1.1.1. Khái niệm về Công chức và Công chức cấp huyện
1.1.1.1. Khái niệm về Công chức
Ở Việt Nam, sự hình thành khái niệm công chức gắn liền với sự phát triển của nền hành chính nhà nước, trải qua các thời kỳ lịch sử, khái niệm công chức cũng ít nhiều có sự thay đổi. Theo quy định tại Điều 1, Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về quy chế công chức Việt Nam, công chức là “những công dân Việt Nam được chính quyền nhân dân tuyển để giữ một chức vụ thường xuyên trong cơ quan Chính Phủ, ở trong hay ở ngoài nước, đều là công chức theo quy chế này, trừ những trường hợp riêng biệt do Chính phủ quy định”. Sau đó một thời gian dài, ở Việt Nam không tồn tại khái niệm “công chức” mà thay vào đó là khái niệm cán bộ, công nhân viên chức nhà nước chung chung, không phân biệt công chức và viên chức. Chuyển sang thời kỳ đổi mới (năm 1986), trước yêu cầu khách quan cần cải cách nền hành chính và đòi hỏi phải chuẩn hoá đội ngũ CB,CC nhà nước, khái niệm “công chức” được sử dụng trở lại trong Nghị định 169/HĐBT ngày 25/5/1991. Theo đó những người được coi là công chức phải đáp ứng được những điều kiện sau: (1) là công dân Việt Nam; (2) được tuyển dụng và làm việc trong biên chế chính thức của nhà nước; (3) được giao giữ một công vụ thường xuyên trong các công sở của Nhà nước, ở Trung ương hay địa phương, ở trong hay ngoài nước; (4) được xếp vào một ngạch.
Pháp lệnh Cán bộ - Công chức có đối tượng điều chỉnh chung là CB,CC. Tất cả những người làm việc trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội đều được gọi chung là CB,CC. Để cụ thể hoá thuật ngữ công chức, Nghị định 117/2003/NĐ-CP quy định: Công chức nói tại Nghị định này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước được quy định tại điểm b, điểm c, điểm e khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức, làm việc trong
quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo nghĩa chung, công chức là nhân viên làm việc trong các cơ quan nhà nước, họ là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh để thực thi
công vụ, được hưởng lương và các khoản thu nhập từ ngân sách nhà nước. Theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, “công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Nghị định này” [7].
Theo Khoản 2, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB,CC và Luật viên chức năm 2019, “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước” [37]. Như vậy, công chức phải là công dân Việt Nam, nằm trong biên chế nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Phân loại công chức: Hiện nay, công chức được phân loại theo quy định tại
Điều 34, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB,CC và Luật viên chức năm 2019. Theo đó, công chức được phân loại dựa theo 02 căn cứ sau đây:
“1) Căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng như sau:
-Loại A: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
-Loại B: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính, tương đương;
-Loại C: Người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
nhân viên;
Loại khác đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 của Luật này theo quy định của Chính phủ.
2) Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau: + Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
+ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. [37].
Mỗi CB,CC ở từng vị trí công sở đều có tên gọi, chức vụ, chức danh rõ ràng. Chức danh phải thể hiện rõ cấp chức vụ, phù hợp với yêu cầu của công việc và tiêu chuẩn nghĩa vụ của cấp chức vụ đó. Công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực thi công vụ của mình và có trách nhiệm liên quan đến việc thực thi công vụ của cấp dưới quyền.
Như vậy, công chức là những người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước được tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển và được phân vào một ngành, ngạch, bậc trong cơ cấu thứ bậc của nền công vụ và được Nhà nước trả công.
-Khái niệm về Công chức cấp huyện
Hiện nay công chức được chia làm 02 nhóm: Nhóm 01 công chức từ cấp huyện đến trung ương, nhóm 02 công chức cấp xã. Trong nhóm công chức từ cấp huyện trở lên lại được chia làm 03 nhóm chính: Nhóm công chức trong cơ quan Đảng, nhóm công chức trong cơ quan nhà nước, nhóm công chức trong tổ chức chính trị – xã hội.
Các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận/huyện chính là các đơn vị thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, công chức tại các đơn vị này được gọi là công chức hành chính nhà nước. Chính quyền cấp huyện có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống chính trị – hành chính; là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với cấp cơ sở và Nhân dân; thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, bảo đảm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ, Công chức làm việc trong các tổ chức Đảng và các đoàn thể
cấp huyện, gồm: “Người giữ chức vụ, chức danh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và người làm việc trong văn phòng, cơ quan ủy ban kiểm tra, các ban của huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh”. Những người là công chức trong cơ quan hành chính ở cấp huyện được quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định này như sau: “Ở cấp huyện (bao gồm các huyện, quận, thị xã), công chức bao gồm: 1) Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng và những người làm việc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND. 2) Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp huyện; Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng và những người làm việc trong Văn phòng UBND cấp huyện nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân. 3) Cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện” [7].
Như vậy, công chức cấp huyện làm việc trong các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận/huyện, đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban đó. Đội ngũ công chức cấp huyện giữ vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng (vai trò lãnh đạo) và pháp luật của Nhà nước (vai trò quản lý). Công chức cấp huyện giữ vai trò là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; là nhân tố quan trọng trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như các quyết định của chính quyền cấp trên. Đồng thời, công chức cấp huyện là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng và thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng ở địa phương. Chất lượng CB,CC là chỉ tiêu tổng hợp, đánh giá phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và khả năng thích ứng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
1.1.2. Khái niệm Chính sách phát triển công chức và Chính sách phát triển công chức cấp huyện
-Khái niệm Chính sách phát triển công chức
Phát triển công chức là một vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi phải được giải quyết bằng chính sách của Nhà nước. Công chức là lực lượng cấu thành nguồn nhân lực Nhà nước, có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển
đất nước. Trong công cuộc cải cách nền hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền, nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở rộng hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển đội ngũ công chức càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Phát triển công chức thực sự đã trở thành vấn đề chính sách quan trọng và cấp thiết mà Nhà nước cần phải tập trung giải quyết.
Hiện nay, cùng với pháp luật, chính sách đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để Nhà nước tác động, điều chỉnh mọi mặt của đời sống xã hội theo định hướng đã đặt ra. Chính sách công là tập hợp các quyết định có mối liên hệ với nhau của Nhà nước với mục tiêu, giải pháp, công cụ cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội theo ý chí của Đảng cầm quyền. Do đó, có thể hiểu, chính sách phát triển công chức là tập hợp các quyết định có liên quan với nhau của Nhà nước về phát triển đội ngũ công chức có cơ cấu, số lượng hợp lý, có đủ trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Chính sách phát triển công chức thể hiện thái độ, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ công chức, là bổn phận và nghĩa vụ pháp lý của Nhà nước đối với công chức. Bời vì, công chức đang trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, muốn họ trung thành với nhà nước, thực hiện các chính sách của Nhà nước có hiệu quả thì Nhà nước phải có chính sách đối với họ thỏa đáng.
Thực hiện chính sách phát triển công chức là nhằm xây dựng đội ngũ công chức cả về số lượng và chất lượng, phát triển đội ngũ công chức đạt đến một chế độ công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”; xây dựng đội ngũ công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, có năng lực và khả năng thích ứng mọi công việc trong tình hình mới.
Như vậy, chính sách phát triển công chức là hệ thống các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta đối với đội ngũ công chức; là công cụ và các giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ công chức đồng bộ, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ. Chính sách phát triển
những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
-Khái niệm Chính sách phát triển công chức cấp huyện
Từ khái niệm về chính sách phát triển công chức nêu trên, chính sách phát triển công chức cấp huyện là tập hợp các quyết định có liên quan với nhau của Nhà nước về phát triển đội ngũ công chức ở cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có cơ cấu, số lượng hợp lý, có đủ trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế
-xã hội của huyện.
Thực hiện chính sách phát triển đội ngũ công chức cấp huyện có ý nghĩa to lớn xuất phát từ đặc trưng về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống các cơ quan nhà nước cấp huyện. Chính sách phát triển công chức cấp huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi góp phần giữ vững ổn định nền chính trị quốc gia. Bởi cấp huyện là cấp gần dân, có thể trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của nhân dân. Cơ quan nhà nước cấp huyện mà trực tiếp là đội ngũ công chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu họ là những người có trình độ sẽ nắm bắt nhanh những phản hồi từ phía nhân dân, giúp ích cho việc tham mưu các chính sách hợp lòng dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, từ đó góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện chính sách phát triển công chức sẽ giúp đội ngũ công chức nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật để áp dụng đúng đắn, khách quan, khoa học, sáng tạo vào giải quyết các vụ việc cụ thể phát sinh. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chính sách phát triển công chức cấp huyện càng trở nên cần thiết. Bởi vì nước ta đang trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước một cách toàn diện, triệt để nhằm đáp ứng kịp thời tình hình chung ở trong nước và quốc tế thời kỳ hội nhập. Các thủ tục hành chính tập trung nhiều ở cấp huyện, do vậy, phát triển đội ngũ công chức có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc giải quyết
kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, tạo được niềm tin của quần chúng nhân
dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, việc áp dụng chính xác, kịp thời các quy định thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước cấp huyện sẽ góp phần làm cho việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhà nước được đảm bảo thực hiện một cách cơ bản. Thực hiện chính sách phát triển công chức cấp huyện sẽ góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giúp đội ngũ công chức hiểu đúng và áp dụng đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn. Như vậy, thực hiện chính sách phát triển công chức cấp huyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước cấp huyện, mà đối với tổ chức, hoạt động của toàn bộ hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước nói chung, góp phần lớn vào công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.