Hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện từ thực tiễn chính quyền địa phương một cấp tại huyện đảo lý sơn, tỉnh quảng ngãi (Trang 31 - 38)

7. Kết cấu của Luận văn

1.3.5. Hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1.3.5.1. Phiên họp của UBND cấp huyện

Ủy ban nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong các trường hợp sau đây: Do Chủ tịch UBND quyết định; theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp; theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên UBND.

Các phiên họp UBND phải được lập thành biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ nội dung các ý kiến phát biểu và diễn biến của phiên họp, ý kiến kết luận của chủ tọa phiên họp hoặc kết quả biểu quyết.

Chủ tịch UBND là người quyết định cụ thể ngày họp, chương trình, nội dung phiên họp.

Thành viên UBND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp UBND, nếu vắng mặt phải báo cáo và được Chủ tịch UBND đồng ý.

Phiên họp Ủy ban nhân dân chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân tham dự.

Chương trình, thời gian họp và các tài liệu trình tại phiên họp phải được gửi đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày bắt đầu phiên họp thường kỳ và chậm nhất là 01 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

1.3.5.2. Thông tin về kết quả phiên họp Ủy ban nhân dân

Kết quả phiên họp UBND phải được thông báo kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sau đây: Các thành viên UBND, Thường trực cấp ủy, Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQVN, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp xã; các cơ quan liên quan.

Đối với các phiên họp của UBND liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân ở địa phương thì ngay sau mỗi phiên họp, UBND có trách nhiệm thông tin cho các cơ quan báo chí.

1.3.5.3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân

Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân được quy định như sau:

Chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; cùng các thành viên khác của Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, trước Nhân dân địa phương và trước pháp luật.

Trực tiếp chỉ đạo giải quyết hoặc giao Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì, phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực ở địa phương. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể thành lập các tổ chức tư vấn để tham mưu, giúp Chủ tịch giải quyết công việc.

1.3.5.4. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân

Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được quy định như sau:

Thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; cùng các thành viên khác của Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Ủy ban nhân dân theo quy chế làm việc.

Tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân; thảo luận và biểu quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.

Ký quyết định, chỉ thị của Chủ tịch UBND khi được Chủ tịch UBND ủy nhiệm.

1.3.5.4. Ủy viên Ủy ban nhân dân

Phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của Ủy viên Ủy ban nhân dân được quy định như sau:

Được Chủ tịch UBND phân công phụ trách lĩnh vực cụ thể và chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBDN về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; cùng các thành viên khác của Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND; báo cáo công tác trước HĐND khi được yêu cầu.

Ủy viên Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực.

Tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân; thảo luận và biểu quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân [22].

1.3.6. Về chính quyền địa phương một cấp ở huyện đảo

Sự cần thiết, mục đích xây dựng chính quyền địa phương một cấp ở huyện đảo: Đổi mới tổ chức, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó có đổi mới tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng đã và đang được các địa phương quyết tâm thực hiện. Với mục đích tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, nhiều giải pháp đổi mới tổ chức bộ máy được triển khai trong thực tế như tinh gọn tổ chức đơn vị trực thuộc HĐND, UBND; nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền và tại một số ĐVHC huyện đảo thực hiện chính quyền địa phương cấp huyện một cấp, không tổ chức chính quyền địa phương cấp xã.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nhận định: “Chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo”. Ở nhiều địa phương trong thời gian qua, việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đã bộc lộ một số bất cập. Trong đó, bộ máy chính quyền địa phương ở tất cả các ĐVHC hiện nay gần như rập khuôn đã và

đang là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, chưa tính đến yếu tố đặc thù, nhất là đối với chính quyền địa phương huyện đảo. Chính vì thế, Trung ương khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện.

Ở một số huyện đảo, với đặc điểm chủ yếu là xa đất liền, diện tích không lớn, dân số thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số phòng, ban ở huyện đảo và cấp xã chưa rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp, đùn đẩy giữa cấp xã và cấp huyện, dẫn đến một số hạn chế như: Vấn đề về môi trường, nước thải, rác thải còn nhiều bức xúc; công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng có nhiều tồn tại, hạn chế chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; việc thực hiện các thủ tục hành chính, giải quyết công việc, khiếu nại, kiến nghị của người dân còn đi lòng vòng từ xã lên huyện và ngược lại, gây mất nhiều thời gian của Nhân dân và ngân sách Nhà nước; đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, cơ cấu cán bộ, công chức chưa hợp lý.

Đồng thời, với trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc hiện nay và việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo cho việc lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc từ cấp huyện trực tiếp đến thôn, khu dân cư và người dân không nhất thiết phải qua chính quyền địa phương cấp xã nhằm giải quyết nhanh, gọn các vấn đề của xã hội, của Nhân dân trên địa bàn huyện đảo. Việc xây dựng chính quyền một cấp tại huyện đảo sẽ góp phần làm gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cấp xã, tiết kiệm được ngân sách chi thường xuyên hằng năm để đầu tư cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương huyện đảo.

Về tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương một cấp ở huyện đảo: Là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã và do đó không có chính quyền địa phương cấp xã. Toàn bộ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được chuyển giao cho chính quyền địa phương ở huyện tổ chức triển khai thực hiện.

Tiểu kết chương 1:

Trong lịch sử chính quyền địa phương nước ta, dù có những tên gọi, cách tổ chức khác nhau nhưng vẫn luôn khẳng định sự tồn tại của chính quyền địa phương cấp huyện. Chính quyền địa phương cấp huyện như là cầu nối trung gian, là mắt xích quan trọng không thể thiếu để nối liền sự quản lý giữa chính quyền cấp tỉnh với chính quyền cấp xã. Chính quyền địa phương có vị trí, chức năng rất quan trọng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Chính quyền địa phương là thiết chế bảo đảm tính hiện thực và thực thi có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương trong thực tiễn. Khi quyết định các vấn đề của địa phương, chính quyền địa phương bảo đảm sự can thiệp của Nhà nước đáp ứng tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Chính quyền địa phương là cơ chế hữu hiệu để phát huy dân chủ, để Nhân dân tham gia công việc của nhà nước ở địa phương. Chính quyền địa phương là hình ảnh trực tiếp nhất của Nhà nước trong mắt người Nhân dân, yếu tố tốt hay xấu của chính quyền địa phương quyết định hình ảnh của bộ máy nhà nước nói chung.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và chính quyền địa phương nói riêng. Trong đó, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền địa phương cấp huyện là vấn đề rất quan trọng. Qua đó, xây dựng chính quyền địa phương cấp huyện ngày một hoàn thiện hơn về tổ chức, hoạt động và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước ở ĐVHC cấp huyện. Để làm tốt điều này, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng ĐVHC, nhất là chính quyền địa phương ở hải đảo là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là chủ quyền biển đảo của Tổ quốc .

Chương 2:

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƢƠNG MỘT CẤP TẠI

Một phần của tài liệu Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện từ thực tiễn chính quyền địa phương một cấp tại huyện đảo lý sơn, tỉnh quảng ngãi (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w