VII. Bố cục luận án
3.2.6. Ảnh hưởng đến thông số vận hành
Để nghiên cứu ảnh hưởng của thông số kết cấu đến đặc tính làm việc của động cơ, các nghiên cứu sẽ tập trung chủ yếu vào sự thay đổi của độ sâu phần khoét lõm Hb và giữ nguyên đường kính phần khoét lõm trên đỉnh piston. Giá trị của độ sâu phần khoét lõm Hb sẽ được thay đổi lần lượt là Hb = 0 (Đỉnh piston ban đầu), Hb = 10, Hb = 17,5 và Hb = 25, tương ứng sẽ có các giá trị của cường độ rối (u') tương ứng khác nhau. Với mong muốn cải thiện được đặc tính làm việc của động cơ Diesel chuyển đổi thành động cơ CNG hình thành hỗn hợp bên ngoài, các điều kiện nghiên cứu được tiến hành như sau:
- Căn cứ vào số liệu thực nghiệm đối với hình dạng piston nguyên bản (Hb = 0) động cơ làm việc ổn định với vùng làm việc rộng mà không xảy ra hiện tượng cháy bất thường, tỷ số nén của động cơ được giữ cố định tại ε = 10 trong suốt quá trình mô phỏng.
- Góc đánh lửa sớm được hiệu chỉnh ở trước điểm chết trên với bước thay đổi là ∆IT = 1 sao cho động cơ đạt được Mô-men lớn nhất ứng với mỗi giá trị của Hb.
- Để tránh ảnh hưởng của động năng dòng khí nạp đến chất lượng làm việc của động cơ, hình dạng và tổng cản trên đường ống nạp cũng được giữ nguyên trong suốt quá trình chạy mô phỏng. Thêm vào đó, tốc độ động cơ mô phỏng được thay đổi từ giá trị n = 1000 vòng/phút đến n = 2400 vòng/phút với bước thay đổi là Δn = 200.
- Để đánh giá được ảnh hưởng của thông số Hb đến đặc tính làm việc của động cơ, lượng nhiên liệu cấp cho động cơ được giữ không đổi với Gnl = 0,58 (g/s). Kết quả thu được sẽ là cơ sở để xem xét ảnh hưởng của hình dạng piston đến tính kinh tế nhiên liệu.
- Để xem xét độ sâu của lõm trên đỉnh piston ảnh hưởng đến khả năng mở rộng vùng tốc độ và thời gian cháy của động cơ, động cơ mô phỏng được điều khiển ở chế độ mô men không đổi (Me = hằng số).