4. Bố cục
2.3.1 Nguyên nhân gây ra các vụ TNGT
Qua theo dõi tình hình TNGT đường thủy nói chung, TNGT liên quan đến phương tiện gia dụng nói riêng, các tháng trong 05 năm gần đây cho thấy, TNGT trong quý IV và
quý I thường tăng cao là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách vào dịp cuối năm tăng. Phân tích nguyên nhân 18 vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện gia dụng cho thấy:
Về người tham gia giao thông: Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố chủ quan đó là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, kỹ năng xử lý tình huống của người điều khiển phương tiện chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy tắc tránh, vượt, không nhường đường; chở quá tải (vì nhiều phương tiện không đăng ký, không ghi số người được chở, không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn); đi không đúng luồng tuyến; chở quá số người quy định… Tình trạng này khiến tàu, ghe luôn có tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Bởi một con tàu có sức chịu đựng khoảng 10 người, nhưng người lái tàu lại chở lên 20 hoặc 30 người, thì rõ ràng sức chịu đựng của con tàu quá giới hạn. Khi gặp sóng to, gió lớn thì sẽ mất cân bằng, nguy cơ đắm tàu rất là cao…
Do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm quy định về tham gia giao thông đường thủy nội địa như: Không tránh, nhường đường cho phương tiện khác 07 vụ, chiếm 38,89%; chở quá tải: 02 vụ, chiếm 11,1%; chạy quá tốc độ phương tiện theo quy định 01 vụ, chiếm 5,55%; đi không đúng luồng sông theo quy định 01 vụ, chiếm 5,55%: không phát tín hiệu hoặc phát tín hiệu không đúng quy định 01 vụ, chiếm 5,55%; do diễn biến thời tiết 01 vụ, chiếm 5,55%; phương tiện tự chìm, đắm 05 vụ chiếm 27,81%;
Ngoài nguyên nhân do người điều khiển phương tiện còn có nguyên nhân của phương tiện được sản xuất thủ công, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, trang bị thiếu áo phao, thiết bị cứu sinh...
Phương tiện đa phần không đăng ký, không sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn, số người được chở trên phương tiện, thậm chí có phương tiện tuy có đăng ký nhưng đã hoán cải nhằm mục đích tăng diện tích, trọng tải phục vụ kinh doanh vận tải nên thường không đảm bảo an toàn, phương tiện cứu sinh, cứu đắm cũng thiếu, nên khi có tai nạn xảy ra thường không có tài liệu dùng làm căn cứ đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật, sức chở chính xác của phương tiện. Loại phương tiện này thường cũ, sử dụng lâu năm, hoán cải nhiều lần nên độ an toàn thấp, dễ xảy ra tình trạng chết máy, tự trôi, thậm chí cháy, nổ trên phương tiện v.v... gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người tham gia giao thông đường thủy.
Do nơi xảy ra tai nạn thường xa khu vực dân cư nên việc phát hiện và tổ chức cứu hộ, cứu nạn thường chậm. Có vụ tai nạn thiệt hại ban đầu không lớn nhưng do không được phát hiện và tổ chức cứu hộ kịp thời nên hậu quả trở nên rất nghiêm trọng (số người chết tăng do không được cứu vớt kịp thời, phương tiện bị chìm đắm sâu, trôi dạt dưới mặt nước…).
Hoạt động điều khiển phương tiện gia dụng thường theo tập quán, kinh nghiệm, hành nghề theo cha truyền, con nối, không có chứng chỉ lái phương tiện. Mặt khác cũng rất khó thay đổi nhận thức thói quen khi tham gia giao thông của nhóm đối tượng này. Người lái, điều khiển phương tiện thường chủ quan, vô ý, chủ yếu là theo kinh nghiệm, không có những hành động cụ thể để phòng chống tai nạn như không chở quá nhiều người, không nhắc nhở, yêu cầu đảm bảo an toàn (măc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi, chơi đùa trên phương tiện) cho người khi đi trên phương tiện. Không điều khiển phương tiện đi đúng luồng, chạy cắt mặt tàu lớn, đè sóng, thậm chí vẫn cố điều khiển phương tiện khi có thời tiết xấu xảy ra..., dẫn đến lật, chìm phương tiện. Nhiều trường hợp vẫn để người trên phương tiện đi lại, đùa nghịch; lên, xuống phương tiện lộn xộn gây mất trọng tâm, nguy cơ tai nạn lớn.
Về cơ sở hạ tầng: Công tác đầu tư hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hệ thống báo hiệu chưa lắp đặt đầy đủ, còn thiếu nhất là báo hiệu ban đêm. Hệ thống cầu đường bộ, đường sắt bắc qua các tuyến đường thủy nội địa không đủ tĩnh không hoặc thường tạo dòng xoáy cục bộ.
Bên cạnh đó, việc khai thác cát, sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân.
Công tác quản lý hoạt động vận tải đường thủy nội địa còn nhiều bất cập nhất là tuyến đường thủy ủy thác cho địa phương quản lý. Nhiều địa phương vẫn dồn nguồn lực cho đường bộ, phần lớn các địa phương chưa có bộ phận chuyên trách quản lý đường thủy, năng lực, kinh nghiệm cán bộ được phân công quản lý không cao. Trong số 63 tỉnh,
thành phố, mới chỉ có 15 tỉnh quy hoạch đường thủy nội địa, còn lại các tỉnh chưa làm quy hoạch cảng, bến thủy... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất trật tự đảm bảo ATGT đường thủy nội địa.
Ngoài đảm nhiệm chức năng hoạt động giao thông vận tải, đường thủy nội địa còn là địa điểm để khai thác về du lịch, nuôi, trồng, đánh, bắt thủy hải sản, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội.
Về quản lý nhà nước còn bị buông lỏng: Quản lý nhà nước về giao thông vận tải thủy nội địa tuy được tăng cường hơn, nhưng vẫn còn bị buông lỏng trên nhiều lĩnh vực, cả về văn bản pháp quy chậm, thiếu đồng bộ, chưa điều chỉnh bổ sung kịp thời, cho đến nay về quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền nhất là phương tiện thủy gia dụng vẫn còn buông lỏng…
Chế tài xử phạt đối với việc thiếu trang thiết bị an toàn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thủy trên phương tiện gia dụng.
Trang bị đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật và công tác quản lý TTATGT đường thủy nội địa tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: ảnh hưởng của mội trường xã hội, thời tiết, khí hậu, tâm lý hoặc những tình huống sự kiện bất ngờ…
2.3.2 Giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy nội địa liên quan đến phương tiện gia dụng.
Thời gian tới và những năm tiếp theo, giao thông vận tải phát triển nhanh để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, các tuyến giao thông thủy kết nối giữa các vùng kinh tế năng động, các tỉnh…do vậy yêu cầu về bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa càng cấp bách và nặng nề.
Để kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông đường thủy nội địa, nhất là đối với phương tiện thủy gia dụng cần tiến hành thực hiện một số giải pháp sau:
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện các giải pháp theo nội dung Công văn số 347/TTg-CN ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ
về việc ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn đường thủy do các phương tiện nhỏ, thô sơ gây ra.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền gắn với điạ phương từ cấp cơ sở (cấp xã, phường), nhằm đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất; Về hình thức tuyên truyền, nghiên cứu thêm các kênh thông tin có thể tiếp cận tới người dân ở các vùng sâu, vùng xa, người dân hoạt động trên sông nước như kênh phát thanh và truyền thanh cơ sở… Tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT ĐTNĐ cho người dân có phương tiện gia dụng hoạt động trên các tuyến ĐTNĐ, vận động họ tiến hành học tập để cấp chứng chỉ lái phương tiện; các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, “Bến tàu văn hóa, văn minh, an toàn” cũng sẽ được tiếp tục triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn GTĐTNĐ, bảo đảm ATGT trên các tuyến, luồng, bến bãi.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa:
+ Nghiên cứu, hướng dẫn về đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa đối với phương tiện loại nhỏ, phương tiện gia dụng theo quy định của Luật Bổ sung, sửa đổi Luật Giao thông đường thủy nội địa.
+ Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25-12-2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt đảm bảo đủ sức răn đe để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy, nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên phương tiện thô sơ.
Công tác quản lý phương tiện, người lái phương tiện
+ Thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa, thuyền viên, người lái phương tiện và đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy; Có giải pháp xử lý phù hợp đối với phương tiện không đăng ký, đăng kiểm (chủ yếu là phương tiện gia dụng, dân sinh, nhỏ).
+ Đối với các phương tiện đóng theo kinh nghiệm dân gian đang hoạt động ổn định đề nghị các địa phương khảo sát phân nhóm phương tiện và đề nghị Cục Đăng kiểm thẩm định thiết kế định hình theo các nhóm phương tiện đó để tạo điều kiện cho người dân vùng lòng hồ được đăng ký, đăng kiểm phương tiện và ổn định cuộc sống.
+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
+ Cần rà soát công tác cấp chứng chỉ lái phương tiện, nghiên cứu để tổ chức huấn luyện lý thuyết và thực hành ngay tại cơ sở nơi người dân sinh sống.
Lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và các hành vi vi phạm quy định pháp luật khi đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đường thủy nội địa đối với phương tiện gia dụng. Chú trọng vào các chuyên đề: kiểm tra vi phạm quy định về đăng ký của phương tiện; chứng chỉ chuyên môn của người lái phương tiện.
Tiến hành điều tra xác minh các vụ TNGT đường thuỷ có liên quan đến phương tiện gia dụng phải xác định chính xác nguyên nhân xảy ra tai nạn, lỗi của các bên có liên quan trong vụ tai nạn, phương tiện không đảm bảo an toàn, cơ sở hạ tầng giao thông, yếu tố bất ngờ… chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đối với người, phương tiện gia dụng tham gia giao thông. Tham mưu cho Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân nơi xảy ra vụ TNGT đưa ra truy tố, xét xử vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, phân loại phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh (kể cả phương tiện thô sơ) để thuận tiện trong công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; đồng thời ban hành quy định về tổ chức quản lý đối với phương tiện thủy không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 mã lực, phương tiện có sức chở đến 12 người đủ điều kiện an toàn theo quy định.
Khẩn trương rà soát, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến hoạt động không phép, hết hạn giấy phép hoạt động, nhất là các bến có hoạt động đón trả khách vì tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thủy nội địa. UBND cấp xã cần giám sát và quản lý chặt
chẽ phương tiện gia dụng, bến dân sinh thuộc địa bàn được phân công và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG