Song song với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện; căn cứ quy định tại Nghị định số 47/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Ban Bồi thường, GPMB chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã/phường (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) nơi có đất bị thu hồi lập kế hoạch tiến độ chi tiết thực hiện, báo cáo Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án trình UBND quận phê duyệt.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã thực hiện điều tra xã hội học, phát ra 90 phiếu khảo sát cho các đối tượng là CBCC tại các cơ quan QLNN, chủ đầu tư và các hộ gia đình bị thu hồi đất.
Kết quả khảo sát thực hiện trong năm 2020, qua tổng hợp được thể hiện tại
hình 2.2 như sau:
Hình 2.2. Kết quả khảo sát về công tác lập kế hoạch thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa bàn quận Gò Vấp, Tp. HCM.
Nguồn: Tổng hợp kết quả khảo sát điều tra, năm 2020
Phân tích hình 2.2 về kết quả khảo sát về công tác lập kế hoạch thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa bàn quận Gò Vấp cho thấy, công tác lập kế hoạch được đánh giá ở mức độ trung bình, cụ thể: 38/90 phiếu tương đương 42,2% người được lấy ý kiến đánh giá là trung bình; 23/90 phiếu tương đương 25,5% người được lấy ý kiến đánh giá là khá; trong khi tỷ lệ
đánh giá là Tốt chỉ đạt 11,19%; còn có tình trạng đánh giá yếu, kém với tỷ lệ lần lượt là 14,44% và 6,67%.
Từ kết quả trên cho thấy việc xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC trên địa quận Gò Vấp vẫn còn hạn chế, mới dừng lại ở mức độ trung bình khi còn nhiều nội dung trong kế hoạch chậm trễ, không đạt được tiến độ như đã đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thiếu tính khả thi và linh hoạt. Nghiên cứu đề tài cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do những nguyên nhân cơ bản như đơn giá bồi thường của dự án chưa phù hợp với thị trường; việc hướng dẫn chính sách bồi thường, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời; vốn bồi thường chi trả cho hộ dân chậm được cấp phát; còn tình trạng khiếu kiện kéo dài, chậm được giải quyết dứt điểm; nhiều hộ dân chưa đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án ... làm ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ của dự án.
Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là kế hoạch chi tiết thực hiện phải được lập đúng, đủ về quy trình, thủ tục và có dự kiến được chính xác thời gian thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, mỗi dự án lại nảy sinh những khó khăn, vướng mắc khác nhau đã nêu trên nên tiến độ thực hiện luôn chậm hơn so với kế hoạch và gây phát sinh thêm chi phí ngoài dự kiến. Từ đó dẫn đến tình trạng xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC của từng dự án trên địa bàn Quận chưa phù hợp thực tiễn, thiếu tính khả thi, không phản ánh đúng diễn biến quá trình thực hiện trên thực tế.