Quá trình xây dựng địa đạo Phú An Phú Xuân

Một phần của tài liệu Địa đạo phú an phú xuân (đại lộc, quảng nam) trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) (Trang 27 - 33)

7. Bố cục của đề tài

2.2.Quá trình xây dựng địa đạo Phú An Phú Xuân

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, tại thôn Phú An - Phú Xuân (Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam), một địa đạo đã được xây dựng. Điều đó không phải được tiến hành một cách ngẫu nhiên mà chắc chắn phải xuất phát từ một sự tính toán trên nhiều phương diện.

Về vị trí địa lý, xã Đại Thắng nằm ở phía Nam huyện Đại Lộc, cách thị trấn Ái Nghĩa 6 km về hướng Tây - Nam thuộc vùng B của huyện Đại Lộc. Phía Bắc giáp xã Đại Minh về phía Tây giáp xã Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân, phía Đông giáp xã Đại Cường, phía Nam giáp dòng sông Thu Bồn [1, tr. 9].

Về hệ thống sông ngòi, sông Thu Bồn nằm ở phía nam của xã, chảy qua các thôn Xuân Nam, Xuân Đông, Phú Thuận, Giảng Hoà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, con sông này có ý nghĩa đặc biệt to lớn về chiến thuật. Hai bên bờ nam - bắc sông là những trận địa, làng chiến đấu kiên cố đã từng vùi chôn hàng trăm xác giặc, đồng thời là bức tường thiên nhiên vững chắc ngăn cản sức tiến công của kẻ thù vào xã Đại Thắng, bảo vệ che chở các lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong suốt hai cuộc chiến tranh.

Đại Thắng còn có một số khe, mương như khe Gai, khe Đá từ Đại Chánh, Đại Thạnh chảy xuống Xuân Nam rồi ra sông Thu Bồn, mương Thuỷ chạy từ Phú Phong chảy ra khe Gai. Các khe, mương này là những địa hình tự nhiên thuận lợi cho việc bố trí xây dựng hầm bí mật và các trận địa phòng ngự chặn đánh quân địch càn quét, cơ động lực lượng tránh máy bay phi pháo của địch.

Về địa hình, Phú An và Phú Xuân là hai thôn có địa hình cao của xã nên xây dựng địa đạo ở đây sẽ tránh được việc lũ lụt hằng năm dâng lên làm ngập địa đạo.

Đại Thắng có một số gò đồi như đồi Phú Phong, gò Sặt, gò Da, gò Hầm, gò Đình, gò Hiến….Tuy bình độ không cao nhưng chúng có tầm quan sát, phát hiện từ xa, cho nên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhân dân và các lực lượng vũ trang xã đã đối đầu quyết liệt với kẻ thù để làm chủ các gò đồi ấy. Địch càn quét chiếm đóng xã

Đại Thắng, chúng nhanh chóng cho xây dựng đồn bốt ở các gò, đồi để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân. Ta dựa vào địa hình tự nhiên gò, đồi, làng mạc xây dựng các trận địa phòng ngự, đào địa đạo để trụ bám đánh địch bảo vệ vùng giải phóng, giữ dân, giữ phong trào cách mạng [1, tr. 10-11].

Gò đồi, bàu, đầm, sông, suối, khe mương ở xã Đại Thắng xen kẻ nhau, nhân dân cùng sinh sống theo địa hình ấy và thường gọi địa hình này là “thế cài răng lược” [40]. Về thổ nhưỡng, Đại Thắng có 9 thôn, phân bổ theo địa hình nói như trên, chỉ có 2 thôn Phú An và Xuân Đông là liền nhau, thổ nhưỡng của 2 thôn này khá tốt, ngoài lớp đất canh tác dày 40-50cm ở trên còn bên dưới là đất sét, độ kết dính của đất sét khá chắc chắn và bền vững. Lớp đất canh tác dùng để trồng hoa màu còn lớp đất sét được người dân Đại Thắng dùng để đắp tường nhà, xây hầm chống bom và cũng dùng để xây dựng địa đạo [39].

Về giao thương, từ đặc điểm về địa lý, địa hình, xã Đại Thắng trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng B Đại Lộc, Đại Thắng là đầu mối giao lưu buôn bán của các huyện như Duy Xuyên, Nông Sơn, Hội An, Đà Nẵng vì lúc bấy giờ có chợ Phú Thuận là trung tâm hàng hoá sầm uất nhất xã và vùng B, là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho địa phương mà còn cho các xã vùng B và chiến khu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Để Quốc Mỹ xâm lược. Đò Phú Thuận luôn tấp nập ghe, thuyền, hàng hóa [39].

Về chính trị, Đại Thắng một trong những địa phương hoạt động cách mạng khá mạnh, cơ sở cách mạng vững chắc. Phong trào diệt ác phá kèm vào hạng nhất, nhì ở huyện. Đánh 40 trận tiêu diệt và bắt sống 80 tên ác ôn, chỉ điểm, tề, điệp, thám báo của Mỹ [40]. Đại Thắng là địa bàn cho các đội công tác mật của huyện và một số xã vùng B đứng chân, cũng là nơi trực tiếp và hỗ trợ đắc lực để giải phóng các xã vùng B, Đại Thắng giải phóng trước, đến cuối năm 1964 các xã vùng B hoàn toàn giải phóng. Nhân dân Đại Thắng giàu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng, nhà nào cũng có bằng Tổ quốc ghi công, bảng vàng danh dự, bảng gia đình vẽ vang, huân, huy chương các loại. Ví von như câu ca dao: “Ra ngõ gặp anh hùng vào nhà gặp dũng sĩ”. Địa đạo Phú An - Phú Xuân được nhân dân ca tụng là “địa đạo của lòng dân”, là địa đạo của ý chí, là quyết tâm đánh đuổi quân thù bảo vệ quê hương đất nước [39].

Từ những đặc điểm nói trên có thể thấy xã Đại Thắng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, địch muốn chiếm lại vùng B, trước hết phải chiếm cho được Đại Thắng, nên trên đất Đại Thắng lúc bấy giờ luôn diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch.

*Phương thức xây dựng địa đạo

Tháng 3 năm 1965, được sự chỉ đạo của Khu uỷ Khu V và Huyện uỷ Đại Lộc lúc bấy giờ chính quyền quân và dân Đại Thắng tiến hành thi công địa đạo Phú An - Phú Xuân. Thường vụ Huyện uỷ Đại Lộc chỉ đạo cho Đại Thắng thành lập ngay ban xây dựng địa đạo Phú An - Phú Xuân Đông do đồng chí Huỳnh Trầm - Bí thư của xã làm trưởng ban, đồng chí Mai Xuân Sanh và đồng chí Lê Thiện làm phó ban, trưởng các ngành, đoàn thể của xã và 9 vị trưởng ban tự quản của 9 thôn làm thành viên [40].

Ban xây dựng được phân công cụ thể như sau: Đồng chí Trưởng ban điều hành chung.

Đồng chí phó ban Mai Xuân Sanh phụ trách điểm đầu địa đạo từ xóm đình Phú An (gần chùa Phú Thọ bây giờ).

Đồng chí phó ban Lê Thiện phụ trách điểm cuối địa đạo từ miếu Trà Khoá.

Các thành viên khác theo đơn vị thôn và đoàn thể mình. Nông dân và Đoàn thanh niên là lực lượng chính thi công công trình. Phụ nữ lo phần cung cấp lương thực cho lực lượng thi công và đèn thắp sáng. Người cao tuổi hỗ trợ trảnh trạc, quang gánh, đòn khiêng, dây kéo đất. Y tế trực 100% theo các ca lao động sẵn sàng cấp cứu khi có tai nạn lao động xảy ra. Du kích (lúc bây giờ sống tập trung) ngoài việc tham gia cùng với Đoàn thanh niên (hầu hết du kích là đoàn viên thanh niên), còn có nhiệm vụ:

Lên các phương án tác chiến đánh địch từ xa. Ngụy trang đất mới đào.

Chuẩn bị sẵn sàng một số mìn để gài ngoài các miệng địa đạo khi có địch càn quét [40].

Điểm đặc biệt trong phương thức thi công địa đạo này là thay vì đa số các địa đạo khác trên đất nước chúng ta áp dụng cách đào truyền thống là chọn một điểm đầu và tiến hành đào đến điểm cuối thì quân và nhân dân Đại Thắng chọn đào đồng thời điểm

đầu và cả điểm cuối của địa đạo và đạt được thành quả vượt bậc khi độ chênh lệch nơi tiếp giáp hai điểm đào là rất thấp, không đáng kể. Việc này đã cho thấy sự sáng tạo của quân, dân Đại Thắng trong cách đào địa đạo [40].

Lộ trình của công trình địa đạo Phú An - Phú Xuân như sau:

Điểm đầu bắt đầu từ xóm đình Phú An (Gần chùa Phú Thọ bây giờ), qua vườn ông Đắc (Chú Hoa), vườn ông Cửu Đảng, vườn ông Cửu Giảng, vườn ông Ngộ, vườn ông Khoan, vườn ông Giám Trích, vườn ông Nhiếp, vườn bà Lê (Mười Âu), vườn ông Tri, vườn bà Xã Bữu, vườn ông Tiên (Huề), vườn ông Tư đến hết địa phận Phú An.

Ở địa phận thôn Xuân Đông, địa đạo đi qua vườn ông Thập, vườn ông Tư, vườn ông Tư, vườn ông Giáo, vườn ông Điển, vườn ông Nhất, vườn ông Trùm Triết, qua vườn ông Lê Đó đến miếu Trà Khoá (điểm cuối địa đạo Phú An - Phú Xuân). Như vậy, nơi giao nhau giữa hai đầu địa đạo thuộc về vườn nhà ông Thập [38].

Nhân lực tiến hành đào địa đạo được chia theo ca, cả lãnh đạo lẫn du kích đều chung tay thay phiên nhau cùng với quần chúng nhân dân đào và vận chuyển đất đá. Mỗi đêm làm từ 2-3 ca, mỗi ca từ 20 đến 25 người (lao động) [40].

Thời gian thi công: mọi hoạt động thi công công trình địa đạo đều chủ yếu đào vào ban đêm, không đào ban ngày được vì sợ địch phát hiện, hôm nào tình hình chiến sự yên tĩnh thì bắt đầu đào từ 15-16 giờ ngày hôm nay cho đến 6-7 giờ sáng ngày hôm sau [40].

Nhân dân trong các thôn được chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 15 người, mỗi người phải cố gắng hoàn thành 7m địa đạo, đất được chuyền mang ra đổ ngoài bờ sông hoặc hố bom để địch không nghi ngờ, phát hiện. Quá trình thi công không có người thiệt mạng, có vài người bị tại nạn, nhưng phần lớn là nhẹ, chỉ có anh Nguyễn Thanh Hùng bị xẻng rơi trúng đứt nhượng chân, sau này anh Hùng hy sinh [40].

*Dụng cụ xây dựng địa đạo

Trong quá trình thi công địa đạo Phú An - Phú Xuân có thể tính được hơn 100.000 ngày công tích cực, số lượng tre được huy động là hơn 80.000 cây tre, sử dụng khoảng hơn 30.000 dụng cụ đào như cuốc, xẻng, nong, nia, cần, trạc, quang gánh…[39]. Có một loại công cụ đào địa đạo rất hữu hiệu và thể hiện sự thông minh của người dân xã lúc bấy giờ đó là cần dọt. Cần dọt giống như cái bập bênh, được làm bằng tre với một thanh dài 4m làm cần trục (một đầu có dây móc trạc tre, còn đầu kia buộc tảng đá), hai thanh

ngắn 1m làm trụ đỡ. Những người tham gia đào địa đạo Phú An - Phú Xuân đã áp dụng nguyên lý đòn bẩy để đưa trạc đất từ sâu trong lòng địa đạo lên cửa rồi chuyển đến nơi khác đổ. Đất được lấy từ dưới lên bằng cần dọt và kéo tay. Đơn vị nào thi công theo đơn vị đó và tự lo mọi phương tiện dụng cụ như đã phố biến trước. Các lão thành phụ trách hỗ trợ khi dụng cụ lao động của đơn vị đó bị hư hỏng trong lúc thi công. Trục, trình, quang gánh để tiến hành xây dựng địa đạo tính được hơn 10 vạn cái. Đèn thắp có thể nói hàng tấn đèn sáp, ngoài ra còn sử dụng đèn dầu. Số lượng các ống thông hơi chưa tính. Cơm nước phụ nữ phục vụ cho các đơn vị thi công ăn giữa ca chưa tính được. Ông Trần Hoàng Tám (73 tuổi, ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng) là du kích địa phương tham gia đào địa đạo Phú An - Phú Xuân cho biết: sử dụng cần dọt rất hiệu quả, bằng công sức của ba bốn người đưa trạc đất từ 4m trong lòng đất lên trên cửa. Công tác đào chỉ thực hiện vào ban đêm để tránh địch phát hiện và đất đá được bí mật đổ ra sông Thu Bồn hoặc nguỵ trang tránh địch ảnh hưởng đến địa đạo [39].

*Cấu trúc và quy mô địa đạo

Các thôn Phú An, Phú Xuân (xã Lộc Quý) đào được 2.620 mét, có đường thông ra các hầm bí mật, giao thông hào. Địa đạo được thiết kế sâu dưới đất từ 3-6m, chiều cao địa đạo là 1,8m và bề rộng là 1m, với chiều cao này chỉ đủ cho một người đi lom khom

[39].Địa đạo thiết kế có ba ngách chính được thông ra với các thông hào cầu ông Nở để chặn đánh địch, được kết nối với các hầm dân sự để tránh hao tổn lực lượng. Tất cả mọi dụng cụ, lực lượng, tổ toán các đơn vị đều chuẩn bị đầy đủ trước.

Cửa miệng hầm được thiết kế thẳng đứng có tác dụng chống bom mìn và lựu đạn của địch, hai miệng hầm chính đào từ mặt đất xuống sâu 6m thẳng đúng, chừa dưới dày 1m, rồi mới khoét vào rộng 1m, cao 1,8 m [40]. Miệng hầm thẳng đứng làm địch không dám xuống, còn phía ta khi đi xuống bằng thang rồi cất đi. Việc đào ở cửa miệng địa đạo sâu hơn 1m so với nền của địa đạo là để khi có địch đi càn quét, nếu địch phát phát hiện miệng địa đạo có ném lựu đạn xuống thì lựu đạn sẽ nổ ở đáy đó, không rơi chỗ khác được, ta bảo vệ được tính mạng và công trình hệ thống địa đạo. Ngoài ra phòng khi có nước mưa vào trong địa đạo thì ta dồn hết nước về phía hố ở hai miệng hầm rồi vét nó lên.

Địa đạo có vô số ngách nhưng hiện nay được trùng tu được 800m khu trung tâm. Lúc bấy giờ không có trắc địa, không có máy ngắm, chỉ ước lượng bằng mắt thường về

độ thẳng cũng như binh độ giữa hai đầu địa dạo. Khi hai đầu thông nhau rất may mắn độ chênh lệch không bao nhiêu.

Trong tuyến địa đạo ngoài hai miệng hầm chính còn có 3 miệng hầm phụ (thường gọi là ba ngách của địa đạo). Ba miệng hầm phụ này mỗi miệng nằm cách tuyến địa đạo chính khoảng 100m [40]. Tất cả được ngụy trang giống như nắp hầm bí mật. Việc xây dựng các miệng hầm phụ có tác dụng sau:

Một là, để bộ đội, du kích đánh giặc ở chiến hào phía trước từ bìa làng đầu Xuân Đông đến hết bìa làng Phú An gần giáp Gò Sặt là một dãy giao thông hào sâu độ 1,5m khi cần rút quân bảo toàn lực lượng chuyển thương binh thì theo 3 đường đó.

Hai là, nếu địch đánh vào hai miệng địa đạo chính không thể trú ẩn được thì tuỳ theo tình hình lúc bấy giờ có thể phân công lực lượng theo 3 đường hầm đó, đánh mở đường máu.

Ba là, nếu địch tấn công toàn lực tất cả các miệng hầm thì quân ta sẽ di chuyểntoàn bộ lực lượng qua hầm bí mật ăn thông với địa đạo, mỗi hầm bí mật chứa 5 đến 7 người. Đề phòng là vậy nhưng chưa bao giờ địch tấn công vào địa đạo được. Trong tuyến địa đạo cứ 100m sẽ có một hầm chữ A làm bằng gốc tre già tươi để đề phòng sạt lở đất khi có tác động mạnh bên ngoài hoặc tự nhiên, khi có sự cố vào đó để tránh. Trong địa đạo có nơi dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, y tế khi ở lại dưới hầm [40].

Ngoài ra trong địa đạo có 3 gian hầm lớn, mỗi gian hầm dài 3m, rộng 2m. Một để dùng cho cơ quan khu uỷ Quảng Đà làm việc. Một để dùng cho cơ quan Huyện uỷ Đại Lộc làm việc. Một để dùng cho y tế sơ cứu thương khi cần thiết. Cơ quan khu uỷ Quảng Đà và Huyện uỷ Đại Lộc đóng ở đây từ năm 1966 đến đầu năm 1968 (Sau chiến dịch Mậu Thân 1968) trở về chiến khu. Vì sự khốc liệt của chiến tranh ngày một ác liệt hơn cần phải bảo vệ cơ quan đầu não của ta. Ác liệt đến mức nhà thơ Thu Bồn khi viết về vùng B có câu: “Viên đạn năm nay cày lên viên đạn năm xưa”. Trung tướng Võ Tiến Trung - Uỷ viên trung ương Đảng, giám đốc học viện Quân sự Bộ quốc phòng từng nói: “Tôi ở chiến trường Quảng trị đã ác liệt rồi, về chiến trường Quảng Đà còn ác liệt hơn”. Nhà văn Nguyễn Trung Thành viết trong tác phẩm “Đường chúng ta đi”: “Không biết có nơi nào nữa trên trái đất quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không?” [40].

Các lỗ thông hơi được bố trí dày đặc. Cứ một đoạn 50m có một lỗ thông hơi. Lỗ thông hơi phải đưa ra xa địa đạo. Các lỗ thông hơi được làm bằng cách nổ đôi cây tre đôi, róc hết mắc bên trong rồi úp lại sau khi lắp ổng thông hơi xong phải dùng cục đá thả từ trên miệng ống thông hơi xuống, cục đá đó rơi ở đâu thì đào ở đó một ục sâu hơi mặt địa đạo từ 30-40cm. Mục đích là để nếu địch phát hiện lỗ thông hơi, địch sẽ thả lựu đạn bi theo lỗ thông hơi rơi xuống nó sẽ nổ hết ở ục đó. Không lẫn đi chỗ khác

Một phần của tài liệu Địa đạo phú an phú xuân (đại lộc, quảng nam) trong kháng chiến chống mỹ (1965 1975) (Trang 27 - 33)