. Ngân hàng thường lên nội dung thông tin cần chia sẻ, quảng bá và thiết kế với giao diện bắt mắt nhằm mục đích gửi tới khách hàng trực tiếp tại quầy giao dịch, theo hình thức tờ rơi quảng cáo hay kết hợp với các đối tác khác để cùng truyền thông như quảng cáo đi kèm phiếu mua hàng giảm giá hay vé máy bay, …
Chương trình khuyến mãi (Sales promotion): Khuyến mại là hình thức kích nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng. Xây dựng tốt chiến lược khuyến mại có thể tạo ra lưu lượng truy cập ngay lập tức và thúc đẩy doanh số bán hàng, sử dụng dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp doanh số tăng nhanh chóng, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều chiến lược này sẽ phản tác dụng. Bởi lẽ, khi người tiêu dùng đang quen với việc được khuyến mại, một khi sản phẩm dịch vụ kết thúc chương trình, khách hàng sẽ không còn hứng thú với sản phẩm dịch vụ nữa.
Bán hàng cá nhân (Personal Selling): Các ngân hàng thường tập trung để phát triển bộ phận chăm sóc khách hàng cá nhân, bộ phận quan hệ khách hàng để tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng, đồng thời trao đổi thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ, cũng như trả lời câu hỏi, cuối cùng là chốt đơn. Bán hàng cá nhân mang tính hiệu quả cao, vì khi đó, các nhân viên bán hàng có thể dễ dàng điều chỉnh thông điệp của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Thêm vào đó, một số ngân hàng xây dựng chiến lược các bộ phận chuyên biệt chăm sóc khách hàng với các hạng khách hàng thân thiết, khách hàng tiềm năng, khách hàng hạng vàng, bạc, kim cương, … để không chỉ lắng nghe, thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng đầy đủ hơn, thoả mãn thị hiếu và nhu cầu khách hàng mà còn dễ dàng tư vấn và lựa chọn cho khách hàng những sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp nhất.