Lăng kính sinh viên

Một phần của tài liệu Chương trình phát thanh sóng trẻ, phát sóng ngày 22032020 trên sóng fm của đài phát thanh và truyền hình hà nội chủ đề trào lưu “nghèo sang chảnh” của giới trẻ hiện nay (Trang 29 - 34)

*Vân Anh: Kỳ này! Cậu đã bao giờ có ý định khởi nghiệp khi đang là sinh viên chưa?

*Tuấn Kỳ: Uhm, thật ra là tớ cũng từng có dự định mở quán cà phê cùng một người bạn, chúng tớ cũng đã lên kế hoạch cụ thể, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được.

*Vân Anh: Vì sao vậy? Ý tưởng đã lên, cậu lại có cả người bạn đồng hành. Vậy các cậu còn lo lắng điều gì?

*Tuấn Kỳ: Đúng là 2 thứ đó rất quan trọng khi khởi nghiệp, thế nhưng tớ cảm thấy mình vẫn chưa đủ tự tin để bắt đầu.

*Vân Anh: uhm, có lẽ tâm lí của Tuấn Kỳ là tâm lí chung của hầu hết các bạn sinh viên đang có ý định khởi nghiệp. Sinh viên khởi nghiệp không phải là chủ để mới, tuy nhiên câu hỏi mà nhiều bạn sinh viên trong đó cả Kỳ quan tâm đó là: “Sinh viên có nên khởi nghiệp hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, xin mời các bạn thính giả cùng nghe phóng sự sau đây:

(Phát phóng sự)

Những năm gần đây, khởi nghiệp, hay còn gọi là startup không còn xa lạ với các bạn sinh viên. Thay vì tìm một công việc làm thêm bán thời gian như đa số sinh viên khác, một số bạn lại thử sức mình trong vai trò mới như chủ quán cà phê, hay kinh doanh các mặt hàng handmade, phụ kiện thời trang, quần áo,…

Âm thanh mà quý vị và các bạn đang nghe là từ phòng tập của Ếch studio. Và chủ nhân của studio này là bạn Nguyễn Tùng Lâm, hiện đang là sinh viên năm thứ 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

(Dải băng: Mình rất yêu thích những công việc liên quan đến quay, chụp. Mình cũng rất đam mê nhảy hiện đại. Từ hai niềm đam mê đấy thì mình mở studio. Và rất là may mắn mình có một người bạn rất ủng hộ mình trong việc đó và chúng mình đã cùng nhau mở chuỗi phòng tập kết hợp studio chụp ảnh, quay phim. Mình quyết định mở studio này thì chỉ trong vòng 1 tháng và sau 2 tháng thì studio của mình đã chính thức đi vào hoạt động).

Đưa ra được ý tưởng đã khó, đánh giá được tính khả thi của ý tưởng đó còn khó hơn. Đối với sinh viên, những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thì đây là cả một vấn đề. Đánh giá tính khả thi của ý tưởng là bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng trong khởi nghiệp. Theo sau đó là hàng loạt khó khăn, thách thức khác mà các bạn trẻ phải đối mặt.

Nói về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp của mình, Tùng Lâm chia sẻ:

(Dải băng: Khó khăn ở việc là bọn mình cũng đều là sinh viên thôi, đều là sinh viên năm 3, thì công việc quan trọng hiện giờ của mình vẫn đang là học. Mình phải tìm hiểu hết từ đầu về cái thị trường của phòng tập ở Hà Nội. Cái việc quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn khi bọn mình đều phải đi học và có nhiều công việc khác ở trường).

Một thống kê chỉ ra rằng hơn 90% các dự án Startup thất bại. Còn theo kết quả cuộc khảo sát mà nhóm phóng viên chương trình thực hiện cứ 50 sinh viên thì có tới 45 sinh viên có ý định khởi nghiệp nhưng chỉ có 10 sinh viên có quyết tâm theo đuổi và thực hiện. Vậy điều gì làm chùn bước các bạn sinh viên có ước mơ

khởi nghiệp. Nhóm phóng viên của chương trình đã làm một cuộc điều tra nhỏ tại một số trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Hãy cùng tìm hiểu xem các bạn sinh viên gặp phải vấn đề gì khi có ý định khởi nghiệp:

(Dải băng: Theo mình cái khó khăn thứ nhất đó là thiếu kinh nghiệm. Vì sinh viên thì chủ yếu là đi học ở trường thôi, chưa đi làm nhiều ở đâu cả. Cái thứ 2 là nguồn vốn, khi mà khởi nghiệp thì nó không ổn định, vì chưa đi làm thì không thể lấy nguồn vốn ở đâu được.

Để nói về khó khăn của sinh viên khi khởi nghiệp thì là vô vàn. Thứ nhất là thiếu thời gian, lịch học ở trường của mình rất là dày và hầu như là mình phải tự cân bằng cái ý định khởi nghiệp và học. Có những thời điểm mình nghi ngờ về khả năng và năng lực của mình.

Về vốn, nếu bạn đang là sinh viên thì khó có thể có ngay một số tiền lớn để đầu tư ngay được. Nếu mà muốn có vốn thì bạn phải nhờ gia đình).

Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng khởi nghiệp khi đang là sinh viên cũng có những lợi thế nhất định.

Bạn Nguyễn Hoài Phương, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Hà Nội cho rằng:

(Dải băng: Thứ nhất là có nhiều bạn bè, nhiều bạn bè nhiều mối quan hệ thì mình có thể tận dụng những mối quan hệ đấy để giúp mình share, truyền thông hoặc seeding những gì mình làm trên mạng. Nói chung là khi mà có nhiều bạn bè thì cái việc truyền thông sẽ phát triển rất mạnh).

Tuy gặp không ít khó khăn khi mới khởi nghiệp, nhưng hiện tại Tùng Lâm đã điều hành studio ổn định và bước đầu cho thu nhập như mong muốn. Tùng Lâm chia sẻ:

(Dải băng: Vì studio của mình ở rất gần trường và mình cũng hướng tới đối tượng cho thuê là những người cùng tập nhảy với mình và các bạn sinh viên, nên số lượng các bạn đến sử dụng phòng tập cũng khá là nhiều. Tuy thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng mình cũng đã rất cố gắng để bước đầu có được thu nhập ổn định. Mình cũng mong muốn rằng thời gian tới mình có thể phát triển hơn nữa).

Khởi nghiệp khi đang là sinh viên không hề đơn giản, thậm chí các bạn trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ thất bại. Tuy nhiên, đừng vì thế mà đầu hàng khó khăn. Nếu có ý định khởi nghiệp,bạn hãy cứ bắt đầu, nhưng hãy bắt đầu từ những công việc bình thường nhất, rèn luyện những kỹ năng nhỏ nhất, hãy lên kế hoạch thật cẩn thận. Và nếu có thất bại, cũng đừng vội nhụt trí, hãy coi đó là bài học quý giúp bạn vững tin trên con đường tương lai còn rất dài phía trước.

6. Chào kết

*Tuấn Kỳ: Nghe xong phóng sự vừa rồi tớ thấy tiếc quá Vân Anh ạ!

*Vân Anh: Cậu tiếc điều gì?

*Tuấn Kỳ: Tớ cảm thấy ngưỡng mộ bạn Tùng Lâm trong phóng sự vừa rồi quá, cậu ấy bằng tuổi tớ mà đã khởi nghiệp thành công như vậy. Ước gì ngày trước tớ cũng quyết tâm như cậu ấy thì biết đâu bây giờ tớ đã là chủ một quá cà phê lớn.

*Vân Anh: Bây giờ cũng đâu phải quá muộn đâu Tuấn Kỳ. Nhưng nhớ rằng, trước khi khởi nghiệp phải lên kế hoạch thật kĩ lượng và tận dụng những mối quan hệ của mình để có thể chuẩn bị tốt nhất cho công việc nhé!

*Tuấn Kỳ: Đúng vậy đấy Vân Anh ạ! Và nếu có bạn thính giả nào cũng đang có ý định khởi nghiệp, hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch chi tiết, cẩn thận. Và

nếu có thất bại, cũng đùng vội nhụt trí, hãy coi đó là bài học quý giá giúp bạn bước tiếp những bước đi vững chắc hơn trên con đường tương lai nhé!

*Vân Anh: Đã đến lúc chúng mình phải chia tay rồi. Các bạn đừng quên theo dõi chương trình vào 13 giờ 30 phút, Chủ nhật hàng tuần, cũng như gửi những đóng góp, chia sẻ với chúng mình về hòm thư songtreradio@gmail.com nhé. Chúc các bạn một ngày cuối tuần vui vẻ.

Trên nền nhạc

*Tuấn Kỳ: Các bạn vừa nghe chương trình phát thanh Sóng trẻ

*Vân Anh: Kịch bản Vân Anh

*Tuấn Kỳ: Dẫn chương trình Tuấn Kỳ, Vân Anh

*Vân Anh: Kỹ thuật phòng thu Thái Hà

*Tuấn Kỳ: Biên tập TS Nguyễn Văn Trường

*Vân Anh: Còn bây giờ Vân Anh và Tuấn Kỳ

Một phần của tài liệu Chương trình phát thanh sóng trẻ, phát sóng ngày 22032020 trên sóng fm của đài phát thanh và truyền hình hà nội chủ đề trào lưu “nghèo sang chảnh” của giới trẻ hiện nay (Trang 29 - 34)