Cuộc hóa thân thứ hai: thi nhân thành kẻ lang bạt

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THƠ HAIKU và VAI TRÒ của MATSUO BASHO (Trang 26 - 32)

Matsuo Basho – bậc đại sư thơ Haiku, sau cuộc hóa thân thứ nhất là từ kẻ lang bạt trở thành một thi nhân, tiếp diễn hành trình cuộc đời của nhà thơ đại tài chính là cuộc hóa thân ngược lại, từ một thi nhân hóa thân lại thành kẻ lang bạt. Thứ nhất gọi là “cuộc hóa thân” bởi trước hết đây là một cuộc hành trình lâu dài mà Matsuo Basho theo đuổi và mong lấy đó làm lý tưởng cho cuộc đời về sau của mình. Ngoài ra còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân đến từ chính cuộc sống thực tại lúc bấy giờ của chính Basho và tâm tưởng của ông dường như bắt đầu có sự chán nản. Gọi là “hóa thân” vì

đây là hành trình mà Basho tự đi tìm lấy chính mình, dưới lớp áo của kẻ lang bạt để tìm thấy một nhà thơ chính thực.

Matsuo Basho – bậc đại sư thơ Haiku luôn trăn trở và bất mãn với bản thân dù bản thân đã và đang đạt đến những mục đích cụ thể và những lí tưởng mà bản thân đã đặt ra. Ông luôn chấp niệm bản thân mình không xứng đáng với những thành công mà mình đã đạt được. Chính điều này đã tạo ra những nỗi cô đơn tồn tại cố chấp trong tâm tưởng của Basho, dù xung quanh nhà thơ là những học trò thân cận nhưng không khỏa lấp được sự cô đơn trong ông. Có thể nói, nỗi cô đơn tồn tại cố chấp ấy bản chất xuất phát từ chính tâm tư của nhà thơ, từ chính những nỗi hụt hẫng từ chính bản thân mình. Trong lời đề từ trên đầu một bài thơ, Basho có viết: “Cô đơn nghĩ về bản thân và ta cảm thấy nỗi cô đơn đó khi suy tư về cuộc đời chẳng ra gì của mình. Ta muốn gào to lên là tôi đang cô độc đây nhưng chẳng một ai đặt câu hỏi xem tâm trạng của

ta như thế nào?” (Nguyễn Nam Trân, 2018: 20)

Vì nỗi cô đơn dai dẳng mà Basho phải tự tìm cho mình sự giải thoát. Basho bắt đầu tập tu thiền dưới sự chỉ đạo của nhà sư Butcho (Phật Đinh, 1642 – 1715) – một láng giềng của ông. Nhưng tu tập lại không giúp Basho thoát khỏi vấn đề, chưa thoát khỏi cô đơn thì lại chồng chéo buồn khổ, ảo ảnh và sự bất an… bao trùm lấy con người bên trong lẫn bên ngoài Basho, khiến nhà thơ khốn đốn vì chúng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện xuất phát từ nội tại của nhà thơ, là những “điều kiện cần” cho “cuộc hóa thân” của Basho. Ngoài ra còn những điều kiện khác đóng góp vai trò lớn cho quyết định “hóa thân” của Basho chính là những vấn đề đời tư, có thể gọi đó là những “điều kiện đủ”. Mùa đông năm 1682, am Basho bị thiêu trụi làm tư tưởng “con người vĩnh viễn là kẻ lang thang không bến đỗ” của Basho xuất hiện và ngày càng ám ảnh tâm hồn ông. Tiếp đó, việc mẫu thân qua đời khiến cho Basho càng cảm thấy thiếu thốn tình cảm và cô độc giữa cuộc đời trong cảnh không nhà và không gia đình – những thứ khiến con người ta cảm thấy được an ủi và yêu thương – giờ đã biến mất trong Basho.

Tất cả những yếu tố trên đã thôi thúc một nhà thơ đại tài rời khỏi mái nhà yên ấm mà bước vào chốn cuộc đời phong trần khó khăn, sống cuộc đời của một kẻ lang bạt. Đến đây, có phần ngược lại so với cuộc hóa thân đầu tiên: từ một kẻ lang bạt trở thành một nhà thơ; tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, vị thế hóa thân lần thứ hai có đôi phần khác so với lần thứ nhất. Cùng là một nhà lang bạt, nhưng nhà lang bạt trong hành trình thứ nhất là nhà lang bạt thực sự, buộc phải sống cuộc đời của kẻ phiêu lãng. Còn với cuộc hóa thân thứ hai, sống cuộc đời của con người lang bạt này là công cụ, phương thức để nhà thơ Matsuo Basho đi tìm con người lí tưởng trong thơ ca đã đánh mất của chính mình. Cuộc hành trình này giúp nhà thơ chờ đợi nhiều điều, có sự đối mặt với cái chết và những khả năng như thế sẽ giúp ông chỉnh lại tâm trí cũng như thi ca của mình.

Trong cuộc hóa thân lần thứ hai, Basho đã tự mình trải qua tổng cộng bốn cuộc ra đi để tìm kiếm và tận hưởng cuộc đời lang bạt. Mỗi chuyến đi đều để lại cho Basho những giá trị trong tâm hồn và trong thơ ca. Chúng ta cũng có thể nhìn nhận đó chính là quá trình với những mốc biến đổi trong thơ ca của Matsuo Basho. Từng cuộc hành trình gắn liền với những biến đổi trong tác phẩm của Basho.

Cuộc hành trình thứ nhất

Chuyến đi đầu tiên vào năm 1684, chuyến đi rất dài, nó đưa ông qua hơn mười tỉnh nằm giữa Edo và Kyoto. Ông đi men theo con đường lớn dọc bờ biển Thái Bình Dương đi về miền Tây, và cuối cùng trở về quê nhà Ueno. Để rồi từ giã cố hương Ueno để nối dài cuộc hành trình. Chính giai đoạn này Basho đã sáng tác Mặt trời mùa

đông (Fuyu no hi), một chùm thơ gồm 5 Renku (thơ liên ngâm), nhiều bài thơ Haiku

và Renku, viết được tập văn du kí đầu tiên Dọc đường mưa gió. Giai đoạn này đánh dấu một bước chuyển mới trong thi pháp của Basho.

Cuộc hành trình thứ hai

Cuộc hành trình thứ nhất kết thúc với điểm cuối cùng chính là am Basho, ông tạm dừng khi bản thân tìm thấy được thoải mái hơn trước đây và thu thập được nhiều

kết quả. Sự thoải mái trong tâm tình của mình đã mang Basho đến với cuộc hành trình thứ hai, Basho hướng về miền Tây nước Nhật. Ông gặp gỡ bạn bè và làm thơ trong suốt dọc đường, thưởng thức nhiều cảnh đẹp và trở ngược lại miền Đông. Có thể xem đây là chuyến đi mang lại cho Basho nhiều hạnh phúc hơn cả vì khắp nơi nhà thơ đều được tiếp đón một cách nồng hậu và chuyến đi này cũng mang lại nhiều thành quả.

Matsuo Basho đã sáng tác thêm hai tập văn du kí là Tráp đeo lưng cũ (Oi no kobumi),

Chuyến đi viếng thăm thôn Sarashina (Sharashina Kiko). Bút kí ở giai đoạn này có

một vị trí đặc biệt trong qui phạm của trường phái Basho vì trong đó bên cạnh những lời phát biểu khác ông đã viết một đoạn văn tuyên cáo rằng Haiku là một trong những thể thơ chính yếu của thi ca Nhật Bản. Và lúc này, ông đã thấu hiểu ý nghĩa của sự sáng tác Haiku, tin tưởng đó là một hình thức nghệ thật nghiêm túc và có thể chỉ đường cho con người tìm đến một lối sống hết sức cao thượng.

Cuộc hành trình thứ ba

Nhận thức được tư tưởng từ trong thi ca đến cả đời sống, Basho đã bắt đầu chuyến đi thứ ba của mình với tư cách không phải một nhà thơ danh tiếng mà dưới tư cách của một nhà sư khắc khổ và ông lựa chọn đến phía bắc đảo Honshuu – một nơi hẻo lánh và hoang dã. Chính ở vùng đảo này ông đã nhìn thấy đảo Sado và viết nên một trong những vần thơ được ca ngợi nhất của mình.

“Araumi ya Sado ni yokotau Amanogawa

Trên biển gầm sóng dữ, Giải Ngân Hà bắc ngang, Tận phía đảo Sado.”

Cuộc hành trình lên miền Bắc đã đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Basho vì ông đã sáng tác được những tác phẩm văn chương hay như cuốn du kí Đường mòn miền Bắc (Oku no hosomichi). Ngoài thành tựu là những áng văn

chương, thành công nhất ở Basho chính là bản thân nhà thơ đã tìm được cho mình một tư tưởng, một lối sống nhờ vào những chiêm nghiệm sâu sắc của mình. Nhờ đó có thể giúp nhà thơ giải quyết được những mâu thuẫn nội tâm khó gỡ và tìm được sự bình yên trong tâm hồn.

Điều này được hình thành dựa trên ý tưởng sabi – có nghĩa là cô quạnh, cô tịch. Sabi là linh hồn của tịnh liêu, là cảm thức về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật, nhìn thấy chúng tự bộc lộ những điều kỳ diệu. Sabi là cô đơn nhưng là “niềm cô đơn huy

hoàng”, là cảm thức hùng tráng chứ không phải là cô đơn cá nhân, không mang tính

bi lụy. Nó là sự tĩnh mịch không có giới hạn. Khi con người và sự vật ở trong cảnh cô liêu, tĩnh lặng sâu xa chính là lúc tất cả đã chìm vào hư vô, thoát khỏi bản ngã để tiến vào trạng thái vô ngã. Và như vậy, sabi là niềm cô tịnh vô ngã. Khái niệm này cho rằng người ta có thể đạt đến sự thanh thản và trong sáng của tâm hồn khi biết hòa nhập bản ngã của mình vào trong cuộc sống vô ngã của thiên nhiên.

Giai đoạn này cách sống sabi được Basho thể hiện rất đậm trong thi ca của mình giai đoạn này, khoảnh khắc con người đồng hóa với thiên nhiên phi nhân tính, vô tình, theo ông hết sức quan trọng trong sự sáng tạo thi ca. Chính giai đoạn này đã làm nên một sự chuyển biến trong Basho, nhà thơ dường như bắt đầu suy nghĩ về một nguyên lí thi ca một cách đúng đắn hơn và triết học hơn, điều này được thể hiện qua hai tác phẩm Ghi chép lời nghe được trong bảy ngày (Kikigaki Nanukagusa) và Trao đổi ở Yamanaka (Yamanaka Mondo). Ngoài ra trong chuyến đi này ông đã sáng tác tuyển tập mang tên Áo tơi cho khỉ (Sarumino), được đánh giá như là tác phẩm tượng trưng cho cao điểm của thơ Haiku theo phong cách Basho về cả quan niệm sabi và phong cách làm thơ. Hành trình thứ ba của Basho cũng kết thúc với những kết quả và thành công mới tương tự như những chuyến đi trước của ông.

Basho mong làm thơ để có thể vượt lên trên những ràng buộc của cuộc đời này nhưng hiện thực cuộc đời lại như trói buộc khi mình đã đạt được đến danh vọng. Thế nên vì cay đắng nên nhà thơ mới thốt nên câu thơ “Trên khuôn mặt khỉ kia/ Mang

thêm mặt nạ khỉ”. Để có thể thoát khỏi tình thế ấy, Basho lựa chọn khép cánh cửa của mình lại trong vòng một tháng.

Giải pháp này của Basho dựa trên khái niệm karumi (nhẹ lâng), một biện chứng vượt khỏi khái niệm sabi (tịch liêu, cô quạnh). Karumi bắt nguồn từ chữ Karushi, nghĩa là nhẹ nhàng, thanh thoát. Đó là sự dung hợp giữa tính chân phương trong phong cách và sự tinh tế trong nội dung. Karumi được nói đến như một phong thái ung dung, tự tại. Chính tâm thế đó đã tạo nên ở các thi sĩ Haiku có cái nhìn rất hiện thực khi phản ánh cuộc sống và thấy được vẻ đẹp của con người và sự vật dẫu cho nó bé nhỏ và tưởng chừng như bị quên lãng.

Nếu sabi khuyến khích người ta tách rời ra những ràng buộc của cuộc đời thì karumi giúp cho việc đó trở nên khả thi hơn, nghĩa là nếu ai đạt được đến tâm cảnh ấy rồi, người ấy thể trở lại với thế giới hằng ngày. Trên phương diện tinh thần, người ấy sẽ là khách bàng quan giữa cuộc đời ô trọc, mang tâm thế nhẹ nhàng đón nhận, không trốn chạy khỏi những đau thương của cuộc sống mà vẫn đối diện, mỉm cười nhìn nó trôi qua như là một điều vốn nằm trong lẽ của nó. Để con người có thể tiến gần hơn với cái tịch của sabi thì cần phải trải qua karumi, nghĩa là cần phải mang cái tâm nhẹ nhàng, thanh thoát đối diện với cuộc đời, có thế thì mới chạm vào được chữ tịch trong tâm hồn. Tụ chung lại, ấy là sự thanh cao, tịnh nhã.

Những cảm thức và tư tưởng ấy đã dần hình thành trong thơ của Basho, kết quả đã đưa đến việc họ hoàn thành các tuyển tập Haiku như Bị đựng than

(Sumidawara), Gian phòng biệt lập (Betsuzashiki), Áo tơi cho khỉ (tập tiếp theo) (Zoku-Sarumino). Những bài thơ tiêu biểu trong tập này thường mang tính chất từ chối chủ nghĩa cảm thương, mà giữ một sự bình tĩnh và có thái độ thanh thản đối với mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời.

Đến gần cuối đời, Basho thực hiện chuyến đi cuối cùng vào mùa hè năm 1694. Nhưng sức khỏe dần suy yếu và nhận thức được bản thân dần lìa xa cuộc đời nhưng nỗi niềm thi ca không bao giờ nguôi.

Trong cả cuộc đời Basho, dù có sự chuyển xoay như thế nào trong đời sống hay trong con người thì thi ca và giá trị thi ca vẫn là mục đích cuối cùng mà Basho hướng tới, thi ca không chỉ là sản phẩm sáng tác được tạo thành mà đó còn là cả cuộc đời, những tư tưởng, quan điểm sống và thẩm mỹ của chính Basho. Chúng được gói gọn vào những bài thơ Haiku và một con người hai lần hóa thân trong cuộc đời mình, một lần là để tìm đến với thi ca, lần nữa là đi tìm con người thật sự và giá trị trong thi ca. Đó là lí do vì sao có những chuyến đi xa không ngại gian khó trong cuộc hóa thân thứ hai của Basho.

Một phần của tài liệu TIỂU LUẬN QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THƠ HAIKU và VAI TRÒ của MATSUO BASHO (Trang 26 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(53 trang)