bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng
Để đảm bảo việc Công chứng viên hành nghề đúng theo quy định pháp luật và bộ quy tắc đạo đức nghề Công chứng thì cơ quan quản lý Nhà nước phải có giải pháp tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật và bộ quy tắc đạo đức nghề công chứng để tránh tình trạng một bộ phận Công chứng viên lợi dụng kẻ
hở của pháp luật hoặc lợi dụng việc luật không có quy định rõ ràng, cụ thể để hành nghề sai trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, nên sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 44 Luật Công chứng 2014 theo hướng quy định cụ thể “lý do chính đáng” trong trường hợp yêu cầu công chúng ngoài trụ sở là như thế nào, chẳng hạn như đang nằm viện (có giấy xác nhận của bệnh viện) … và các lý do cụ thể khác mà nhà làm luật cảm thấy cần thiết và chính đáng, tránh tình trạng một số tổ chức hành nghề công chứng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức hành nghề công chứng khác bằng cách cho nhân viên đi lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng ngoài trụ sở.
Bộ quy tắc đạo đức hành nghề công chứng nên có quy định cụ thể về việc Công chứng viên thực hiện việc công chứng không đúng theo trình tự, thủ tục quy định, cụ thể là người yêu cầu công chứng không ký tên trước mặt Công chứng viên mà chỉ ký tên trước mặt nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp công chứng ngoài trụ sở do Luật chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến một bộ phận Công chứng viên và một số tổ chức hành nghề công chứng lách luật để làm sai trình tự, thủ tục công chứng bởi theo lối suy nghĩ “Tôi được quyền làm những gì mà luật không cấm”.