Các văn bản, chính sách vĩ mô của Nhà nước còn thiếu ổn định, thường xuyên bị điều chỉnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các bên trong thanh toán quốc tế bằng thư tín dụng. Như chính sách thương mại, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan thường xuyên có những thay đổi về danh mục các mặt hàng được phép xuất nhập khẩu, biểu thuế áp dụng đối với từng mặt hàng, điều kiện để doanh nghiệp đươc phép hoạt động xuất khẩu, song thời gian kể từ khi ra quyết định đến khi quyết định có hiệu lực thi hành thường là ngắn, không đủ để các doanh nghiệp dự tính sắp xếp kế hoạch cho hoạt động sản xuất kinh doanh của
mình. Trong hoạt động xuất khẩu các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa có sự liên kết phối hợp giữa các ban ngành, các quy định còn chồng chéo gây phiền toái cho khách hàng, tốn kém thời gian và chi phí. Chính phủ cũng chưa xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của ngân hàng khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, quy định về mở thư tín dụng trả chậm chưa rõ ràng, nhiều doanh nghiệp coi đây như là một hình thức tài trợ vốn vay dài hạn, tranh thủ nguồn vay của nước ngoài mở thư tín dụng trả chậm tràn lan, tiền hàng thu được lại quay vòng khiến cho đến khi thư tín dụng không thanh toán được dẫn đến ngân hàng phải đứng ra trả thay.
Tỷ giá hối đoái không ổn định, thị trường ngoại hối chưa phát triển dẫn đến những cơn sốt về ngoại tệ, khan hiếm nguồn ngoại tệ phục vụ thanh toán thư tín dụng nhập khẩu, nhất là thư tín dụng trả chậm khiến doanh nghiệp thiệt thòi, giảm hiệu quả kinh doanh và gây khó khăn cho ngân hàng trong việc giục khách hàng thanh toán.
Thêm vào đó, môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán quốc tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính phủ chưa có văn bản pháp lý về hoạt động thanh toán quốc tế, nhất là những quy định cụ thể về việc hướng dẫn áp dụng các thông lệ quốc tế như UCP, INCOTERMS, hoạt động thanh toán quốc tế chưa thực sự được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý khi có tranh chấp xảy ra. Một số văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định chưa cụ thể, gây ra sự hiểu biết khác nhau giữa thực tế diễn ra tại các ngân hàng và thanh tra ngân hàng Nhà nước dẫn đến áp dụng không thống nhất, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.
Tình trạng cán cân thanh toán Việt Nam luôn thâm hụt cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động thanh toán quốc tế nói chung và theo phương thức tín dụng chứng từ nói riêng. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng mất cân đối giữa thanh toán xuất khẩu tại các ngân hàng. Cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt cũng dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu ngoại tệ, ảnh hưởng tới khả năng chi trả ngoại
hối của các ngân hàng thương mại, do vậy ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu về nguồn ngoại tệ phục vụ thanh toán cho đối tác nước ngoài.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng thương mại trong nước và các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng là một trong những yếu tố chính làm cho thị phần thanh toán quốc tế nói riêng và theo phương thức tín dụng chứng từ nói chung của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam bị chia xẻ. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có tới gần 100 ngân hàng hoạt động kinh doanh, mặt khác từ năm 1990 trở lại đây, Nhà nước đã cho phép các ngân hàng đủ điều kiện có thể mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực hoạt động kinh doanh đối ngoại, NHNT không còn giữ vị trí độc quyền. Được phép hoạt động thanh toán quốc tế, nhận thấy những lợi ích to lớn do hoạt động này mang lại, các ngân hàng mới bước vào lĩnh vực này đã tìm mọi cách để kéo khách hàng về phía mình như áp dụng chế độ cho vay tài trợ xuất nhập khẩu rất thoáng với thủ tục đơn giản, tốc độ giải ngân nhanh, ưu tiên trong mua bán ngoại tệ, áp dụng tỉ lệ phí thấp. Họ đã thu hút được một lượng lớn khách hàng truyền thống của NHNT Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hiện nay có cổ phần trong các ngân hàng thương mại cổ phần nên họ chủ yếu hoạt động tại ngân hàng của mình, chỉ giao dịch với NHNT Việt Nam để duy trì quan hệ.
Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng đang nỗ lực thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn là khách hàng truyền thống của NHNT (Sở Giao dịch) như Tổng Công ty than Việt Nam, Tổng công ty lương thực miền bắc… Những ngân hàng này có nhiều ưu thế như có tiềm lực về vốn ngoại tệ, có trình độ quản lý chuyên môn cao, có công nghệ hiện đại. Họ chủ động tìm hiểu những nhu cầu lợi ích mà khách hàng trông đợi, giao thư tín dụng tận tay khách hàng, thu hút khách hàng mới bằng việc hạ thấp phí dịch vụ, lãi suất cho vay chiết khấu và mức ký quỹ mở thư tín dụng, sau một thời gian mới nâng lên một cách hợp lý. Họ phối hợp tín dụng thanh toán trong một chu trình khép kín, đơn giản hoá các thủ tục, cố gắng để khách hàng chỉ phải giao dịch tại một phòng, thậm chí một nhân viên.
Những yếu tố này đã thực sự thu hút được khách hàng, làm thị phần của NHNT VN trong những năm qua bị giảm đáng kể.
Bất cập trong kiến thức ngoại thương, hành vi đạo đức của khách hàng cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển phương thức tín dụng chứng từ tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Bước ra từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, kinh nghiệm và sự am hiểu về thông lệ và tập quán quốc tế trong kinh doanh còn hạn chế dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam không tránh khỏi những sơ hở khi ký kết hợp đồng ngoại thương, không đề phòng rủi ro để đến khi xảy ra vụ việc phải gánh chiụ thiệt thòi. Trong khi đó, thực lực tài chính của các đơn vị còn quá yếu kém nên hoạt động kinh doanh chủ yếu lại dựa vào vốn vay của ngân hàng. Do vậy khi doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài lừa đảo, thua lỗ sẽ liên quan trực tiếp đến chất lượng hoạt động tín dụng và hoạt động thanh toán quốc tế của ngân hàng.
Ngoài ra, cũng do các hợp đồng ngoại thương quy đinh thiếu chặt chẽ, khách hàng phía VN thiếu thông tin thương mại, chưa nắm chắc đối tác kinh doanh của mình trên thương trường quốc tế đồng thời, người nhập khẩu chưa coi trọng vai trò tham mưu của ngân hàng trong việc ký kết hợp đồng. Tất cả những điều này đã khiến cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc giao dịch với đối tác nước ngoài của người nhập khẩu hoặc ngân hàng thông báo theo hợp đồng quy định do có quan hệ đại lý, và việc sửa đổi, khắc phục hậu quả sẽ gây nhiều phiền phức, tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Thiếu kiến thức về ngoại thương cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường bị đối tác nước ngoài đẩy vào những tình trạng bất lợi như phải mở Thư tín dụng xác nhận, trong khi không yêu cầu đối tác phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thoả thuận phía nước ngoài bao tiêu sản phẩm nhưng lại không yêu cầu họ mở Thư tín dụng đối ứng, để nước ngoài lừa bán sản phẩm chất lượng không cao...
Đối với khách hàng mới tham gia nghiệp vụ xuất khẩu, do những yêu cầu nghiêm ngặt của chứng từ trong thanh toán mà đặc biệt là chứng từ thanh toán theo phương thức Thư tín dụng rất khó khăn để lập được một bộ chứng từ phù
hợp với những điều kiện và điều khoản của Thư tín dụng khi mà bản thân lại chưa hiểu gì về nó.Trong thực tiễn thực hiện nghiệp vụ thanh toán xuất khẩu bằng Thư tín dụng, thanh toán viên ngân hàng đã gặp không ít trường hợp không thực hiện đúng thời hạn kiểm tra chứng từ hoặc buộc phải từ chối không thanh toán cho khách, lý do là người xuất khẩu tuy đã được nhắc nhở song vẫn không nộp chứng từ kịp thời hay lập bộ chứng từ không khớp với Thư tín dụng như mô tả sai hoặc không đầy đủ về hàng hoá.
Bên cạnh đó cũng phải đề cập tới sự cố tình và thiếu trung thực, vi phạm các cam kết với ngân hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trong nước. Các tranh chấp phát sinh trong quá trình thanh toán hàng nhập khẩu bằng thư tín dụng không chỉ bắt nguồn từ sự không trung thực của đối tác nước ngoài mà nhiều trường hợp do các doanh nghiệp trong nước gây ra. Ngoài việc thiếu hiểu biết, thiếu thông tin trong kinh doanh xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước vì chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà vi phạm những cam kết của mình với ngân hàng. Khách hàng được ngân hàng phát hành bảo lãnh nhận hàng trước khi bộ chứng từ về và cam kết chấp nhận thanh toán. Nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp khách hàng chậm trễ không chịu thanh toán do những nguyên nhân khách quan như có sự biến động giá cả trên thị trường tiêu thụ, hàng nhập về không bán được hay có bán được cũng bị lỗ, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cho ngân hàng. Tuy nhiên cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình vi phạm, khi đã bán hết hàng vẫn không chịu thanh toán cho ngân hàng mà đem tiền đó tiếp tục đầu tư kinh doanh, thua lỗ và mất khả năng thanh toán.
Phát triển hoạt động này được coi là một mặt không thể thiếu được trong hoạt động kinh doanh của NHNT VN, nó bổ sung và hỗ trợ cho các mặt hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng như mở rộng hoạt động tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu, giúp đỡ các doanh nghiệp nước ta trong vấn đề vốn, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu để cuối cùng thu được phí dịch vụ từ hoạt động thanh toán này ngày càng nhiều hơn. Chính vì vậy việc nghiên cứu để đề ra những giải pháp và kiến
nghị nhằm hoàn hiện hoạt động thanh toán quốc tế (thanh toán xuất khẩu) theo phương thức tín dụng chứng từ tại NHNT VN là điều cần thiết.
CHƯƠNG 3