Lực lượng lao động

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững ở thành phố Hà Nội (Trang 51 - 53)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Lực lượng lao động

Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016, của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn hiện nay được Hà Nội xác định là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch. Là một ngành có tính đặc thù cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, ngành du lịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin… (bên

cạnh trình độ học vấn cơ bản). Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.

Theo thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2021, số lượng lao động trực tiếp ngành Du lịch Hà Nội khoảng 90.500 người, chiếm 11% lực lượng lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam. Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ, điểm du lịch và cán bộ quản lý du lịch được nâng lên qua các năm. Số lượng lao động trực tiếp đã qua đào tạo của năm 2016 đạt tỷ lệ 62%, và đến năm 2020 đã đạt 100%.

Hằng năm, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo có uy tín mở hàng chục khóa học dưới nhiều hình thức cho hàng nghìn người, gồm các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, hướng dẫn viên du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cũng chủ động mở các lớp bồi dưỡng kiến thức làm du lịch cho nhân viên các cơ sở phục vụ khách du lịch và người dân tại các điểm đến trên địa bàn. Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng dân cư giúp người dân nâng cao nhận thức về lợi ích du lịch, tự tin hơn trong giao tiếp, tạo môi trường thân thiện, chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội đang dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tế, khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các khách sạn từ 3 đến 5 sao đều có trình độ đại học trở lên, sử dụng được ngoại ngữ và các thiết bị thông tin hiện đại, như máy tính kết nối internet, trao đổi thư điện tử, sử dụng website… Một số doanh nghiệp liên doanh nước ngoài có đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Hiện Hà Nội có hơn 2.600 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ, có thể sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ khi tham gia hướng dẫn cho du khách.

Một phần của tài liệu Thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững ở thành phố Hà Nội (Trang 51 - 53)