lợn nái nuôi con
2.2.2.1. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc lợn nái đẻ
- Quy trình nuôi dưỡng
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [13], thức ăn dùng cho lợn nái đẻ phải là những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa. Không cho lợn nái ăn thức ăn có hệ số choán (tức khối lượng thức ăn lớn mà giá trị dinh dưỡng thấp) cao gây chèn ép thai sinh ra đẻ non, đẻ khó hoặc ép thai chết ngạt.
Một tuần trước khi lợn đẻ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của lợn nái để có kế hoạch giảm dần lượng thức ăn. Đối với những lợn nái có sức khỏe tốt thì một tuần trước khi đẻ giảm 1/3 lượng thức ăn, trước đẻ 2 - 3 ngày giảm 1/2 lượng thức ăn. Đối với những lợn nái có sức khỏe yếu thì không giảm lượng thức ăn mà giảm dung tích của thức ăn bằng cách tăng cường cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa.
Ngày lợn nái cắn ổ đẻ, cho lợn nái ăn ít thức ăn tinh (0,5kg) hoặc không cho thức ăn tinh nhưng uống nước tự do. Ngày lợn nái đẻ có thể không cho lợn nái ăn mà chỉ có uống nước ấm có pha muối hoặc ăn cháo loãng. Sau
khi đẻ 2 - 3 ngày không cho lợn nái ăn nhiều một cách đột ngột mà tăng từ từ đến ngày thứ 4 - 5 thì cho ăn đủ tiêu chuẩn. Thức ăn cần chế biến tốt, dung tích nhỏ, có mùi vị thơm ngon để kích thích tính thèm ăn cho lợn nái.
- Quy trình chăm sóc
Việc chăm sóc lợn nái mẹ có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sức khỏe của cả lợn mẹ và lợn con. Chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ. Trước khi lợn đẻ 10 - 15 ngày cần chuẩn bị đầy đủ chuồng đẻ. Tẩy rửa vệ sinh, khử trùng toàn bộ ô chuồng, nền chuồng, sàn chuồng dùng cho lợn con và lợn mẹ. Yêu cầu chuồng phải khô ráo, ấm áp, sạch sẽ, có đầy đủ ánh sáng. Sau khi vệ sinh tiêu độc nên để trống chuồng từ 3 - 5 ngày trước khi lợn nái vào đẻ. Chuồng đẻ cần phải trải đệm lót, có che chắn và thiết bị sưởi ấm trong những ngày mùa đông giá rét. Trước khi đẻ 1 tuần, cần vệ sinh lợn nái sạch sẽ, lợn nái được lau rửa sạch sẽ đất hoặc phân bám dính trên người, dùng khăn thấm nước xà phòng lau sạch bầu vú và âm hộ. Làm như vậy tránh được nguy cơ lợn con mới sinh bị nhiễm khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với lợn mẹ có vi khuẩn gây bệnh. Sau khi vệ sinh sạch sẽ cho lợn nái, cho lợn nái di chuyển nhẹ nhàng từ chuồng bầu sang chuồng đẻ để lợn quen dần với chuồng mới.
Trong quá trình chăm sóc lợn nái đẻ, công việc cần thiết và rất quan trọng là việc chuẩn bị ô úm cho lợn con. Ô úm rất quan trọng đối với lợn con, nó có tác dụng phòng ngừa lợn mẹ đè chết lợn con, đặc biệt những ngày đầu mới sinh lợn con còn yếu ớt, lợn mẹ mới đẻ xong sức khỏe còn rất yếu chưa hồi phục. Ô úm có thể giúp khống chế nhiệt độ thích hợp cho lợn con, đặc biệt là lợn con đẻ vào những tháng mùa đông. Ngoài ra, ô úm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập ăn sớm cho lợn con (để máng ăn vào ô úm cho lợn con lúc 7 - 10 ngày tuổi) mà không bị lợn mẹ húc đẩy và ăn thức ăn của lợn con.
2.2.1.2. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc lợn nái nuôi con
- Quy trình nuôi dưỡng
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [13], thức ăn cho lợn nái nuôi con phải là những thức ăn có ảnh hưởng tốt đến sản lượng và chất lượng sữa. Đó là các loại thức ăn xanh non như các loại rau xanh, các loại củ quả như bí đỏ, cà rốt, đu đủ. Thức ăn tinh tốt như gạo tấm, cám gạo, bột mì, các loại thức ăn bổ sung đạm động vật, đạm thực vật, các loại khoáng, vitamin... Không cho lợn nái nuôi con ăn các loại thức ăn thối mốc, biến chất, hư hỏng. Thức ăn hỗn hợp cho lợn nái nuôi con dùng trong chăn nuôi công nghiệp phải đảm bảo đủ protein, năng lượng và các thành phần vitamin, khoáng theo đúng tiêu chuẩn quy định như năng lượng trao đổi 3100 kcal, protein 15%, Canxi từ 0,9 - 1,0 %, photpho 0,7 %.
Lượng thức ăn cho lợn nái nuôi con cũng đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng và khả năng điều tiết sữa của lợn mẹ, chính vì vậy ta cần phải có một khẩu phần ăn hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng cho lợn mẹ. Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [13] cho biết: trong quá trình nuôi con, lợn nái được cho ăn như sau:
- Đối với lợn nái ngoại
+ Ngày cắn ổ đẻ: Cho lợn nái ăn ít thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (0,5 kg) hoặc không cho ăn, nhưng cho uống nước tự do.
+ Sau ngày đẻ thứ 1, 2 và 3 cho ăn thức ăn hỗn hợp với lượng thức ăn từ 1 - 2 - 3 kg tương ứng.
+ Ngày nuôi con thứ 4 đến ngày thứ 7: cho ăn 4kg thức ăn hỗn hợp/nái/ngày.
+ Từ ngày thứ 8 đến cai sữa cho ăn theo công thức: Lượng thức ăn/nái/ngày = 2 kg + (số con x 0,35 kg/con). + Số bữa ăn trên ngày: 2 (sáng và chiều).
+ Nếu lợn mẹ gầy thì cho ăn thêm 0,5 kg, lợn mẹ béo thì giảm 0,5 kg thức ăn/ngày.
+ Ngoài ra cho lợn nái ăn từ 1 - 2 kg rau xanh/ngày sau bữa ăn tinh (nếu có rau xanh).
+ Một ngày trước ngày cai sữa lượng thức ăn của lợn mẹ giảm đi 20 - 30%. + Ngày cai sữa cho lợn mẹ nhịn ăn, hạn chế uống nước.
- Đối với lợn nái nội
+ Công thức tính nhu cầu thức ăn cho lợn nái nội nuôi con/1 ngày đêm. Lợn nái nội có khối lượng cơ thể dưới 100 kg, mức ăn trong 1 ngày đêm được tính như sau:
Thức ăn tinh = 1,2 kg + (số lợn con theo mẹ x 0,18 kg). Thức ăn thô xanh: 0,3 đơn vị.
Lợn nái nội có khối lượng cơ thể từ 100 kg trở lên, mức ăn cho 1 ngày đêm giai đoạn nuôi con được tính như sau:
Thức ăn tinh = 1,4 kg + (số con theo mẹ x 0,18 kg). Thức ăn thô xanh: 0,4 đơn vị.
- Quy trình chăm sóc
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [13], vận động tắm nắng là điều kiện tốt giúp cho lợn nái nhanh hồi phục sức khỏe và nâng cao sản lượng sữa của lợn mẹ. Do vậy sau khi lợn đẻ được từ 3 - 7 ngày, trong điều kiện chăn nuôi có sân vận động, nếu thời tiết tốt thì có thể cho lợn nái vận động, thời gian vận động lúc đầu là 30 phút/ngày, sau tăng dần số giờ vận động lên. Trong chăn nuôi công nghiệp, hầu hết lợn nái nuôi con đều bị nhốt trong các cũi đẻ, không được vận động, vì vậy cần phải chú ý đến thành phần dinh dưỡng của thức ăn, đặc biệt các chất khoáng và vitamin.
Chuồng trại của lợn nái nuôi con yêu cầu phải đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ, không có mùi hôi thối, ẩm ướt. Do vậy hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ. Chuồng lợn nái nuôi con phải có ô
úm lợn con và ngăn tập ăn sớm cho lợn con. Nhiệt độ chuồng nuôi thích hợp là 18 - 20°C, độ ẩm 70 - 75%.
2.2.1.3. Quy trình nuôi dưỡng và chăm sóc lợn con theo mẹ
Chăm sóc lợn con sơ sinh
* Chăm sóc lợn con khi sinh
Theo Đoàn Minh Ngọc (2010) [31] khi lợn nái đẻ, có thể đầu lợn con ra trước hoặc 2 chân sau ra trước. Lợn con tự làm rách màng nhau và lọt ra ngoài. Trường hợp lợn con đẻ bọc, cần nhanh chóng xé màng nhau để lợn con khỏi bị ngạt.
Dùng giẻ khô hoặc khăn lau khô lợn con sơ sinh, móc cho hết nước nhờn trong miệng mũi. Dùng chỉ buộc rốn lợn sơ sinh, cách bụng 3cm, cắt rốn cách vị trí đó 1,5 - 2 cm. Dùng thuốc đỏ hoặc cồn iod sát trùng chỗ cắt. Dùng kìm đã sát trùng để bấm nanh, bấm tất cả 8 răng nanh, bấm 1/2 và chừa 1/2 theo độ dài của răng nanh. Việc bấm răng nanh để tránh khi bú lợn con làm nứt đầu vú lợn mẹ. Chú ý không cắt vào lợi gây nhiễm trùng lợi. Sau đó đặt lợn con vào thùng hay chuồng úm đã lót sẵn rơm, lá chuối khô hoặc bao tải. Dùng đèn điện 250W sưởi ẩm ngay cho lợn con.
Nếu lợn con đẻ ra bị ngạt, ta có thể xử lý bằng cách:
- Dùng miệng hút sạch chất nhờn trong mũi lợn con ra ngoài.
- Dùng 2 ngón tay xoa mạnh từ trên xuống dưới dọc theo xương sống phía 2 bên phổi để kích thích hô hấp hoặc để lợn con nằm ngửa đưa 2 chân trước của lợn con lên xuống nhịp nhàng.
- Có thể dùng thuốc trợ tiêm camphora tiêm 1 - 2 ml/con. * Phương pháp cố định đầu vú
Sau khi sinh được 1 giờ, chậm nhất là 2 giờ, phải cho lợn con bú sữa đầu. Để chống lạnh và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho lợn con.
Trước khi lợn con bú phải dùng khăn ấm lau sạch 2 hàng vú của lợn mẹ. Sắp xếp cho những con nhỏ bú ở hàng vú trước, bên phải vì lượng sữa
nhiều hơn. Chỉ cố định đầu vú 3 - 4 lần, lợn con sẽ quen và không tranh nhau. Cho lợn con bú mẹ liên tục trong ngày đầu 10 - 12 lần, sau khi bú xong đặt lợn con vào úm.
* Yêu cầu về nhiệt độ và ẩm độ
Theo Đoàn Minh Ngọc (2010) [31], sưởi ấm cho lợn con để hạn chế bệnh tiêu chảy và viêm phổi, khâu sưởi ấm cho lợn con rất quan trọng. Lợn con mới sinh được 20 phút hạ nhiệt rất nhanh (từ 2 - 3°C), nhất là những con có trọng lượng dưới 0,5 kg, nên phải có thùng ủ để sưởi ấm, nhất là vào mùa đông. Ngay khi đẻ ra ra cần duy trì nhiệt độ chuồng trong khoảng 35°C. Cứ mỗi 1 ngày sau đó, yêu cầu nhiệt độ giảm đi 2°C và từ ngày thứ 8, yêu cầu nhiệt độ trong chuồng nuôi cố định từ 25 - 27°C là thích hợp. Vào mùa đông, 1 tuần đầu sau đẻ nên dùng đèn hồng ngoại công suất 250W, sau đó có thể chuyển sang dùng đèn công suất 100W.
- Yêu cầu về nhiệt độ chuồng nuôi: + Ngày đầu mới lọt lòng mẹ: 35°C; + Ngày thứ 2: 33°C; + Ngày thứ 3: 31°C; + Ngày thứ 4: 29°C; + Ngày thứ 5: 27°C; + Ngày thứ 6 trở đi: 25 - 27°C. - Ẩm độ 50 - 75 %.
- Nền chuồng khô ráo. - Không có gió lùa.
Lưu ý: Độ cao bóng đèn cách mặt sàn chuồng khoảng 50 - 60cm là thích hợp, đặc biệt cần nhận biết:
+ Lợn nằm chồng chất lên nhau, run là khi lợn bị lạnh (nhiệt độ trong chuồng thấp).
+ Lợn nằm tản mạn khắp ô chuồng, mỗi con một nơi là khi lợn bị nóng (nhiệt độ trong chuồng quá cao).
+ Lợn nằm con nọ kề cạnh con kia là nhiệt độ thích hợp.
Chăm sóc lợn con từ 3 ngày tuổi đến 3 tuần tuổi
Theo Đoàn Minh Ngọc (2010) [31], những chú ý chăm sóc lợn con từ 3 ngày tuổi đến 3 tuần tuổi:
- Phòng chống thiếu sắt.
- Phòng chống va đập và trầy xước.
- Cắt đuôi cho lợn con nếu lúc đỡ đẻ chưa thực hiện. - Thiến cho lợn đực lúc 10 - 12 ngày tuổi.
* Chăm sóc những lứa đẻ đông con
- Nuôi gửi: Tiến hành khi có lợn nái đẻ nhiều con, trong cùng thời gian đó lại có những lợn nái đẻ ít con, khi tiến hành nuôi gửi phải đảm bảo các nguyên tắc:
+ Tuổi lợn con tương đương nhau (không chênh nhau quá 3 ngày); + Cần sử dụng chất thơm đánh lẫn mùi của lợn con;
+ Nên tiến hành nuôi gửi vào ban đêm. - Phân lô cho bú:
+ Khi số lợn con nhiều hơn số lượng vú, thì cần phân làm 2 lô, trong đó có một lô số con bằng số vú mẹ.
+ Khi số lợn con nhiều hơn nhiều so với số vú mẹ thì có thể sử dụng phương pháp chia làm 3 lô: 1 lô gồm những con có khối lượng sơ sinh nhỏ, cho bú cố định những vú sau. Những con còn lại chia làm 2 lô, luân phiên cho bú những vị trí phía ngực.
* Tập ăn cho lợn con
Thời gian tập ăn cho lợn con tốt nhất là 2 tuần tuổi trở đi. Vì lúc đó chất lượng sữa của lợn mẹ đã giảm. Nếu không tập ăn cho lợn con thì tốc độ tăng trọng sẽ giảm.
Ngay mấy ngày đầu cho lợn con tập ăn, theo kinh nghiệm của nhân dân, có thể nấu cháo + cám hỗn hợp + sữa bột + chuối chín bóp nhuyễn ở dạng sệt để lợn con liếm láp cho quen, sau đó mới cho ăn cám hỗn hợp.
Cho lợn con ăn thức ăn công nghiệp, thời gian bắt đầu tập ăn là 7 ngày tuổi thức ăn tập ăn được cho vào máng riêng và để ở khu vực dành cho lợn con. Luôn giữ máng tập ăn khô, sạch tránh bị mốc, bẩn gây tiêu chảy cho lợn con. Lợn con thực sự ăn mạnh ở 3 tuần tuổi, khi lợn cai sữa cần chuyển đổi dần dần trong vòng 3 - 4 ngày thức ăn từ loại thức ăn tiền khởi động sang thức ăn khởi động, tránh chuyển đổi đột ngột dễ gây rối loạn tiêu hóa cho lợn con.
Thức ăn trộn cho lợn con tập ăn phải có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu, ngon miệng và đảm bảo vệ sinh; nguyên liệu dùng làm thức ăn là loại tinh bột ít xơ như: bột gạo, bột ngô và các thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao như: bột cá nhạt, đậu tương. Thức ăn cần được nghiền nhỏ thành dạng bột, sau khi nấu chín, để nguội thức ăn, bỏ dần vào máng ăn cho lợn con ăn.
Vệ sinh máng ăn, máng uống thường xuyên. Không giữ thức ăn lâu trong máng gây lên men chua, dẫn đến bệnh tiêu chảy và phân trắng ở lợn con.
Vệ sinh chuồng trại: Chỉ quét dọn khô, thay lót chuồng bẩn, không rửa nước. Góc chuồng để một gói vôi bột. Để lợn con nằm trên sàn gỗ có lót rơm hoặc cỏ khô cắt ngắn.
* Bổ sung sắt
Mỗi ngày một lợn con cần khoảng 1 - 11mg Fe để tạo máu và chống đỡ bệnh tật, trong khi đó sữa mẹ chỉ cung cấp không quá 2mg Fe/ngày. Sau khi đẻ 3 ngày, lượng glucose do lợn mẹ cung cấp thiếu và chức năng điều chỉnh thân nhiệt của lợn con chưa hoàn chỉnh nên lượng glucose có sẵn trong lợn
con bị tiêu tốn nhiều. Để tránh lợn con bị thiếu máu, gầy yếu thì vào thời điểm 3 và 10 ngày tuổi phải tiêm dextran Fe loại 100 mg, mỗi con 1cc và tiêm dung dịch glucose 40% nhằm tạo thêm hemoglobin. Ngoài ra, có thể dùng vitamin ADE tiêm cho lợn con khi được 7 ngày tuổi (tiêm bắp hoặc cho ăn) với liều 2 - 3 ml/con.
* Thiến cho lợn con
Chuẩn bị dụng cụ thiến đầy đủ gồm: dao thiến, cồn sát trùng, panh kẹp, bông, xi - lanh tiêm và thuốc kháng sinh, ghế ngồi.
Thao tác: Người thiến ngồi ghế cao và kẹp lợn con vào giữa 2 đùi sao cho đầu của lợn con hướng xuống dưới. Một tay nặn cho dịch hoàn nổi rõ, tay còn lại cầm dao rạch hai vết đứt vào chính giữa của mỗi bên dịch hoàn. Dùng tay nặn dịch hoàn ra ngoài rồi lấy panh kẹp và xoắn đứt dịch hoàn ra, bôi cồn vào vị trí thiến. Tiêm kháng sinh chống viêm nhiễm.
Chăm sóc lợn con 3 tuần tuổi đến khi cai sữa
Theo Đoàn Minh Ngọc (2010) [31] cho biết: những chú ý chăm sóc lợn con từ 3 tuần tuổi đến cai sữa:
- Tẩy nội ký sinh trùng cho lợn con;
- Xác định các điều kiện để cai sữa cho lợn con.
Những người chăn nuôi có trình độ trung bình cần chú ý những điểm sau khi quyết định cai sữa cho lợn con:
- Chỉ cai sữa cho những lợn cân nặng trên 5,5 kg;