Phân tích tác động của thoái hóa đất đến sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thoái hóa đất phục vụ định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong phát triển nông nghiệp huyện sơn hòa, tỉnh phú yên (Trang 91 - 94)

7. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

3.2.1. Phân tích tác động của thoái hóa đất đến sản xuất nông nghiệp

Theo nhiều nghiên cứu, THĐ kể cả THĐ tiềm năng và hiện tại có khả năng xảy ra trên tất cả các loại đất với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, như: Đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, hệ lụy của THĐ dù là tiềm năng hay hiện tại, đều có thể làm suy giảm độ phì nhiêu của đất được thể hiện qua các chỉ tiêu như đất bí chặt, chua mạnh, khả năng giữ ẩm, giữ dinh dưỡng kém và có khả năng dẫn đến hoang mạc hóa hoặc sa mạc hóa đất đai, làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón; hệ vi sinh vật đất chủ yếu là vi sinh vật gây hại; sâu bệnh hại từ đất phát triển nhanh và mạnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp do năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản xuất cao dẫn đến nguy cơ đi ngược lại mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai của vùng. Đồng thời đất đai bị thoái hóa làm đất sản xuất bị thu hẹp. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường sống ngày càng xấu đi. Sản xuất trên diện tích đất thoái hóa cây trồng khó phát triển, chi phí đầu tư cao tác động và gây thiệt hại trực tiếp đến nông dân. Phần lớn những người sống gần rừng có cuộc sống thiếu thốn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phương thức canh tác lạc hậu nên đất đai dễ bị bạc màu, thoái hóa. Do đời sống của người dân còn nghèo khó, vì mưu sinh nên họ bất chấp lén lút phá rừng làm nương rẫy. Sự phát triển kinh tế thiếu quy hoạch, không đồng bộ

ở nhiều vùng, việc di dân khó kiểm soát, mất rừng làm cho sa mạc hóa, hoang mạc hóa ngày càng nhanh đe dọa sự phát triển bền vững [9].

Theo kết quả nghiên cứu về hiện trạng sử dụng và kế hoạch sử dụng đất [19, 20] của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho thấy, loại hình sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp của huyện tương đối da dạng, gồm có cả trồng rừng sản xuất, cây hàng năm, cây ăn quả và cây lâu năm, với một số loại hình canh tác điển hình: Chuyên lúa nước, đất 2 vụ lúa + 1 vụ màu, đất 1 vụ lúa + 1 vụ màu, đất 2 vụ lúa, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày, đất nương rẫy, đất chuyên màu và cây công nghiệp hàng năm, đất chuyên cói, đất cỏ dùng vào chăn nuôi, đất trồng cây ăn quả, đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây hàng năm khác, đất rừng tự nhiên, đất rừng trồng, đất khoanh nuôi và phục hồi rừng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, một số chương trình điều tra về THĐ của tỉnh Phú Yên cho thấy, đất đai của toàn tỉnh Phú Yên nói chung và huyện Sơn Hòa nói riêng có nguy cơ suy thoái trên diện rộng, đặc biệt là quá trình thoái hóa do khô hạn, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, một số tác động chủ yếu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp huyện Sơn Hòa nói riêng và toàn tỉnh Phú Yên cũng như vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung được các nhà khoa học khuyến cáo, gồm:

- Diện tích gieo trồng lúa và một số hoa màu bị thu hẹp. - Chi phí tưới và có thể cả chi phí sản xuất tăng lên.

- Năng suất lúa và một số hoa màu suy giảm đến mức rất thấp. - Sản lượng lúa và cả sản lượng hoa màu quy thóc giảm sút.

Đồng thời do điều kiện thời tiết khắc nghiệt phân bố theo mùa, kết hợp với đặc điểm tơi rời, dễ thoát nước của đất lớn, tính liên kết kém ở một số khu vực đồi núi, dẫn đến các hiện tượng lũ lụt, xói mòn, rửa trôi, lũ quét làm giảm tầng dày của đất. Sự rửa trôi các ion kim loại kiềm và kiềm thổ như Na+, K+,

Mg2+, Ca2+, các axit mùn và cả những phần tử nhỏ bé như sét và limon xuống các tầng đất sâu hơn do mưa nhiều hơn lượng bốc hơi. Bố trí sử dụng đất không phù hợp với tiềm năng đất đai, khai thác đất không đi đôi với bồi bổ lại đủ chất dinh dưỡng cho đất.

Bên cạnh các điều kiện gây thoái hóa tiềm năng đất, thì hoạt động sản xuất của con người trong quá trình canh tác không chú trọng đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng, bảo vệ đất như bón phân hữu cơ, trồng xen hoặc luân canh cây họ đậu, hiện tượng trồng độc canh một loại cây trồng vẫn diễn ra phổ biến (chuyên canh lúa ở các huyện đồng bằng, chuyên canh mía ở các huyện miền núi). Người dân chỉ chú trọng bón phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm ảnh hưởng xấu cho sự hoạt động của hệ vi sinh vật trong đất làm cho đất bị chai cứng và chua hóa. Cộng với, hiện tượng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc theo phương pháp truyền thống, không có biện pháp chống rửa trôi xói mòn đất vào mùa mưa và giữ ẩm đất vào mùa khô, không bón phân, đặc biệt trả lại chất hữu cơ cho đất, đã làm cho các yếu tố gây thoái hóa tiềm năng đất đai càng bộc lộ rõ đặc điểm của chúng, gây ảnh hưởng quyết liệt đến chất lượng đất và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh BĐKH, một số khu vực có hạn thường xuyên đi kèm với cháy rừng, cháy thảm cỏ, thời gian khô hạn với nắng nóng kéo dài, một số khu vực thì lũ lụt với cường độ cao và tần suất lớn làm đất đai bị xói mòn, rửa trôi, thậm chí cả sạt lở, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất mà đôi khi còn cả tính mạng của người dân. Đồng thời, hiện tượng khô hạn làm cho nguồn nước trong đất cạn kiệt, đất dễ bị suy thoái, dẫn đến nguy cơ hoang mạc hóa đất đai. Bên cạnh đó, khô hạn dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, dẫn đến mất an ninh lương thực thiếu hụt thức ăn và giảm khẩu phần cho gia súc, …

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thoái hóa đất phục vụ định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong phát triển nông nghiệp huyện sơn hòa, tỉnh phú yên (Trang 91 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)