4.1.1. Về hướng sử dụng từ vựng trong lời nói phát thanh
4.1.1.1. Cần tăng cường tính dân gian, gia tăng ngôn ngữ đời sống trong lời nói phát thanh
Tăng cường sử dụng lớp từ KN văn hóa là việc làm cần thiết. Bởi nếu tăng cường từ ngữ KN, đồng nghĩa với việc tăng cường cho lời nói phát thanh những giá trị như: giúp lời nói đơn giản, dễ hiểu, gần gũi, thân mật, ngắn gọn, súc tích, tăng giá trị biểu cảm, đặc biệt, nó có khả năng tạo phong cách ngôn ngữ tác giả, đưa lời nói phát thanh tiến gần tới phong cách nói vốn là đặc điểm hướng tới của phát thanh hiện đại.
4.1.1.2. Nên tinh giản những từ ngữ mang màu sắc học thuật, “bác học” trong lời nói phát thanh
Nên sử dụng hạn chế thuật ngữ, từ chuyên ngành, danh pháp khoa học, từ ngữ chính trị, từ Hán-Việt xa lạ, khó hiểu. Đài TNVN cũng nên xây dựng 1 chương trình mới, ví dụ: Phổ biến ngôn ngữ mới để giới thiệu các thuật ngữ, từ chuyên ngành, từ Hán- Việt, từ viết tắt bằng tiếng Anh.
Chỉ nên sử dụng từ tiếng nước ngoài, từ tắt tiếng Anh trong 2 trường hợp: 1) không có từ tiếng Việt tương đương thay thế, 2) từ thay thế bằng tiếng Việt quá dài, hoặc không diễn đạt chính xác nội dung. Đối với các từ ngữ diễn đạt thông tin theo phong cách ngôn ngữ của người nước ngoài, khi chuyển ngữ, nhà báo cần chuyển sang phong cách nói năng của người Việt.
4.1.1.3. Nên tinh lọc lớp từ trung hòa về phong cách
Lớp từ trung hòa về phong cách nên được sử dụng chọn lọc. Cùng với đó, lớp từ KN văn hóa và lớp từ được ĐDVPC cần được sử dụng nhiều hơn. Cốt lõi để giải quyết vấn đề nằm ở dụng công ngôn từ và trình độ ngôn ngữ của nhà báo.
4.1.2. Về cách sử dụng câu trong lời nói phát thanh hiện nay
Hiện tượng sử dụng nhiều câu ghép, câu có ngữ đoạn xuôi chiều, hay câu có nhánh rẽ thông tin cần được hạn chế bằng một số biện pháp như tách câu ghép thành câu đơn, phân tách các ý, diễn đạt xuôi chiều theo cách nói năng của người Việt.
Về vấn đề độ dài của câu, sẽ là khả thi nếu hạn định dung lượng chuẩn là dưới 30 âm tiết/câu. Riêng với những chương trình ứng khẩu trực tiếp, những câu dài tới trên 60 âm tiết vẫn cần tránh.