Theo Nhà đầu tư cá nhân thường là những nhà đầu tư quy mô nhỏ lẻ, phần đông là thiếu chuyên nghiệp. Họ giao dịch với giá trị nhỏ hơn nhiều so với nhà đầu tư tổ chức (Goetzman và Kumar, 2008). Việc giao dịch được thực hiện thông qua tài khoản cá nhân của họ tại công ty chứng khoán.
Các đặc điểm chính của nhà đầu tư cá nhân:
Các nhà đầu tư cá nhân là những người tham gia TTCK không chuyên nghiệp và thường đầu tư số tiền nhỏ hơn các nhà đầu tư tổ chức.
Các nhà đầu tư cá nhân sẽ phải trả mức phí giao dịch cao hơn các nhà đầu tư tổ chức vì giá trị giao dịch của họ nhỏ hơn, do đó sẽ không được ưu đãi nhiều từ các công ty môi giới chứng khoán.
Nhà đầu tư cá nhân rất đa dạng, họ có thể làm bất kể ngành nghề nào, không bị giới hạn về lĩnh vực làm việc. Chỉ cần có tài khoản chứng khoán là có thể giao dịch được.
Các nhà đầu tư cá nhân thường mua và bán các giao dịch trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu và có xu hướng đầu tư số tiền nhỏ hơn nhiều so với các nhà đầu tư tổ chức lớn. Họ thường đầu tư vào cổ phiếu của các công ty nhỏ vì mức giá thấp hơn, cho phép nhà đầu tư cá nhân mua nhiều chứng khoán khác nhau với số lượng cổ phiếu thích hợp để đạt được danh mục đầu tư đa dạng.
Tóm lại, nhà đầu tư cá nhân là những người cá nhân riêng lẻ, tham gia mua bán giao dịch cổ phiếu nhằm mục đích sinh lợi, kỳ vọng đạt được mục tiêu tài chính đề ra. Họ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp, thiếu kiến thức, kỷ luật khi tham gia thị trường chứng khoán. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư cá nhân dễ tổn thương khi gặp các quyết định mua cổ phiếu sai lầm.
2.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng quyết định đầu tư
Theo Nguyễn Đức Hiển (2012), quyết định đầu tư là sự cam kết của các nguồn tiền tại thời điểm khác nhau với kỳ vọng lợi nhuận kinh tế trong những thời điểm ở tương lai. Sự lựa chọn được đưa ra nhằm đem lại khoản thu sau một khoảng thời gian trong cả quy trình đầu tư.
Sẽ có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, nên đây luôn được xem là khái niệm cần quan tâm khi nghiên cứu đến hành vi của các nhà đầu tư cá nhân. Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng sẽ được xem xét từ bên trong và bên ngoài nhà đầu tư (Lê Hoàng Thu Dung, 2014), cụ thể như sau:
Các yếu tố bên trong thuộc về cá nhân của nhà đầu tư như:
Tuổi tác: Ở một độ tuổi sẽ có những thói quen và nhu cầu khác nhau với mỗi cá nhân. Khi người ở độ tuổi cao sẽ có xu hướng tiếp nhận thông tin mới khó
khăn, việc xử lý các thông tin mới mất thời gian hơn những người trẻ. Do đó, những nhà đầu tư cá nhân trẻ tuổi thường sẽ có mức độ tự tin cao hơn những nhà đầu tư lớn tuổi, thích đa dạng danh mục đầu tư, mua bán nhiều mã chứng khoán liên tục. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân lớn tuổi sẽ bớt có tâm lý đánh bạc trên TTCK hơn những người trẻ, việc ra quyết định đầu tư cũng điềm đạm hơn, có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và khoa học trước khi quyết định mua bán cổ phiếu nào đó.
Nghề nghiệp: Với mỗi cá nhân khác nhau, môi trường làm việc, tính chất nghề nghiệp cũng ảnh hưởng đến hình thành tính cách của mỗi cá nhân. Từ đó, mỗi cá nhân đưa ra các lựa chọn danh mục cổ phiếu ở các lĩnh vực nghề nghiệp mà họ quan tâm là chủ yếu, dễ bị thu hút từ các lĩnh vực liên quan đến nghề nghiệp của họ. Lĩnh vực làm việc của mỗi người cũng sẽ ảnh hưởng đến nhóm ngành nghề mã chứng khoán mà họ muốn giao dịch. Ví dụ người công nhân thợ may quần áo, giày dép, … sẽ thường quan tâm đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc. Hoặc nhân viên ngân hàng sẽ thường nắm giữ danh mục các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng. Người làm việc liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính, điện tử đa phần cũng sẽ hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu nhóm ngành công nghệ thông tin.
Giới tính: Sẽ có nhiều sự khác biệt khi quyết định một vấn đề nào đó giữa các giới tính khác nhau. Trong khi giới tính nam chủ yếu sử dụng não trái, thiên về tư duy logic, lý trí để xử lý thông tin vấn đề. Còn giới tính nữ thì lại có khả năng sử dụng cả hai phần não trái và não phải. Về chi tiết, não trái sẽ có tài trong việc tính toán số liệu, xử lí các con số và ước lượng. Ngược lại, những người sử dụng não phải lại chú ý tới hình ảnh, màu sắc, ngôn ngữ, sử dụng cảm xúc bản thân. Khi ra quyết định đầu tư, nam giới thường sẽ quan tâm đến lợi ích, giá trị mang lại khi đầu tư. Còn nữ giới thường sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc khi quyết định giao dịch cổ phiếu nào đó. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ mang tính tương đối. Không có thống kê chính xác về việc nam giới hay nữ giới có hiệu quả đầu tư hơn. Nhưng sự khác biệt về giới tính có thể được
thể hiện rõ khi lựa chọn cổ phiếu an toàn, độ rui ro thấp hay tìm kiếm những lợi nhuận vượt bậc với mức rủi ro cao. Điều này một phần diễn đạt về hành vi nhà đầu tư cá nhân khi giao dịch trên TTCK.
Các yếu tố bên ngoài tác động đến nhà đầu tư như kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội.
Kinh tế: bao gồm các yếu tố kinh tế vi mô và vĩ mô, toàn cảnh về thị trường chứng khoán sẽ có các tác động và mức độ ảnh hưởng khác nhau đến với mỗi nhà đầu tư cá nhân, vì mỗi cá nhân đều có nhận định khác nhau về nền kinh tế. Với mỗi quan điểm khác nhau về nền kinh tế, nhà đầu tư cá nhân ra quyết định mua cổ phiếu với nhận định đó của mình. Điều này là tác động tương đối lớn vì cá nhân thiếu sự kỷ luật, dễ bị ảnh hưởng từ các tác động xung quanh, và nền kinh tế là bức tranh tổng thể của thị trường, nên nhà đầu tư cá nhân khi ra quyết định mua cổ phiếu không thể tránh khỏi sự tác động từ các biến chuyển của nền kinh tế gây ra.
Chính trị, văn hóa – xã hội: mỗi cá nhân đều có một môi trường văn hóa khác nhau, riêng biệt. Môi trường văn hóa – xã hội tạo ra cho nhà đầu tư cá nhân các quan điểm nhìn nhận, đánh giá khi ra quyết định mua cổ phiếu. Sự ổn định về chính trị, hệ thống pháp lý bảo mật, chặt chẽ, có tổ chức chặt chẽ, bên cạnh trình độ văn hóa, vùng miền tạo lập nên mỗi cá nhân nhà đầu tư, từ đó họ đưa ra quyết định chọn lựa cổ phiếu họ mong muốn, phù hợp với bản thân. Văn hóa có sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quyết định này, vì lẽ đương nhiên, mỗi cá nhân có văn hóa riêng biệt khi đầu tư, quan điểm và cách tiếp cận TTCK cũng từ đó mà khác nhau. Ví dụ như các nhà đầu tư cá nhân miền Bắc thường sẽ có xu hướng đầu tư 70% vốn của mình, 30% dự phòng rủi ro; các nhà đầu tư cá nhân miền Trung hầu như sẽ cẩn thận hơn trong danh mục với 50% hoặc ít hơn vốn dùng cho đầu tư, 50% còn lại dự phòng; riêng các nhà đầu tư cá nhân miền Nam phần lớn sẽ quyết định đầu tư với 90% vốn của mình, để lại 10% dự phòng rủi ro hoặc có thể sử dụng tất cả 100% vốn và vay thêm (sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính) để tham gia TTCK.
Tóm lại, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mỗi cá nhân. Có các yếu tố ảnh hưởng cùng chiều và cũng có yếu tố ảnh hưởng ngược chiều đến quyết định mua cổ phiếu. Quyết định mua cổ phiếu được đưa ra với kỳ vọng mang lại khoản lợi nhuận trong một khoảng thời gian trong quy trình đầu tư. Với mỗi quyết định đưa ra khi đầu tư, các nhà đầu tư chịu tác động từ nhiều khía cạnh của cuộc sống, có thể từ bên trong nhà đầu tư như các vấn đề liên quan đến tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp hoặc từ bên ngoài như các yếu tố liên quan đến nền kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội. Như vậy, môi trường xung quanh và bên trong mỗi nhà đầu tư cá nhân đều có ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân.
2.2. Lý thuyết và mô hình về hành vi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán
2.2.1. Lý thuyết thị trường hiệu quả
Tài chính truyền thống là một khối kiến thức được xây dựng dựa trên trụ cột của các nguyên lý về chênh lệch giá của Modigliani và Miller, các nguyên lý danh mục đầu tư của Markowitz, lý thuyết định giá tài sản của Sharpe và lý thuyết định giá quyền chọn của Black, Scholes và Merton (Statman, 1999). Theo lý thuyết thị trường hiệu quả, giá cả trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, phản ánh đầy đủ mọi thông tin đã biết và giá cả có thể được xem như một sự đánh giá tối ưu về giá trị đầu tư thực ở mọi thời điểm. Lý thuyết thị trường hiệu quả được đặt cơ sở trên quan điểm là con người hành động hợp lý, tối đa hoá lợi ích mong đợi một cách chính xác và xử lý tất cả những thông tin có sẵn (Shiller, 1998). Nói cách khác, những tài sản tài chính luôn luôn được định giá hợp lý, căn cứ vào những gì đã biết công khai. Giá cổ phiếu được mô tả như những bước đi ngẫu nhiên theo thời gian: giá cả thay đổi không thể dự đoán được bởi vì chúng chỉ xảy ra khi phản ứng lại với những thông tin mới có thật, và mỗi thông tin đều mới, không thể dự đoán được (Shiller, 2000). Chính vì mọi thông tin đều được phản ánh vào trong giá cổ phiếu nên nó không thể tạo ra được lợi nhuận trên mức trung bình và đánh bại thị trường theo thời gian mà không chịu rủi ro quá mức.
2.2.2. Lý thuyết tài chính hành vi
Lý thuyết tài chính hành vi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng có ý nghĩa quan trọng nhất đến quyết định đầu tư và luôn được đề cập đến trong các nghiên cứu trước đây về yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia TTCK (Kengatharan & Navaneethakrishnan, 2014). Dựa trên việc phân tích tâm lý, tài chính hành vi đã giải thích các diễn biến bất thường trên TTCK. Cấu trúc thông tin và đặc tính của những người tham gia vào thị trường chứng khoán được tài chính hành vi giả định đều bị ảnh hưởng liên kết chặt chẽ đến quá trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân, kèm theo thông qua các tác nhân khác từ thị trường cũng ảnh hưởng theo. Lý thuyết tài chính hành vi chỉ ra rằng không phải lúc nào cũng xảy ra cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng. Tức là không phải những nhà đầu tư cá nhân thông minh, khôn ngoan hơn thì đưa ra những quyết định đầu tư có hiệu quả cao hơn những nhà đầu tư cá nhân yếu kém khác, họ cũng cùng chịu mức độ rủi ro và cũng có thể xảy ra thua lỗ như nhau. Lúc này thị trường sẽ không hiệu quả, hay tài sản tài chính được định giá quá cao hoặc quá thấp. Tuy không thể giải thích trọn vẹn được tại sao điều này lại xảy ra, cũng như đã có nhiều nghiên cứu trước đây chưa giải thích được về sự đối lập giữa sự hợp lý trong hành vi trên TTCK với sự hiệu quả. Khi lý thuyết tài chính hành vi chưa lý giải được sự liên quan trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân hợp lý hơn đến hiệu quả đầu tư của họ, điều này là điểm hạn chế của lý thuyết. Do đó, trong phạm vi đề tài nghiên cứu sẽ không khám phá về tính hiệu quả của kết quả đầu tư sau khi đưa ra các quyết định của nhà đầu tư cá nhân.
Theo Bikas và cộng sự (2013), có nhiều nghiên cứu đưa ra quan niệm khác nhau về tài chính hành vi trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, phổ biến nhất đều chỉ ra rằng tài chính hành vi nghiên cứu sự ảnh hưởng của tâm lý tác động đến hành vi thực hiện của những người tham gia giao dịch trên thị trường tài chính, sẽ tạo ra những kết quả từ việc ảnh hưởng tác động đó. Tóm lại, tài chính hành vi bổ sung vào các lý thuyết tài chính cơ bản khi giải thích hành vi của quá trình ra quyết định giao dịch. Ngược lại với lý thuyết của Markowitz (1952) và Sharpe (1964), hành vi tài chính
giải quyết vấn đề của các cá nhân và cách mà họ thu thập và sử dụng thông tin. Hành vi tài chính tìm cách để hiểu và dự đoán được quá trình ra quyết định có quan hệ đến hệ thống thị trường tài chính. Ngoài ra, nó còn tập trung vào việc cải thiện các quyết định tài chính bằng việc áp dụng các nguyên lý tâm lý (Olsen, 1998). Tài chính hành vi được xem như là định nghĩa một lĩnh vực tài chính riêng biệt, trong đó sử dụng quan điểm tâm lý của cá nhân để thực hiện các hành vi trên thị trường tài chính, bỏ qua các giả thuyết thị trường hiệu quả (Fama, 1998). Cuối cùng, lý thuyết tài chính hành vi đưa ra sự liên kết giữa đặc điểm của nhà đầu tư cá nhân và thông tin kết quả giao dịch trên TTCK là do ảnh hưởng bởi các thông tin liên quan, các đặc điểm tính cách khác nhau của mỗi người tham gia trong đó (Bakar & Yi, 2016). Đây chính là điểm cần thiết của lý thuyết tài chính phục vụ cho đề tài nghiên cứu của tác giả. Nhờ đó, danh mục chọn lựa cổ phiếu của các nhà đầu tư cá nhân thông qua hành vi của họ được tìm hiểu và khám phá rõ các nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn đó.
2.2.3. Lý thuyết triển vọng
Lý thuyết triển vọng dựa trên một loạt các minh chứng thực nghiệm về hành vi lựa chọn thực tế của cá nhân, lý thuyết được phát triển để trình bày một mô hình chính xác về việc ra quyết định của con người. Theo Kahneman and Tverskys (1979), lý thuyết triển vọng chỉ ra rằng nhận thức của mọi người về lãi và lỗ là sai lệch, bởi hầu hết đều sợ mất mát hơn là được khích lệ khi thu về một khoản lợi nhuận. Nếu mọi người được lựa chọn hai triển vọng khác nhau, họ sẽ chọn triển vọng mà cho rằng ít có cơ hội kết thúc trong thua lỗ, thay vì triển vọng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng nắm giữ những cổ phiếu đang mang lại lợi nhuận, việc nắm giữ này dễ dàng hơn so với việc đánh đổi bán đi cổ phiếu đang có lợi nhuận để tiếp tục đầu tư để tìm kiếm các cơ hội khác, nhằm nâng cao lợi nhuận cho tài khoản.
Ở khía cạnh khác, khi có khoản đầu tư bị thua lỗ, nhà đầu tư thay vì có biện pháp “cắt lỗ” tuân thủ kỷ luật thì họ lại chấp nhận duy trì tiếp tục với kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai, đồng thời với việc đó sẽ kèm theo rủi ro cao về danh mục đầu tư. Lý thuyết phần nào đã cho thấy được bản chất hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khi họ có những điều nghịch lý khi ra quyết định đầu tư, gây tổn tại đến tài khoản của mình vì những
đặc điểm cá nhân. Đôi khi, khi giá cổ phiếu tăng, họ thường bán ngay để hiện thực hoá lợi nhuận. Nhưng khi cổ phiếu giảm giá, họ lại chần chừ không muốn bán vì khi hiện thực hoá khoản lỗ sẽ khiến tâm lý của nhà đầu tư khó chịu, cảm giác mất mát