Ngôn ngữ giản dị, sinh động

Một phần của tài liệu hình tượng song hành nam – nữ trong ca dao trữ tình (Trang 27 - 28)

Ca dao là hình thức văn hóa dân gian đã có từ rất lâu, giản dị, sinh động và gần với ngữ điệu của cuộc sống, giàu tính thơ, hàm súc và cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc và cũng rất dễ đi vào lòng người. Đó là những nét đặc trưng nhất trong ngôn ngữ ca dao. Những lời tâm tình thủ thỉ, những trạng thái tâm lí của đôi trai gái đang yêu, những cung bậc tình cảm được ca dao diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ vừa giản dị, vừa bay bổng, ý nhị và đậm đà.

Phần lớn ngôn ngữ trong ca dao là thứ ngôn ngữ tự nhiên, một thứ khẩu ngữ đã được tác giả dân gian văn chương hóa nhưng lại hết sức mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nó dễ hiểu và được hiểu theo lớp nghĩa hàm ngôn. Có những kiểu tỏ tình vòng vo như trong bài Tát nước đầu đình, nhưng lại có kiểu tỏ tình trực tiếp chân thành và chất phác :

Gặp em anh nắm cổ tay Nhờ vá cái áo, nhờ may cái quần

Nhưng lại có kiểu tỏ tình hết sức táo bạo:

Đường xa thì thật là xa

Mượn mình làm mối cho ta một người Một người mười chín đôi mươi Một người vừa đẹp vừa tươi như mình

Hay lại có cách nói thẳng thừng:

Anh đã có vợ hay chưa? Mà anh anh nói gió đưa ngọt ngào

Mẹ già anh ở nơi nao Để em tìm vào hầu hạ thay anh

Cô gái đã bộc lộ tình yêu của mình một cách thẳng thắn không chút quanh co, giấu diếm thể hiện một cách nói giản dị, mộc mạc nhưng lại rất chân tình.

Bên cạnh hướng nghĩa tự nhiên như bài ca dao trên ca dao cũng có nhiều câu đi theo hướng mĩ hóa ngôn từ, hướng tới sự bóng gió, hàm ẩn. Có thể nói đây là cách nói dùng hình ảnh so sánh ngầm giữa hai đối tượng. Cách nói này tạo nên giọng điệu tươi mát, nhẹ nhàng, uyển chuyển, tế nhị. Đây là cách nói kín đáo đủ cho hai tâm hồn đồng điệu nhận ra tín hiệu của nhau.(Lê Đức Luận).

Tuy ca dao đã xây dựng hình tượng bằng nhiều cách như ẩn dụ, hoán dụ hay dùng những điển cố, điển tích nhưng chúng đều giống nhau ở một điểm là lấy cái nọ để nói về cái kia, mượn cái cụ thể để biểu đạt cái khái quát làm cho văn bản ca dao không chỉ giàu ý nghĩa mà còn khiến cho nội dung trữ tình ở đây vừa mang tính cụ thể do nghĩa đen tạo ra lại vừa mang tình trừu tượng, khái quát do nghĩa biểu hiện chứa đựng (Nguyễn Hằng Phương). Như hình ảnh câu ẩn dụ sau:

Bên anh dư đất trồng cau

Cho em xin miếng trồng trầu một bên

Đây là cách nói bóng gió, xa xôi bằng việc sử dụng hình ảnh, từ ngữ nhằm gợi dắt đến ý muốn bày tỏ một cách tế nhị, kín đáo. Cautrầu là hai vật đi liền nhau trong văn hóa ứng xử và ngược lại như hai ta luôn có nhau, như đôi Nam - Nữ luôn là cặp song hành. Đó là hình ảnh đôi vợ chồng quấn quýt bên nhau không thể tách rời đã là một hiện tượng thẩm mĩ tuyệt vời trong kho tàng văn học dân gian.

Như vậy ca dao đã diễn tả đầy đủ những cung bậc tình yêu từ những lời tỏ tình cho đến những lời ước hẹn thủy chung, những nỗi nhớ, niềm thương, những tiếng nói yêu thương cũng được cất lên mãnh liệt và thể hiện khát khao hạnh phúc lứa đôi. Để những cung bậc tình cảm đó được bay vút lên tác giả dân gian đã cất lên đôi cánh của tình yêu và rất thành công với việc sử dụng thành công ngôn ngữ hiển ngôn ( hướng nghĩa trực tiếp) và ngôn ngữ hàm ngôn (theo nghĩa bóng gió, hàm ẩn). Chính điều đó đã làm cho những câu ca dao như những làn điệu của tình yêu lúc trầm bổng réo rắt trong từng câu hát dân gian.

Một phần của tài liệu hình tượng song hành nam – nữ trong ca dao trữ tình (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(33 trang)
w