của ta, cần tăng khả năng lưu thông,muốn tăng khả năng lưu thông cần giảm chi phí vận chuyển,muốn giảm chi phí vận chuyển nhà nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, cải tạo, hoàn thiện và xây mới các tuyến đường...
Mặc dù chính sách cắt giảm chi tiêu công là hoàn toàn đúng đắn, song hiệu lực của những biện pháp cụ thể đến đâu thì còn chưa chắc chắn vì ít nhất có bốn lý do.
Thứ nhất, việc cắt giảm, thậm chí giãn tiến độ đầu tư công không hề dễ dàng,
nhất là khi những dự án này đã được các cơ quan lập pháp các cấp quyết định; đã được đưa vào quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương; đã được triển khai; và nhất là khi chúng gắn với lợi ích thiết thân của những cơ quan liên quan đến dự án.
Thứ hai, Nhà nước hầu như không thể kiểm soát các khoản đầu tư của các
DNNN, một mặt là do chính sách phân cấp trong quản lý đầu tư, và mặt khác là do một số tập đoàn lớn đã tự thành
lập ngân hàng riêng.
Thứ ba, với tốc độ lạm phát như hiện nay thì chỉ cần giữ được tổng mức đầu
tư công theo đúng dự toán cũng đã được coi là một thành tích đáng kể.
Thứ tư, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng vì việc giảm chi thường xuyên rất
khó khăn nên đây thường là hạng mục cuối cùng nằm trong danh sách cắt giảm. Hơn thế, với thực tế ở Việt Nam thì phạm vi chi thường xuyên có thể cắt giảm không nhiều. Đầu tiên là phải trừ đi quỹ lương (chiếm khoảng 2/3 tổng chi thường xuyên), sau đó phải trừ đi các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi chính sách chế độ, tiền đóng niêm liễn cho các tổ chức quốc tế, các khoản chi thường xuyên đã được thực hiện v.v… Theo ước lượng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nếu làm thật quyết liệt thì sẽ giảm được khoảng 3.000 tỉ đồng chi hội họp và mua sắm xe - tức là giảm được khoảng 0,8% tổng chi ngân sách.
Giảm thâm hụt ngân sách bằng cơ chế quản lý đầu tư công
Chính sách giảm tổng cầu thông qua thắt chặt chi tiêu công là đúng đắn, cần thiết nhưng chưa đủ. Nỗ lực giảm chi tiêu công của Chính phủ chỉ thực sự có hiệu lực nếu như Chính phủ đồng thời có cơ chế để đảm bảo những khoản đầu tư còn lại có hiệu quả. Đầu tiên là phải có cơ chế quản lý đầu tư công
sao cho những dự án kém hiệu quả (như chương trình 5 triệu tấn đường hay đánh bắt xa bờ) bị loại bỏ ngay từ đầu. Sau đó, phải đảm bảo dự án được tiến hành đúng tiến độ và không bị thất thoát, lãng phí (như dự án 112 và các dự án đầu tư xây dựng cơ bản - được ước lượng là thất thoát trung bình 30%).
Một trong những biện pháp có thể được sử dụng để cải thiện cơ chế quản lý đầu tư công là thành lập một hội đồng thẩm định đầu tư công độc lập. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là do quá trình ra quyết định đầu tư của chính quyền địa phương và các bộ ngành chủ quản chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và do vậy thiếu khách quan. Vì vậy, nhiệm vụ của ủy ban độc lập này là đánh giá, thẩm định một cách toàn diện và khách quan các dự án có quy mô vượt quá một quy mô đầu tư nhất định nào đó. Kết luận của Hội đồng thẩm định này sau đó được công bố rộng rãi. Tương tự như vậy, báo cáo kiểm toán các DNNN và dự án đầu tư công lớn cũng phải được công khai.
Để thu hẹp thâm hụt ngân sách thì song song với việc giảm chi tiêu, Chính phủ cũng cần cải thiện các nguồn thu ngân sách, tránh tình trạng ngân sách phụ thuộc quá nhiều (tới hơn 40%) vào các nguồn thu không bền vững từ dầu mỏ và thuế nhập khẩu như hiện nay. Cải cách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân (hiện chiếm 2% tổng ngân sách của Việt Nam trong khi con số này ở các nền kinh tế hiện đại đều lớn hơn 20%) và thuế bất động sản. Thật bất công và kém hiệu quả khi nhiều người sau một đêm trở thành triệu phú nhờ vào việc Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) tại nơi họ có bất động sản, trong khi lại không phải đóng góp gì cho ngân sách nhà nước. Áp dụng thuế bất động sản đúng đắn là một cách đảm bảo sự bền vững cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp Nhà nước thực hiện được các chương trình đầu tư CSHT vì quốc kế dân sinh.
Những khó khăn hiện tại của nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ những bất cập trong chính sách phát triển dài hạn. Chủ trương tăng trưởng nhờ vào số lượng thông qua đầu tư ồ ạt, dựa vào khu vực nhà nước vốn kém hiệu quả, đồng thời thiếu sự phối hợp đồng bộ trong điều hành vĩ mô đã đưa nền kinh
tế Việt Nam từ bối cảnh sau khi gia nhập WTO vô cùng thuận lợi đến tình trạng lạm phát và bất ổn vĩ mô như hiện nay. Vẫn còn may là những khó khăn của Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể giải quyết được nếu Chính phủ có quyết tâm mạnh mẽ và chính sách đúng đắn, trong đó kỷ luật tài khóa là điều kiện quan trọng nhất. Thắt chặt và nâng cao hiệu quả của chi tiêu công, đặc biệt là áp đặt kỷ luật nghiêm ngặt đối với hoạt động đầu tư của các tập đoàn nhà nước là điều kiện tiên quyết để có thể khôi phục lại cân bằng vĩ mô và gia tăng hiệu quả, tính ổn định và đà tăng trưởng cho nền kinh tế.