điểm đến, lựa chọn tài nguyên du lịch văn hóa
Các nhà nghiên cứu đã lập luận rằng, tìm kiếm sự mới lạ từ văn hóa của một cộng đồng khác chính là yếu tố thúc đẩy còn người đi du lịch (Boniface, 2003; ETC and WTO, 2005; Isaac, 2008; Reisinger, 2009), vì thế mà khác biệt văn hóa giữa nơi đến và nơi đi luôn có mối liên hệ với sở thích của KDL đối với điểm đến, với TNDL (Pizam and Sussmann, 1995; Ng và cộng sự, 2007; Manrai and Manrai, 2011; Ahn and McKercher, 2015; Buafai and Khunon, 2016; Juan và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, mức độ hấp dẫn của sự mới lạ và khả năng hòa mình vào những khác biệt về văn hóa của cộng đồng khác sẽ không giống nhau giữa các cá nhân. Nó phụ thuộc rất nhiều vào những đặc điểm riêng như tuổi tác, trình độ hay những khác biệt về văn hóa, xã hội. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy yếu tố khoảng cách văn hóa giữa điểm đi và điểm đến có thể sử dụng để giải thích những khác biệt sở thích của KDL quốc tế đối với sản phẩm, dịch vụ, tài nguyên và điểm đến (Ng và cộng sự, 2007; Kim and McKercher, 2011; Manrai and Manrai, 2011; Juan và cộng sự, 2017).
Nghiên cứu của Yavas (1987), Ng và cộng sự (2007), Esiyok và cộng sự (2016) đã chứng minh mối quan hệ nghịch chiều giữa khoảng cách văn hóa (xác định dựa trên chỉ số của Hofstede) với sở thích, tiêu chí để lựa chọn điểm đến của KDL trong bối cảnh quốc tế. Theo đó, khi đi du lịch quốc tế, nhất là ở những quốc gia mà khách đến lần đầu, họ thường lựa chọn điểm đến có sự tương đồng về các giá trị, chuẩn mực và biểu tượng văn hóa, do đó, thường bị hấp dẫn bởi những quốc gia điểm đến có khoảng cách văn hóa gần (Crotts, 2004; Crotts and McKercher, 2006). Nghiên cứu của Yavas (1987) đã chứng minh rằng, KDL người Ả Rập thích các điểm đến là quốc gia Hồi giáo, có khoảng cách văn hóa gần với Ả Rập. Cũng tương tự như vậy, các nghiên cứu của Ng và cộng sự (2007), Esiyok và cộng sự (2016), đã cho thấy mối quan hệ ảnh hưởng nghịch chiều giữa khoảng cách văn hóa quốc gia và sở thích đối với điểm đến, sự lựa chọn điểm đến của KDL là người châu Âu, người Úc và người Thổ Nhĩ Kỳ.
Sử dụng lý thuyết về sự hưng phấn tối ưu của Ahola (1980) cho rằng hành vi giải trí (gồm cả du lịch) là một quá trình biện chứng và tối ưu hóa, trong đó, hai yếu tố đối nghịch sẽ có ảnh hưởng đồng thời đến cá nhân đó là nhu cầu cần sự ổn định, an toàn và nhu cầu tìm kiếm sự mới lạ, thay đổi (Snepenger và cộng sự, 2006), các nghiên cứu về hành vi du lịch đã kết luận, mặc dù trong du lịch, tìm kiếm sự mới lạ từ văn hóa của một cộng đồng khác chính là động cơ trọng tâm thúc đẩy còn người đi đến một địa
điểm du lịch (Boniface, 2003; ETC and WTO, 2005; Isaac, 2008; Reisinger, 2009), nhưng sự mới lạ, độc đáo ấy chỉ hấp dẫn đối với khách khi mà họ không cảm thấy bị đe dọa, lo lắng về rủi ro khi gặp phải sự khác biệt quá lớn về văn hóa (Crotts, 2004). Mức độ chấp nhận các tình huống rủi ro khác nhau ở các nền văn hóa vì thế sẽ có ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của con người khi đi du lịch đến một quốc gia khác (Juan và cộng sự, 2017).
Về sở thích đối với tài nguyên, nghiên cứu của Lew and McKercher (2006) trên KDL quốc tế đến Hàn Quốc đã khẳng định rằng, khách đến từ các thị trường có văn hóa gần với Hàn Quốc thích tìm kiếm nhiều loại hình tài nguyên khác nhau để tham quan, thích những hoạt động hoặc thuộc tính cụ thể của điểm đến (như sự đa dạng của tài nguyên, số lượng điểm tham quan trong chuyến đi). Trong khi đó, KDL quốc tế đến từ các nước có khoảng cách văn hóa xa so với Hàn Quốc lại quan tâm nhiều đến các thuộc tính trừu tượng của điểm đến (như bầu không khí, vẻ đẹp cảnh quan, sự hiếu khách, cởi mở của cộng đồng bản địa). Họ cũng thích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa địa phương hơn là những KDL tới từ các nước có khoảng cách văn hóa gần với Hàn Quốc (Lew and McKercher, 2006).
Đi sâu xem xét mối quan hệ ảnh hưởng của sự khác biệt về yếu tố chủ nghĩa cá nhân (IDV) và yếu tố tránh sự rủi ro (UAI), nghiên cứu của Pizam and Sussman (1995), Kim and Lee (2000) và Prebensen và cộng sự (2005) cho thấy, KDL quốc tế đến từ các nước có chỉ số chủ nghĩa cá nhân (IDV) cao thường bị hấp dẫn bởi những điểm đến có tài nguyên tự nhiên, văn hóa mới lạ, độc đáo, giá trị tài nguyên còn nguyên vẹn, thích những hoạt động trải nghiệm giới hạn bản thân (Pizam and Sussmann, 1995; Prebensen và cộng sự, 2003; Tsang and Ap, 2007; Meng, 2010; Kim and McKercher, 2011). Ngược lại, những KDL tới từ các quốc gia có chủ nghĩa cá nhân (IDV) thấp thường thu hút bởi những TNDL văn hóa có nét tương đồng so với văn hóa của họ, chấp nhận những tài nguyên tái hiện và thích các hoạt động hài hòa với tự nhiên, văn hóa và xã hội của nơi đến (Pizam and Sussmann, 1995; Prebensen và cộng sự, 2003; Tsang and Ap, 2007; Meng, 2010; Kim and McKercher, 2011).
2.3.3. Ảnh hưởng của khoảng cách văn hóa quốc gia tới đánh giá của kháchdu lịch quốc tế về sức hấp dẫn của điểm đến, tài nguyên du lịch