2.3.2.1. Bệnh viêm tử cung cấp tính
Bệnh thường xảy ra sau các ca đẻ khó, đẻ bình thường cũng có thể mắc. Bệnh này có thể gọi là chứng nhiễm trùng tử cung cấp tính.
Bệnh thường xảy ra sau đẻ khó, sau khi sảy thai, thai chết lưu, sót nhau. Có thể do quá trình can thiệp kéo thai ra ngoài làm xước niêm mạc tử cung dẫn tới nhiễm trùng. Cũng có thể do thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống nhiều lần trong một lần lên giống. Bị nhiễm vi khuẩn Escherichia coli là phổ biến nhất, có thể còn thấy Streptococcus, Staphylococcus.
Triệu chứng chủ yếu
Sốt, suy nhược, biếng ăn, có nhiều dịch tiết bất thường từ âm đạo chảy ra, có thể ói mửa. Dịch tiết có lẫn mủ và mùi hôi tanh khó chịu.
Điều trị
Thụt rửa bằng nước muối sinh lý, thuốc tím hoặc cồn iod pha loãng. Dùng các loại kháng sinh để diệt vi khuẩn: Amoxcicillin, gentamicyn,… Tăng cường trợ sức trợ lực: truyền dịch và tiêm thuốc bổ như B.complex, vitamin B1, B6, B12.
Nếu quá nặng thì can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung.
Cắt bỏ tử cung là phương pháp triệt để nhất.
2.3.2.2. Đẻ khó
Theo Tô Du, Xuân Giao (2006) [5], đẻ khó là vấn đề khá phổ biến với chó mèo, đặc biệt là những giống chó mèo nhỏ nuôi để làm cảnh. Vì vậy ta phải nhận định và can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Do khiếm khuyết của cơ tử cung, bất thường trong quá trình biến dưỡng, xoang chậu hẹp, thai quá lớn, thai chết, tư thế thai bất thường …
Chẩn đoán
Theo Huỳnh Văn Kháng (2003) [12], gia súc có nhiệt độ hạ, sau 24 giờ mà chưa thấy đẻ.
Thành bụng co thắt mạnh từ 1 - 2 giờ mà không thấy thai nào ra. Đã đẻ được mà con tiếp theo sau 1 đến 2 giờ không thấy ra tiếp.
Mang thai quá lâu mà chưa thấy đẻ (> 60 ngày). Tiền sử đẻ khó, con ra không hết, bị vướng lại.
Điều trị
Tiêm oxytocin, sau 30 phút chưa thấy đẻ được thì tiêm thêm một mũi nữa. Mổ đẻ: gây mê rồi mổ và lấy thai ra.
2.3.2.3. Viêm bàng quang Nguyên nhân gây bệnh
Sự nhiễm trùng bàng quang có thể do vi khuẩn xâm nhập từ máu hay bạch huyết. Có thể do vi khuẩn lên từ đường niệu đạo. Đây là dạng thứ phát do tổn thương cơ học, sự căng bàng quang trên chó mèo thường thấy chủ yếu là các vi khuẩn gram âm như: Pseudomonas proteusmira. Vi khuẩn gram dương ít thấy hơn: Streptococcus, Staphylococcus …
Triệu chứng chủ yếu
Đi tiểu khó, bí tiểu, bồn chồn, sốt, biếng ăn. Nước tiểu có màu sẫm, có thể lẫn máu. Bàng quang căng cứng, có thể nhìn thấy rõ từ ngoài. Nếu để lâu có thể dẫn tới trúng độc.
Điều trị:
Dùng thuốc kháng sinh: Amoxicillin. Kết hợp với cầm máu bằng vitamin K. Thông tiểu hàng ngày cho con vật.
Tăng cường trợ sức trợ lực: truyền dịch và tiêm thuốc bổ như B.complex, vitamin B1, B6, B12.