Khái niệm kế toán quản trị

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 31 - 35)

8. Kết cấu của luận án

1.1.2. Khái niệm kế toán quản trị

KTQT là một bộ phận của hệ thống kế toán DN, có chức năng thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin thoả mãn nhu cầu của các nhà quản lý DN. Như vậy, nếu thông tin không chi tiết, không đầy đủ các nhà quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành hoạt động của DN. Nếu thông tin không chính xác, các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định sai lầm ảnh hưởng đến quá trình tồn tại và phát triển của DN. Và nếu thông tin không được đáp ứng kịp thời thì các vấn đề tồn tại sẽ chậm được khắc phục và có thể sẽ mất cơ hội trong kinh doanh. Có thể nói, KTQT có một vai trò quan trọng, cần thiết, không thể thiếu được đối với quá trình quản trị DN.

Cho đến nay, KTQT đã được nhiều học giả, tổ chức nghiên cứu và đưa ra các khái niệm khác nhau theo các cách tiếp cận khác nhau. Scapens (1991) đã phát biểu rằng không có một khái niệm chung về KTQT. Do đó, trong luận án này, NCS tổng hợp khái niệm KTQT theo ba góc độ và được cập nhật gần đây nhất:

Thứ nhất: Dưới góc độ khoa học

Năm 2012, Atkinson A. – Giáo sư kế toán tại Trường đại học Waterloo và Kaplan S. – Giáo sư kế toán tại Trường đại học Harvard cùng cộng sự đã xuất bản cuốn “Management Accounting – Information for Decision-Making and Strategy Execution” – tái bản lần thứ 6, trong đó nhóm tác giả đưa ra khái niệm: “KTQT là quá trình cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính cho các nhà quản lý DN phục vụ cho việc ra quyết định, phân bổ nguồn lực, giám sát và khen thưởng thành quả hoạt động” (Atkinson và cộng sự, 2012). Các nhà khoa học này cho rằng, KTQT cung cấp cho nhà quản lý các cấp những thông tin tài chính (như chi phí hoạt động của bộ phận, chi phí sản xuất sản phầm, chi phí cung cấp một dịch vụ, chi phí thực hiện một hoạt động, …) và thông tin phi tài chính (như sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng, chất lượng quy trình, sự đổi mới và động lực của nhân viên). Như vậy, ngoài việc cung cấp thông tin tài chính chi tiết – thông tin quá khứ, kế toán quản trị còn cung cấp thông tin phi tài chính – nhằm dự báo hiệu quả tài chính trong tương lai.

Sau đó, năm 2014, Hilton W. - Giáo sư kế toán tại Trường đại học Cornell và Giáo sư Platt E., tại Trường đại học Texas đã xuất bản cuốn “Managerial Accounting – Creating Value in a Dynamic Business Environment” – tái bản lần thứ 10, đã đưa ra khái niệm: “KTQT là quá trình xác định, đo lường, phân tích, diễn giải và truyền đạt thông tin để theo đuổi mục tiêu của tổ chức. KTQT là một phần của quá trình quản lý và người làm kế toán quản trị là đối tác chiến lược quan trọng trong đội ngũ quản lý của tổ chức”. Khái niệm này chỉ ra công việc mà kế toán quản trị thực hiện là xác định, đo lường, phân tích, diễn giải và truyền đạt thông tin, và kế toán quản trị viên đóng vai trò là chuyên gia phân tích, cố vấn cho nhà quản lý DN để giúp cho tổ chức của họ hoạt động hiệu quả hơn. Nhóm tác giả cũng chỉ rõ: Vai trò của KTQT bây giờ đã khác so với nhiều năm trước đây; Trước đây, những người làm công việc kế toán quản trị thường được sắp xếp trong các bộ phận hỗ trợ, tách biệt với những nhà quản lý mà họ cung cấp thông tin; Ngày nay, thay vì cô lập kế toán quản trị viên trong các bộ phận riêng, các công ty thường bố trí họ trong các bộ phận điều hành, làm việc cùng với các nhà quản lý khác với vai

trò là cố vấn phục vụ cho việc ra quyết định và giải quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động kinh doanh (Hilton W., Platt E., 2014)

Gần đây nhất, Trần Thị Hồng Mai và cộng sự (2020) phát biểu rằng: “KTQT là khoa học thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính về hoạt động sản xuất kinh doanh một cách cụ thể phục vụ cho các nhà quản trị trong việc lập kế hoạch, điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch và ra quyết định quản lý trong nội bộ tổ chức nhằm tối ưu hóa các mục tiêu”. Khái niệm này đã khẳng định KTQT là một khoa học trong hệ thống các khoa học kinh tế, thực hiện công việc thu nhận, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho quản trị DN.

Thứ hai: Dưới góc độ hành nghề kế toán

Các tổ chức kế toán lớn trên thế giới như: Hiệp hội KTQT Hoa kỳ (Institute of Management Accountant - IMA), Hiệp hội KTQT công chứng Anh Quốc (Chartered Institute of Management Accountants - CIMA), Liên đoàn Kế toán quốc tế (The International Federation of Accountants - IFAC), Hiệp hội KTQT toàn cầu (Chartered Global Management Accountant - CGMA) đều đã đưa ra các khái niệm về KTQT như sau:

Theo Hiệp hội KTQT công chứng Anh quốc (CIMA): “KTQT là việc ứng dụng các nguyên tắc kế toán và quản trị tài chính để tạo ra, bảo vệ, duy trì và tăng giá trị cho các bên liên quan của các tổ chức hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận trong khu vực công và tư nhân” (CIMA, 2005). CIMA đã nhấn mạnh KTQT đóng vai trò rất quan trọng, là một phần không thể tách rời của quản lý; Nó phải xác định, tạo ra, trình bày, giải thích các thông tin có liên quan (như Lập kế hoạch chiến lược kinh doanh; Lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Xác định cơ cấu vốn và quỹ; Xây dựng chính sách thưởng cho người điều hành và cổ đông; Kiểm soát và đảm bảo việc sử dụng nguồn lực hiệu quả; Đo lường, cung cấp thông tin về hiệu quả tài chính và phi tài chính cho nhà quản trị và các đối tượng có liên quan). Khái niệm này cho thấy KTQT đã tiến gần hơn đến công việc quản lý cấp cao với trọng tâm là hiệu quả, lập kế hoạch chiến lược và tạo ra giá trị cho tổ chức.

Theo Hiệp hội KTQT Hoa kỳ (IMA): “KTQT là một công việc chuyên nghiệp, có liên quan đến việc tham gia vào quá trình ra quyết định, đề ra kế hoạch và hệ thống thực hiện, đồng thời cung cấp những báo cáo tài chính chuyên nghiệp, giúp các nhà quản trị kiểm soát trong việc tạo lập và thực hiện chiến lược của tổ chức” (IMA, 2008). Khái niệm này cho thấy xu hướng thay đổi công việc của KTQT, tăng

tính tư vấn, hỗ trợ cho chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch, quy trình quản trị DN, giúp nhà quản lý điều hành các hoạt động của DN hiệu quả hơn.

Theo Hiệp hội KTQT toàn cầu (CGMA): “KTQT là việc tìm kiếm, phân tích, truyền đạt thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho việc ra quyết định để tạo ra và duy trì giá trị cho các tổ chức”. Khái niệm này chỉ rõ công việc của KTQT là tìm kiếm, phân tích và truyền đạt thông tin (bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính), nhằm mục đích phục vụ cho việc ra quyết định cũng như duy trì giá trị của tổ chức.

Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC): “KTQT là một hoạt động đan xen trong quá trình quản lý của tất cả các tổ chức; KTQT đề cập đến một phần của quy trình quản lý, tập trung vào việc tăng thêm giá trị cho các tổ chức bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực” (IFAC, 1998). Khái niệm này không đề cập đến công việc của KTQT mà xác định vai trò quan trọng của KTQT trong DN, được xem là một phần của quy trình quản lý DN.

Thứ ba: Dưới góc độ quản lý

Khái niệm “Kế toán quản trị” được đưa vào Luật kế toán 2003 và Luật kế toán 2015 như sau: “KTQT là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán (Luật kế toán, 2003; Luật kế toán, 2015). Khái niệm này thể hiện được công việc của KTQT là thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin hữu ích cho nhà quản lý DN, tuy nhiên, chưa thể hiện được chức năng, vai trò của KTQT thay đổi theo thời gian và bối cảnh kinh doanh hiện nay, KTQT vẫn chỉ là cung cấp thông tin tài chính trong nội bộ DN.

Như vậy, mặc dù khái niệm về KTQT có thể được phát biểu khác nhau dưới các góc độ khác nhau, nhưng đều cho thấy sự thay đổi vai trò của KTQT, chuyển từ quan điểm KTQT truyền thống đến KTQT hiện đại bằng cách tạo ra giá trị cho tổ chức thông qua việc cung cấp các thông tin tài chính, phi tài chính cho nhà quản lý các cấp và là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động quản lý DN. Kế thừa những khái niệm nêu trên, theo góc nhìn của NCS thì KTQT là một hoạt động đan xen trong quá trình quản lý, điều hành DN, thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin tài chính và phi tài chính phục vụ cho việc ra quyết định của nhà quản lý DN và các bên liên quan. Khái niệm này sẽ được sử dụng xuyên suốt trong các nội dung tiếp theo của luận án.

Một phần của tài liệu Kế toán quản trị với việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam. (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w