chế biến thực phẩm tại Công ty Cổ phần Eresson Việt Nam
2.2.1. Thuận lợi và khó khăn
2.2.1.1. Thuận lợi
Thứ nhất: Nhu cầu tiêu dùng, sản xuất sản phẩm Rượu - Bia - Nước giải khát tăng mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng phát triển của ngành Đồ uống tại thị trường Việt Nam là tất yếu. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, thức uống bao giờ cũng tăng cao cả về chất lẫn lượng. Nhu cầu này cũng kéo theo nền công nghiệp chế biến đồ uống đổi mới theo hướng hiện đại hơn. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty sản xuất đồ uống trên thị trường khiến mức độ cạnh tranh giữ các thương hiệu ngày càng lớn, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới dây chuyền công nghệ.
Thực tế, thời gian gần đây, các doanh nghiệp cũng bắt đầu nhận thức rõ yêu cầu đó và chú trọng vào việc nâng cao công suất. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi quan điểm và chủ động mở rộng vốn đầu tư vào máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại trên thế giới.
Thứ hai: Thị trường cung cấp hàng hóa đa dạng, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. 24
Nếu như trước đây, các đối tác cung cấp dây chuyền sản xuất cho công ty chủ yếu đến từ châu âu như Thụy Điển hay Đức thì hiện nay với sự mở cửa, hội nhập mạnh mẽ về thương mại, kinh tế, các chính sách về thuế quan, công ty đã có thể mở rộng quan hệ với các đối tác mới ở gần hơn, có uy tín và sẵn sàng bán các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, có những ưu đãi thông thoáng hơn (như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore,...). Nhờ đó, công ty có thể giảm được thời gian và chi phí vận chuyển. Đó là chưa kể đến những ưu đãi từ mối quan hệ hợp tác giữa các nước và khu vực, đặc biệt là ưu đãi về thuế quan.
Thứ ba: Công ty luôn nhận được sự quan tâm của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam và được hưởng những chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực nhập khẩu mà công ty đang hoạt động.
Là một thành viên ưu tú của Hiệp hội, công ty đã đạt được nhiều thành tích, nhiều lần được Hiệp hội giới thiệu, biểu dương thông qua sách báo, tạp chí chuyên ngành và các buổi hội nghị tầm cỡ quốc tế. Nhờ đó, uy tín của công ty không ngừng được nâng lên, công ty đã được biết đến như một doanh nghiệp hàng đầu trong cung cấp các dây chuyền chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ tư: Công ty được hưởng lợi từ chính sách, định hướng nhập khẩu của Đảng và Nhà nước.
Với việc mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trở nên cởi mở hơn. luôn chú trọng tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Nhờ đó các doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ các chính sách này, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như Công ty Eresson.
Cụ thể, với lĩnh vực nhập khẩu, Đảng và nhà nước ta đã thống nhất định hướng nhập khẩu trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 như sau: “Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn. Đáp ứng yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị và công nghệ cao phù hợp với nguồn lực, trình độ sản xuất trong nước và tiết kiệm năng lượng, vật tư; định hướng nhập khẩu ổn định cho các ngành sản xuất sử dụng các nguyên, nhiên, vật liệu mà khai thác, sản xuất trong nước kém hiệu quả hoặc có tác động xấu đến môi trường.Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu”.
2.2.1.2. Khó khăn
Thứ nhất: Khó khăn về những vấn đề liên quan đến thuế nhập khẩu.
Đây cũng là vấn đề chung của các doanh nghiệp khác trong và ngoài ngành. Hiện nay, phần lớn các linh kiện, máy móc trong dây chuyền sản xuất đồ uống mà công ty nhập về đều không được quy định cụ thể trong bảng thuế nhập khẩu. Ví dụ, bom dùng cho bia và các loại nước hoa quả không có tên trong bảng thuế nhập khẩu. Khi áp mức thuế cho loại hàng này chỉ có thể áp theo mức thuế của “bơm nước” (mức thuế 30%) hoặc theo bơm loại khác (mức thuế 0%). Điều này gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong xác định chi phí và các thủ tục cần thiết. Đây là vấn đề rất khó thống nhất giữa doanh nghiệp và bộ phận hải quan, nhiều trường hợp gây tranh cãi và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan về thuế nhập khẩu cũng gây khó khăn cho công ty như áp thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu cao hơn máy móc nguyên chiếc hay nhập khẩu nguyên liệu vật tư linh kiện đem gia công trong nước phải nộp thuế nhập khẩu. Hiện nay, đây là những khó khăn chung mà tấtcả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đối mặt, buộc các doanh nghiệp phải có các chính sách, biện pháp hợp lý trong kinh doanh.
Thứ hai: Thủ tục hải quan có nhiều khâu phức tạp và rườm rà.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó gây chậm trễ trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Vẫn còn tình trạng cán bộ Hải quan hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ hải quan (ở hầu hết các khâu công chức cán bộ Hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp). Do đó, để giải quyết các vấn đề về giấy tờ nhanh chóng hoặc muốn sớm được nhận hàng, công ty phải tốn không ít chi phí bất hợp lý mà người ta thường gọi là “chi phí đen”.
Thứ ba: Những khó khăn trong việc vay vốn mà các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải đối mặt hiện nay.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với quy mô nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn vay phần lớn bị ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần, do tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp này khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay chính thức vì phần lớn mặt bằng sản xuất, máy móc, trang thiết bị cơ bản là đi thuê. Bên cạnh rào cản về yêu cầu tài sản thế chấp, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất khá cao. Ngoài việc phải chi trả lãi vay cao, để tiếp cận được với nguồn vốn vay tín dụng các doanh nghiệp phải bỏ thêm các chi phí lót tay và quà tặng...
Mặt khác, trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước.
Đó là chưa kể, ở nước ta hiện nay, cùng với sự tăng lên của giá cả đa số các mặt hàng thì lãi suất ngân hàng cũng tăng liên tục. Hiện nay, công ty thường chi một khoản lãi suất l,03%/tháng (12,36%/năm) cho các khoản vay nội tệ để mua ngoại tệ mà không được hưởng các ưu đãi như trước đây.
2.2.2. Ưu điểm
- Công ty Eresson đã tích lũy được kinh nghiệm thực tế của những doanh nghiệp đi trước, học hỏi cách làm của các công ty lớn, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giao nhận xuất nhập khẩu.
- Các công việc khi thực hiện quy trình được phân công một cách rõ ràng, rành mạch, nhiệm vụ mỗi phòng ban ở mỗi khâu đều được xác định rõ, tránh trùng lặp, khúc mắc. Đặc biệt, giữa các phòng ban khác với phòng kinh doanh xuất nhập khẩu luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhờ đó các công việc ở các khâu luôn được đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng, đảm bảo hiệu suất làm việc của từng nhân viên, từng phòng ban. - Nhân viên tiếp cận nhanh với công việc được giao, làm việc năng động và chuyên nghiệp, cập nhật thông tin kịp thời, có khả năng xử lý công việc một cách linh hoạt. Đội ngũ tại phòng kinh doanh xuất nhập khẩu là những cán bộ, nhân viên không những nắm rất chắc chuyên môn về xuất nhập khẩu, về kỹ thuật điện lạnh mà còn năng nổ nhiệt tình, và hết lòng với công việc được giao.
- Nhờ sự cải tiến về kỹ thuật mà nay việc thực hiện quy trình nhập khẩu đã được rút gọn nhưng vẫn nhanh và chính xác hơn, hiệu quả hơn, trong đó quyết định sử dụng khai Hải quan điện tử qua mạng là một cải tiến giúp đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí nhập khẩu một cách đáng kể.
- Công ty đã xây dựng được cơ chế quản lý chặt chẽ, linh hoạt, đội ngũ nhân lực có chất lượng cao đã thực sự đem đến một sức mạnh tổng hợp và tạo cho công ty một môi trường văn hóa doanh nghiệp khá tốt.
2.2.3. Hạn chế và nguyên nhân
- Quá trình nhập khẩu dây chuyền, máy móc có thời điểm bị trì trệ.
Nguyên nhân là do công ty vẫn còn những hạn chế về vốn cũng như số lượng và năng lực của cán bộ và công nhân nên công ty vẫn chưa thể đảm nhận những dự án quá
lớn (trên 10 triệu USD). Mặt khác, nhiều khi công ty cũng từ chối những dự án quá nhỏ (dưới 100 triệu đồng). Do đó, các đơn hàng có thời điểm bị chồng chéo, đan xen hoặc bị hủy hợp đồng nên không tránh được những lúc nhập khẩu bị trì trệ.
- Chi phí phục vụ cho hoạt động nhập khẩu của công ty tăng cao, việc giao nhận hàng hóa với các đối tác nước ngoài còn mang tính thụ động.
Nguyên nhân là do phần lớn các cán bộ, nhân viên xuất nhập khẩu hạn chế về trình độ ngoại ngữ, nhất là kỹ năng đàm phán trực tiếp với đối tác nước ngoài. Do đó, trong đàm phán hợp đồng, công ty thường phải thuê thêm nhân viên có trình độ ngoại ngữ tốt từ ngoài công ty, gây tốn thêm chi phí. Bên cạnh đó, các nhân viên xuất nhập khẩu vẫn còn một số nhược điểm về tìm kiếm và phân tích thông tin cũng như đảm nhiệm nghĩa vụ vận tải và nhận hàng từ công ty vận chuyển.
- Công ty cũng chưa thực sự chú trọng đến phát triẻn mạng lưới khách hàng, hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2000 chưa được áp dụng chặt chẽ.
- Quy mô công ty chưa lớn, chưa có mối quan hệ lâu năm với các cơ quan liên quan nên việc thực hiện quy trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Công ty chưa thực sự quan tâm đến vấn đề giải quyết khiếu nại, tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật trong các khâu liên quan đến việc làm chứng từ vẫn chưa được đầu tư mạnh, làm nhân viên bị động và mất nhiều thòi gian trong quá trình làm chứng từ, tờ khai.
Những khó khăn trên đã gây ra cản trở không nhỏ tới quá trình phát triển, trở thành điểm yếu của công ty trong đánh giá của các đối tác, làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của công ty.
Chương 3. BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO BẢN THÂN VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN QUY TRÌNH NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ
VÀ PHỤ KIỆN CHO CÁC DÂY CHUYỀN CHẾ BIẾN THỰC PHẨM TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ERESSON VIỆT NAM